Nâng ngưỡng chịu thuế giúp hộ kinh doanh “nhanh lớn”
Nếu muốn động viên, khuyến khích các hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ “nhanh lớn” thì phải nâng mức doanh thu chịu thuế từ 250 triệu đồng/năm đến 300 triệu đồng/năm.
>>Nhiều lý do khiến hộ kinh doanh “ngại” lên doanh nghiệp
Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Văn Thân, ĐBQH tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với DĐDN.
- Theo dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), mức doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) tăng lên 150 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thì ngưỡng doanh thu chịu thuế 150 triệu đồng/năm vẫn tương đối thấp. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi cho rằng, phản ánh của nhiều doanh nghiệp là hoàn toàn đúng. Bởi, hiện nay từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đến hộ kinh doanh cá thể đang gặp nhiều khó khăn.
Đối với thuế VAT, Chính phủ đã có các gói hỗ trợ, tuy nhiên có những gói hỗ trợ về tài khoá, ngân hàng được đưa ra nhưng sự hấp thụ của doanh nghiệp không cao. Như vậy, việc nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh là một phương án là cần thiết nhưng cần cao hơn.
Với ngưỡng doanh thu chịu thuế 150 triệu đồng/năm, tính trung bình mỗi tháng có doanh thu 12,5 triệu đồng phải đóng thuế là tương đối thấp. Nếu so sánh giữa cá nhân kinh doanh và cá nhân làm công ăn lương sẽ thấy sự bất hợp lý.
Mức 150 triệu đồng/năm chưa phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay. Một năm, một hộ cá nhân kinh doanh có mức doanh thu 150 triệu đồng thì giá trị gia tăng theo biểu thuế khoảng 15 triệu đồng. Với 15 triệu đồng so với mức cận nghèo ở nông thôn là 18 triệu đồng và thành phố là 24 triệu đồng thì mức doanh thu này còn chưa bằng mức cận nghèo mà phải đóng thuế thì chưa phù hợp.
Do đó, tôi đề nghị điều chỉnh tăng ngưỡng doanh thu không chịu thuế GTGT lên 250 triệu đồng hoặc 300 triệu đồng để phù hợp với Luật Thuế thu nhập cá nhân và mức chuẩn nghèo tại Nghị định 07/2021/NĐ-CP.
- Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng nâng mức doanh thu không chịu thuế đối với hộ kinh doanh lên từ 250 triệu đồng đến 300 triệu đồng sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước tại địa phương, nhất là các địa phương có số thu thấp, thưa ông?
Mức 150 triệu đồng/năm doanh thu để tính thuế đối với hộ kinh doanh đưa ra thời điểm này đã lạc hậu, chưa nói đến năm 2025 áp dụng. Thuế thu nhập cá nhân hiện nay trừ 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế, 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc.
Nếu tính hộ kinh doanh có 2 người, trong đó 1 người nộp thuế và 1 người phụ thuộc thì từ 184,8 triệu đồng/năm mới phải nộp thuế. Còn trong trường hợp hộ kinh doanh có nhiều người nộp thuế, tính 2 người nộp thuế thì phải lên đến 264 triệu đồng/năm.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, nên khi nâng mức giảm trừ gia cảnh lên thì con số 150 triệu đồng/năm đối với hộ kinh doanh càng lạc hậu hơn.
- Ông có đề xuất, kiến nghị gì về ngưỡng doanh thu chịu thuế của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nhằm đảm bảo tính khả thi, tránh lạc hậu khi áp dụng trong thực tiễn?
Thứ nhất, cần nâng mức đóng thuế của cơ sở kinh doanh để của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có thêm động lực, lợi ích để tiêu thụ hàng hóa và tạo công ăn việc làm. Không thể đưa ra ngưỡng đóng thuế quá thấp so với thực tế. Về mặt chủ trương chính sách, khi thu hẹp đối tượng nộp thuế sẽ làm giảm thu ngân sách. Tuy nhiên, khu vực hộ kinh doanh đóng góp cho ngân sách chiếm tỷ trọng không cao trong tổng thu ngân sách nhà nước (khoảng 2%), trong khi số lượng hộ kinh doanh có doanh thu dưới 150 triệu đồng/năm không quá lớn, thì việc tác động đến thu ngân sách Nhà nước là không đáng kể.
Thứ hai, nếu muốn động viên, khuyến khích hộ kinh doanh hay các doanh nghiệp siêu nhỏ “nhanh lớn” thì phải nâng mức doanh thu chịu thuế từ đến 250 triệu đồng/năm đến 300 triệu đồng/năm để khu vực kinh tế này ra nhập thị trường nhiều hơn. Khi nâng mức doanh thu chịu thuế lên từ 250 triệu đồng/năm đến 300 triệu đồng/năm, thì số đông doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cá thể không phải chịu thuế GTGT sẽ nhiều hơn, đây là cơ hội để khu vực kinh tế này có cơ hội được “lớn lên”.
Việc nâng mức chịu thuế mang lại lợi ích sau khi nâng mức doanh thu chịu thuế sẽ khuyến khích số người tham gia thành lập doanh nghiệp, công ty nhiều hơn. Khi thành lập công ty, doanh nghiệp thì mô hình chịu thuế và mô hình kinh doanh sẽ được nâng tầm lên. Như vậy, việc nâng mức doanh thu chịu thuế là rất cần thiết.
Thứ ba, nếu tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp phát triển sẽ giúp họ có tăng nguồn thu, đóng thuế nhiều hơn. Do đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu thực hiện cải cách các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực kế toán, thuế, tạo sự công bằng giữa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa so với doanh nghiệp lớn. Chính sách thuế, thủ tục hành chính phải thuận lợi để các hộ kinh doanh thấy có lợi, có động lực mạnh dạn chuyển đổi lên thành doanh nghiệp.
-Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Không nên chuyển hộ kinh doanh sang nhóm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
00:30, 28/05/2024
Nâng ngưỡng chịu thuế giá trị gia tăng với hộ kinh doanh - Cần sát thực tế
04:00, 12/03/2024
Nhiều lý do khiến hộ kinh doanh “ngại” lên doanh nghiệp
03:00, 26/02/2024