Không để trục lợi chính sách khi thực thi 3 luật bất động sản

MAI AN 14/06/2024 14:15

Kết luận phiên thảo luận mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý Chính phủ tránh lợi ích nhóm khi các Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản sửa đổi có hiệu lực sớm từ 1/8.

>>Ba luật mới kỳ vọng thúc đẩy nguồn cung bất động sản

3 luật mới có hiệu lực sớm sẽ tác động lớn đến thị trường bất động sản. Ảnh: DH 

Không để phát sinh tiêu cực

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trước đó, Chính phủ đã có tờ trình đề xuất cho phép 3 luật liên quan tới thị trường bất động sản, là Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8, sớm 5 tháng so với quyết nghị của Quốc hội. Riêng một số quy định chuyển tiếp tại 7 điều (từ điều 253 đến 260) Luật Đất đai vẫn có hiệu lực từ 1/1/2025.

Chính phủ cho rằng, việc cho phép Luật Đất đai có hiệu lực sớm hơn sẽ khơi thông nguồn lực, giá trị đất đai, cũng như đáp ứng nguyện vọng của địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Tại phiên họp cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng diễn ra mới đây, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, lưu ý Chính phủ nhận diện rõ rủi ro, thách thức của việc điều chỉnh thời gian hiệu lực này, để có giải pháp kiểm soát.

"Chính phủ cần cam kết, chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội và không để khoảng trống pháp lý, trục lợi chính sách và lợi ích nhóm khi các luật có hiệu lực sớm từ 1/8", Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu.

Trước đó, thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi hiệu lực sớm hơn 5 tháng với các luật chưa có hiệu lực, có nhiều nội dung mới, phức tạp và tác động lớn nên cần cân nhắc thận trọng. Cơ quan thẩm tra cũng nhận xét hồ sơ dự án luật của Chính phủ chưa đánh giá kỹ tác động tích cực, tiêu cực với kinh tế - xã hội; ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, cơ quan trình cũng chưa làm rõ điều kiện bảo đảm thi hành luật, như tiến độ, chất lượng văn bản quy định chi tiết do các cơ quan trung ương, địa phương ban hành.

Phó chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ rà soát kỹ các điều khoản chuyển tiếp để đảm bảo khả thi, không chồng chéo với các luật và sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, chuẩn bị các điều kiện thi hành luật này.

>>Cuộc "giải cứu" bất động sản đặc biệt chưa từng có

Thay đổi diện mạo thị trường

Thực tế, sau hơn 1 năm Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp nỗ lực tháo gỡ vướng mắc về pháp lý dự án, thị trường bất động sản đã ghi nhận những diễn biến tích cực. Các giao dịch quay trở lại sau thời gian đứng hình. Tuy vậy, nguồn cung nhà ở vẫn còn hạn chế do các vướng mắc vẫn "chờ" luật mới.

3 luật mới sẽ góp phần khơi thông nguồn cung nhà ở. Ảnh: DH

Theo các chuyên gia, để giải “bài toán” này, việc đẩy nhanh thực thi các bộ luật (Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Đất đai) sẽ là một giải pháp quan trọng.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, Luật Nhà ở năm 2023 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng để góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển nhà ở.

Trong khi đó, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 sẽ tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương và thiết lập công cụ kiểm soát quản lý thị trường bất động sản.

Theo ông ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc Mảng dịch vụ tư vấn & Phát triển dự án DKRA Group, với việc các Luật có thể có hiệu lực sớm hơn 5 tháng so với dự kiến, sẽ có những tác động nhất định lên thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Đặc biệt, Luật Đất đai từ trước đến nay vẫn được xem là bộ luật trung tâm, có sức ảnh hưởng sâu rộng với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản, do đó việc áp dụng sớm sẽ tạo tiền đề vững chắc cho các bộ luật còn lại phát huy tối đa hiệu quả.

Cùng với đó, với những cải cách quan trọng trong các quy định về quy hoạch, thu hồi đất, cho thuê đất… nổi bật là việc gỡ vướng trong khâu tính tiền sử dụng đất hay trong công tác giải phóng đền bù được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các “nút thắt” pháp lý nhiều dự án. Từ đó, thúc đẩy gia tăng nguồn cung cho thị trường địa ốc trong thời gian tới.

Đồng quan điểm, LS Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho biết các luật mới đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa quá trình triển khai dự án và giảm bớt các khó khăn. Đây là những nỗ lực hợp nhất nhằm đáp ứng nhanh chóng và linh hoạt với đòi hỏi ngày càng phức tạp của thị trường bất động sản.

Dù vậy, ông Hà kiến nghị quá trình xây dựng những văn bản hướng dẫn thi hành cần tránh quy định chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong quá trình thực hiện giao dịch, cũng như các cơ quan nhà nước trong việc áp dụng luật.

Có thể bạn quan tâm

  • Thị trường bất động sản sẽ bứt phá khi các Luật mới có hiệu lực

    Thị trường bất động sản sẽ bứt phá khi các Luật mới có hiệu lực

    13:00, 01/06/2024

  • Ba luật mới kỳ vọng thúc đẩy nguồn cung bất động sản

    Ba luật mới kỳ vọng thúc đẩy nguồn cung bất động sản

    11:30, 09/05/2024

  • Doanh nghiệp địa ốc loay hoay chờ luật mới có hiệu lực

    Doanh nghiệp địa ốc loay hoay chờ luật mới có hiệu lực

    11:00, 24/03/2024

  • Những

    Những "trợ lực" từ Luật mới giúp phân khúc bất động sản nào hồi phục nhanh nhất?

    11:30, 27/12/2023

MAI AN