Nguồn cung nhà ở xã hội sẽ khởi sắc

VI ANH 17/06/2024 03:00

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội sẽ bùng nổ từ năm 2026 khi các luật mới có hiệu lực giúp thúc đẩy phân khúc này phát triển mạnh mẽ.

>>Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng cho biết, Luật Nhà ở 2023 khi có hiệu lực sẽ có nhiều điểm mới khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt là quy định liên quan đến việc dành đất cho quỹ nhà ở xã hội.

 Luật Nhà ở 2023 khi có hiệu lực sẽ có nhiều điểm mới khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội. Ảnh:VA

Luật Nhà ở 2023 có nhiều điểm mới khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội. Ảnh:VA

Nhiều tín hiệu tích cực

Cụ thể, Luật Nhà ở 2023 đã bổ sung quy định giao trách nhiệm của UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội theo Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt. Trong đó, bao gồm quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội độc lập, hay quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại…

Để hoàn thành Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, cả hệ thống chính trị đã nhập cuộc từ trung ương đến địa phương. Điển hình là mới đây, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 34/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.

>>Luật Nhà ở 2023: những điểm mới có lợi cho người dân và doanh nghiệp

Trao đổi với DĐDN, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: “Thời gian qua sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện. Đồng thời đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội”.

Từ đó đã có những chuyển biến tích cực, nguồn cung và các dự án khởi công xây dựng mới đã tăng so với các năm trước. Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn (tăng 4 dự án, 6.950 căn so với thời điểm báo cáo ngày 15/3).

Trong đó, có 75 dự án với quy mô 39.884 căn đã hoàn thành, 128 dự án với quy mô 115.379 căn đã khởi công xây dựng và 300 dự án với quy mô 262.937 căn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Hay như gần đây, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đề xuất xây mới 9 khu nhà ở xã hội tập trung với quy mô 668 ha ở các huyện ngoại thành. Trước đề xuất này, Hà Nội đã bố trí vốn ngân sách để thực hiện chuẩn bị đầu tư 5 khu nhà ở xã hội tập trung, với tổng quy mô sử dụng đất 248ha tại Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, Thanh Trì và Thường Tín.

Nguồn cung nhà ở xã hội được dự báo sẽ “bùng nổ” trong giai đoạn 2026 - 2027.

Nguồn cung nhà ở xã hội được dự báo sẽ “bùng nổ” trong giai đoạn 2026 - 2027.

Động thái trên cho thấy những nỗ lực quyết liệt của các lãnh đạo cơ quan ban ngành trong công tác phát triển nhà ở xã hội. Tại một cuộc họp vào cuối tháng 5, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu các sở ngành phải cam kết khởi công ít nhất một dự án nhà ở xã hội trước ngày 1/10/2024.

“Mục tiêu cao nhất là xây dựng nhà ở xã hội với chất lượng tốt nhất, giá rẻ nhất; khống chế lợi nhuận định mức bằng quy định của pháp luật để trước mắt, người thu nhập trên trung bình có thể mua được nhà”, Lãnh đạo Hà Nội nhấn mạnh.

Ngoài ra, đến nay phân khúc này cũng đã thu hút được sự tham gia của nhiều “ông lớn” địa ốc như Vinhomes, Becamex IDC và một số doanh nghiệp nhà nước như Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) với quy mô lên đến hàng chục ngàn căn.

Nguồn cung khởi sắc 

Dự kiến trong thời gian tới, khi một số quy định trong luật mới chính thức có hiệu lực sẽ góp phần giải quyết được nhiều vướng mắc, tạo đà cho nhà ở xã hội phát triển mạnh mẽ hơn.

Theo ông Nguyễn Thế Điệp - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thời gian tới, phân khúc nhà ở xã hội có thể sẽ bứt phá mạnh về nguồn cung khi các quy định mới cho phép dự án được triển khai thuận lợi hơn, nhanh hơn. Khi nguồn cung nhà ở xã hội lớn, giá nhà có thể "hạ nhiệt".

Cùng với đó, các luật mới có hiệu lực sẽ phần nào tháo gỡ những nút thắt lâu nay trong quá trình triển khai dự án, từ đó giải phóng nguồn cung, giúp giảm giá nhà, ổn định thị trường. Ông Điệp dự báo, nguồn cung nhà ở xã hội sẽ cải thiện từ năm 2025 và sẽ “bùng nổ” trong giai đoạn 2026 - 2027.

Việc phát triển phân khúc nhà ở xã hội đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, song các chuyên gia bất động sản cho rằng, để giải quyết vấn đề về nguồn cung vẫn tiếp tục cần những chính sách tháo gỡ bất cập trong xử lý quy trình thủ tục, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp tham gia, đẩy nhanh tiến độ dự án… từ đó gia tăng nguồn cung ra thị trường. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý về việc các quy định mới có hỗ trợ những dự án đã được phê duyệt và vướng bởi các quy định trước đó hay không.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: Nhà ở xã hội giá “vừa túi” người lao động

    Hải Phòng: Nhà ở xã hội giá “vừa túi” người lao động

    13:18, 15/06/2024

  • Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội

    Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội

    18:28, 14/06/2024

  • Hà Nội đề xuất thêm 9 khu nhà ở xã hội

    Hà Nội đề xuất thêm 9 khu nhà ở xã hội

    03:00, 14/06/2024

  • Chính phủ yêu cầu rà soát gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

    Chính phủ yêu cầu rà soát gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

    05:00, 13/06/2024

  • Hải Dương: Còn nhiều vướng mắc trong xây dựng nhà ở xã hội

    Hải Dương: Còn nhiều vướng mắc trong xây dựng nhà ở xã hội

    17:51, 12/06/2024

VI ANH