Cân nhắc quy định về công suất, ranh giới khai thác khoáng sản
Để các chính sách bám sát với thực tế hoạt động của doanh nghiệp, góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về công suất, ranh giới khai thác khoáng sản…
>> Hiện thực hóa nền công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo, dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 7 đang diễn ra và xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Dự thảo gồm 117 Điều và được bố cục thành 12 Chương, tăng 1 Chương và 31 Điều so với Luật Khoáng sản năm 2010.
Mặc dù được đánh giá, về cơ bản đã khắc phục được những tồn tại của Luật Khoáng sản năm 2010, tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, nội dung Dự thảo Luật này còn nhiều điểm cần được cân nhắc nhằm đảm bảo với thực tế phát triển của ngành khoáng sản hiện nay.
Góp ý xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp địa chất và khoáng sản Việt Nam đề nghị, cân nhắc, xem xét quy định về quản lý công suất, ranh giới khai thác khoáng sản (quy định tại khoản 26 Điều 3, khoản 2 Điều 59, khoản 3 Điều 64 của Dự thảo Luật).
Cụ thể, Hiệp hội đề nghị tiếp cận hướng quản lý công suất theo quy luật của thị trường và ranh giới khai thác theo mục tiêu tận thu tối đa khoáng sản không tái tạo để điều tiết công suất khai thác của các dự án và ranh giới khai thác khoáng sản thay vì tiến hành xử lý vi phạm hành chính và hình sự hóa việc khai thác vượt công suất hoặc khai thác ngoài ranh giới (sát biên ranh giới cấp phép) như quy định hiện hành.
>> ĐBQH “truy” đấu giá quyền khai thác khoáng sản
Đồng thời, cân nhắc cơ chế “Công suất khai thác linh hoạt” để phù hợp với việc tối ưu hóa kế hoạch sản xuất hàng năm của doanh nghiệp và chế độ báo cáo xin điều chỉnh ranh giới khai thác khi cần mở rộng để tận thu tối đa tài nguyên; Quản lý siết chặt bằng các chế tài xử phạt khi các số liệu không được báo cáo, đóng thuế phí đầy đủ và sản lượng khai thác hàng năm cộng lại vượt quá trữ lượng được cho phép huy động vào khai thác trong thời hạn cấp phép.
“Theo đó, doanh nghiệp được phép chủ động điều tiết và điều chỉnh công suất của các dự án khai thác khoáng sản dựa trên nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Vấn đề này giống mô hình điều tiết sản lượng khai thác dầu thô của tổ chức xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới”, Hiệp hội đề xuất.
Cùng với vấn đề đã nêu, góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Hiệp hội cũng đề nghị bổ sung Điều 51 về quyền ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản.
Theo Hiệp hội, trên thực tế, các đơn vị thăm dò khoáng sản đều có nhu cầu xin cấp phép khai thác nhưng do điều kiện khách quan (giá bán xuống thấp, không tìm kiếm được thị trường, chưa có công nghệ chế biến sâu phù hợp… nên chưa nộp đơn xin cấp phép khai thác trong khoảng thời gian được ưu tiên (36 tháng kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận kết quả).
Sau thời gian này, chưa có quy định hoặc hướng dẫn về trường hợp khi mất quyền ưu tiên, đơn vị thăm dò khoáng sản vẫn có nhu cầu xin cấp phép khai thác thì xử lý như thế nào? Trong các trường hợp: Tại thời điểm nộp hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư có nhiều đơn vị nộp hồ sơ xin chấp thuận đầu tư hoặc không có đơn vị nào xin chấp thuận đầu tư khai thác mỏ.
Ngoài ra, bổ sung quy định về quyền thăm dò bổ sung tại Điều 54, bởi theo Hiệp hội Doanh nghiệp địa chất và khoáng sản Việt Nam, việc biến động trữ lượng (thực tế tăng lên hoặc giảm xuống) tại các mỏ khoáng sản là một thực tế khách quan, do vậy trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cần thiết bổ sung vào khoản 1 Điều 62 (quyền của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản) quy định về quyền được báo cáo, thực hiện thăm dò bổ sung và Cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt hoặc xác nhận kết quả thăm dò bổ sung đó (Điều 111 và Điều 112).
Chưa kể, việc bổ sung quy định tại Điều 54 là cần thiết để đảm bảo hiệu lực pháp lý cao hơn bởi về sai số cho phép ở các cấp trữ lượng mà hiện nay chỉ đang mới được quy định ở cấp Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đồng thời, Dự thảo Luật cũng cần cho phép doanh nghiệp được phép khai thác trong phạm vi sai số cho phép này và nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phù hợp với sai số khoản 1 Điều 62 (quyền của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản).
Không chỉ có vậy, về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Hiệp hội doanh nghiệp địa chất và khoáng sản Việt Nam cũng đề nghị, cho phép áp dụng cách tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định tại Điều 103 Luật Địa chất và Khoáng sản đối với các Giấy phép khai thác khoáng sản đã được cấp, đã có quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trước ngày Luật này có hiệu lực.
Được biết, thời gian qua, Dự thảo đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận về các vấn đề: đấu giá quyền khai thác khoáng sản; tài chính về khoáng sản; bảo đảm quyền tài sản đối với khai thác khoáng sản;...
Có thể bạn quan tâm
ĐBQH “truy” đấu giá quyền khai thác khoáng sản
13:25, 04/06/2024
Khoanh vùng để dự trữ khoáng sản quốc gia
10:16, 04/06/2024
Cần luật hoá cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản
10:03, 04/06/2024
Từng bước lập lại trật tự trong khai thác khoáng sản
04:13, 04/06/2024
Nghệ An tăng cường quản lý khai thác khoáng sản
15:58, 23/05/2024