Tăng 10 % thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường có hợp lý?
Doanh nghiệp cho rằng, áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường là cần thiết, tuy nhiên, nếu 10% sẽ là cú sốc lớn với doanh nghiệp và khách hành trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay…
>>Có nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường?
Theo đó, tại tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính vẫn giữ quan điểm đồ uống có đường nằm trong diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), gồm nước giải khát có ga, chứa chè, cà phê, nước trái cây; nước uống tăng lực, điện giải, nước uống thể thao...
Sữa và sản phẩm từ sữa không chịu thuế này do không phải nước giải khát theo TCVN và là mặt hàng dinh dưỡng sức khỏe. Các loại nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai; nước rau quả và nectar (mật) rau, quả và sản phẩm từ cacao cũng không thuộc diện bị áp thuế.
Điểm mới so với các bản thảo trước, là Bộ Tài chính đề xuất áp mức thuế 10% với nước giải khát có đường. Phương án áp thuế 20% cũng được nhà chức trách nhắc đến, nhưng họ cho rằng mức thuế này sẽ gây phản ứng từ dư luận, doanh nghiệp nhiều hơn trong bối cảnh họ cần tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Theo đánh giá của cơ quan quản lý, giá nước ngọt có thể tăng 10% khi chịu thuế tiêu thụ đặc biệt mức tương ứng. Nhưng lượng tiêu thụ sẽ giảm, người tiêu dùng chuyển sang dùng sản phẩm thay thế hoặc loại ít đường, tốt hơn cho sức khỏe. "Việc tăng thuế và giá sẽ góp phần giảm béo phì, tiểu đường và tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm khác trong tương lai, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từ đó, hệ thống y tế, bệnh viện cũng được giảm áp lực, quá tải", Bộ Tài chính lập luận.
Đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính, nhiều chuyên gia cho biết đã có bằng chứng cho thấy tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, sâu răng và góp phần khiến mọi người thừa cân và béo phì. Đây là những vấn đề sức khỏe quan trọng, thậm chí tiêu thụ đồ uống có đường có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, kể cả gây ra ung thư.
Trên khắp thế giới, một biện pháp phổ biến để giảm tác hại từ đồ uống có đường là tăng giá bằng thuế. Chi phí cao hơn rất có tác dụng để giúp giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Biện pháp này có thể giúp làm chậm sự gia tăng tỷ lệ thừa cân và béo phì, đặc biệt là ở trẻ em và giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm trong các thế hệ tương lai.
Tuy nhiên, từ góc nhìn doanh nghiệp, bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, việc đưa nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 10% cần phải dựa trên các cơ sở khoa học, những đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện các tác động không chỉ với đối tượng chịu tác động trực tiếp mà còn các đối tượng chịu tác động gián tiếp đến người tiêu dùng, môi trường đầu tư, lao động, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp bên cạnh mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
“Nếu không, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường sẽ khó đạt được mục tiêu duy nhất là bảo vệ sức khỏe cộng đồng như kỳ vọng”, bà Chu Thị Vân Anh nói.
>>Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Cân nhắc ban hành trong khung thời gian phù hợp
Cũng phân tích nội dung này trên báo Pháp luật TP HCM, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh (Bidrico) - Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cũng có nhận định tương tự. Cụ thể, theo ông Hiến, nước giải khát có đường hay đồ uống có đường có đối tượng tiêu thụ đa số là tầng lớp bình dân. Bộ Tài chính cho rằng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đồ uống có hàm lượng đường trên 5g/100ml nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng tránh các bệnh như tiểu đường, béo phì, sâu răng. Khi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, giá bán sẽ tăng tương ứng.
Tuy nhiên, ông Hiến cho rằng có lẽ không có doanh nghiệp đồ uống nào đủ can đảm tăng giá bán lẻ 10% vì sẽ tạo nên cú sốc về khả năng tiêu dùng, đặc biệt nước giải khát là sản phẩm thiết yếu, đa số người có thu nhập bình dân nhất là lao động ở nông thôn tiêu dùng. Hơn nữa, khi sản phẩm không đủ độ ngọt như nhu cầu họ tìm sản phẩm khác thay thế. Như vậy, thiệt hại của doanh nghiệp không phải 10% mà hơn nữa.
Phân tích sâu hơn về nội dung này, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho biết, Việt Nam với 65% lao động ở nông thôn, chính sách áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát có đường là “đánh” vào 65% người nghèo. Ngoài ra, sẽ có người tiêu dùng giảm uống nhưng có người sẽ bỏ hẳn nên tăng thuế không theo lý thuyết giảm tiêu thụ tương ứng mà thể giảm đến 20%, thậm chí 50%.
“Bidrico trước đây đã điều chỉnh công thức và công bố cho người tiêu dùng biết đây là sản phẩm giảm đường. Khi chúng tôi tung ra thị trường họ không chấp nhận, trả lại hàng hóa. Đây là một trong những phản ứng rất nhanh của người tiêu dùng. Tức thì trong một tuần công ty phải thu hồi và quay lại với phương thức cũ. Mặt khác, chúng tôi tiến hành đăng ký công bố lại sản phẩm, làm lại nhãn mác. Ngoài tuyên truyền, đính chính mất hơn một tháng mới ổn định lại thị phần”, ông Hiến chia sẻ.
Đánh giá đề xuất của Bộ tài chính về việc tăng 10 % thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường, nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, khi chính sách chưa đi vào thực tế thì khó đánh giá được hiệu quả hoặc nếu có nghiên cứu cũng không đáng tin cậy.
Do đó, sau khi được ban hành Nhà nước cần phải đánh giá lại. Ví dụ như sau một năm áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, giá bán lẻ tăng, người dân giảm mua, doanh nghiệp sẽ cơ cấu lại sản phẩm tốt cho sức khỏe, thì chính sách đã phát huy hiệu quả. Ngược lại, Nhà nước cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Có thể bạn quan tâm