Nhận diện tham nhũng trong công tác cán bộ: Mối quan hệ “cộng sinh” nguy hiểm
Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, công tác cán bộ là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
>>Tham nhũng, tiêu cực đe dọa vận mệnh của Đảng
Nhận diện đúng biểu hiện, bản chất của tham nhũng trong công tác cán bộ sẽ góp phần ngăn chặn, khắc phục và hạn chế tình trạng tham nhũng trong công tác cán bộ, bởi nếu không sẽ làm hư hỏng cả đội ngũ cán bộ, tha hóa tổ chức, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng.
Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trò chuyện cùng ĐBQH Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
- Trong nền kinh tế thị trường, tham nhũng trong công tác cán bộ có quan hệ chặt chẽ với tham nhũng trong hoạch định chính sách, tham nhũng kinh tế. Trong những trường hợp như vậy, người ta thấy các vị trí “chạy chức”, “chạy quyền” thường đem lại quyền lợi “béo bở” trong việc cấp đất đai, tài chính, dự án đầu tư công... Ông bình luận gì về vấn đề này?
Chúng ta phải xác định, kinh tế thị trường bao giờ cũng có hai mặt. Mặt phải là kích thích kinh tế phát triển, tích luỹ của cải vật chất cho xã hội. Còn mặt trái là sự cấu kết, gian dối, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân…
Một trong những thuộc tính lớn nhất của con người là lòng tham và tham nhũng đã nảy sinh từ đây. Tham nhũng diễn ra ở bất kể xã hội, chế độ nào, khi xã hội chưa dư thừa của cải vật chất thì tham nhũng vẫn còn tồn tại.
Khi tham nhũng còn tồn tại sẽ tạo ra các “liên doanh”, nhóm “tư bản thân hữu”. “Tư bản thân hữu” có ở tất cả các chế độ, không chỉ riêng chế độ tư bản. Ở nước ta cũng đã xuất hiện một số nhóm lợi ích khi doanh nghiệp liên kết với nhà chính trị để tạo nên vùng lợi ích cho cá nhân họ.
Còn nhà chính trị dựa vào nhà kinh tế để có một khoản vật chất phục vụ lợi ích của mình. Ở các nước tư bản, họ sẽ dùng khoản tiền này vào việc vận động tranh cử. Trong khi ở ta, thể chế, luật pháp chưa minh bạch nên số tiền này được dùng để chạy chức, chạy quyền.
Đây chính là mảnh đất “màu mỡ” để tham nhũng phát triển. Bởi, có người muốn chi tiền chạy chức, chạy quyền thì sẽ có người nhận “chạy”, khi còn “muốn xin” và “thích nhận” thì việc có các “liên doanh” lợi ích nhóm là không thể tránh khỏi.
Để tiến tới một xã hội văn minh như các nước phát triển, họ cũng phải trải qua giai đoạn từ 30 năm đến 50 năm. Vì, khi chuẩn mực đạo đức liêm chính chưa được xác định thì mọi người vẫn chấp nhận sự tồn tại của tham nhũng để được việc riêng cho mình.
Và, khi thể chế, quy định chưa chặt chẽ, các thiết chế xã hội chưa có chế tài kiểm soát toàn bộ thể chế thì vấn nạn tham nhũng vẫn còn tồn tại. Các tham nhũng về cơ chế chính sách, chạy chức chạy quyền, làm sai lệch chính sách là hoàn toàn có thể xảy ra.
Tôi cho rằng, vấn đề này rất biện chứng, chúng ta phải chấp nhận đối mặt với nó để xử lý một cách khoa học, bài bản từng bước thì mới có thể tiêu diệt được nạn tham nhũng.
Diệt trừ được vấn nạn này đòi hỏi phải thời gian dài và có lộ trình, không phải hôm nay muốn ngày mai thực hiện mà mỗi năm ta cần phấn đấu cải thiện nâng được 3-5 bậc trên bảng xếp hạng chỉ số minh bạch thế giới.
Như vậy, hiện ta đang đứng thứ 80 trên thế giới, sau 6 năm nữa đến 2030 khi Việt Nam nằm trong top 20 nền kinh tế thế giới, ta sẽ đứng thứ 50 về chỉ số minh bạch; đến 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, ta đứng trong top 10-15 nước có chỉ số minh bạch nhất thế giới đã có thể coi là thành công. Như vậy, cần có lộ trình từ 20 năm đến 30 năm thì mới có thể đạt mục tiêu đề ra.
- Có một thực tế, đó là “thấp thoáng” phía sau các hành vi chạy chức, chạy quyền vào các vị trí “béo bở” thường có sự tham gia của các đại gia, của các nhân tố trung gian môi giới, thông qua các cuộc vận động hành lang hoặc “đầu tư tài chính”, thưa ông?
Như tôi đã phân tích ở trên, hai thực thể này đang có sự liên kết với nhau, nếu muốn loại bỏ được việc chạy chức, chạy quyền trước hết luật pháp phải nghiêm minh để dù có tiền cũng không chạy được.
Tại những nước phát triển, họ quy định vào các kỳ bầu cử hay đấu thầu các dự án, nếu doanh nhân gặp riêng quan chức – những người ra quyết định – là bất hợp pháp. Trước khi đấu thầu, người muốn đấu thầu đi gặp người chấm thầu thì gói thầu sẽ bị hủy và người vi phạm sẽ bị đưa vào “danh sách đen”, bị cấm đấu thầu trong một thời gian, tùy mức độ vi phạm.
Trong trường hợp người đấu thầu muốn gặp người chấm thầu thì phải có người thứ 3 hoặc có bằng chứng ngoại phạm chứng minh gặp người chấm thầu là vì công việc khác, chứ không phải gặp để lo chạy dự án. Đây là cách thức nhằm hạn chế hai bên “bắt tay” nhau làm sai.
Doanh nghiệp sẽ nhận thức dù có liên kết chặt chẽ với quan chức thì cũng không được lợi gì, vì đấu thầu được tổ chức công khai, minh bạch. Còn ở ta hiện nay, việc đấu thầu còn thiếu sự minh bạch vì còn tồn tại cơ chế xin-cho. Chỉ một “lá thư tay” hay “một cuộc điện thoại” là kết quả đấu thầu đã được “cắt góc”.
Trong khi, người có thực lực thì không có cách nào để trúng thầu chỉ vì không có mối quan hệ thân tình với quan chức hay người chấm thầu. Nhiều lần đấu thầu trượt sẽ khiến họ “nản lòng”, không muốn đầu tư phát triển khoa học công nghệ hay nâng cao năng lực cho doanh nghiệp của mình, vì dù có đầu tư nhưng thiếu mối quan hệ thì cũng “không giải quyết được vấn đề gì”.
Đây là nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp của Việt Nam ngày càng “teo tóp”, không có khả năng cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước, mà chưa nói đến “giấc mơ” cạnh tranh quốc tế.
Khi doanh nghiệp nhận thấy phải có mối quan hệ thì mới trúng thầu, lúc đó họ sẽ dành mối quan tâm lớn nhất là đi xây dựng mối quan hệ. Và, “cách đi nhanh nhất” là chi tiền cho quan chức để được “mở” cơ chế “thoáng” cho doanh nghiệp của mình.
Đây là mối quan hệ “tư bản thân hữu” làm hại cho xã hội, làm sai lệch chính sách, làm méo mó các mối quan hệ trong xã hội, thiếu tính minh bạch… từ đó tạo ra những người giàu bất chính. Còn những doanh nghiệp kinh doanh chính đáng muốn vươn lên thì bị thui chột, thậm chí phá sản vì “không tìm được việc”.
Muốn ngăn chặn thì phải tạo ra cơ chế minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư, người đấu thầu. Nếu phát hiện có dấu hiệu không minh bạch và còn tồn tại cơ chế xin-cho thì luật pháp phải nghiêm khắc trừng trị.
Tuy nhiên, đây chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải có bộ quy tắc ứng xử, chính sách liêm chính áp dụng cho cả khu vực công và khu vực tư thì mới có thể xử lý được tình trạng liên kết giữa doanh nghiệp với quan chức để làm sai lệch chính sách.
>>Quốc hội sẽ giám sát công tác phòng, chống tham nhũng
>>Tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi
- Ông bình luận như thế nào về mối quan hệ “cộng sinh” giữa tham nhũng trong công tác cán bộ với tham nhũng kinh tế và hoạch định chính sách. Bởi, khi đã ngồi vào vị trí có quyền hoạch định chính sách, cấp phát tài chính, dự án, đất đai, giấy phép... thì người cán bộ đó lại phải có “trách nhiệm” với người đã “giúp đỡ” mình?
Đây là cấp độ liên kết rất nguy hiểm, đó là sự “đi đêm” giữa doanh nghiệp và quan chức. Doanh nghiệp đưa tiền cho quan chức và thao túng quan chức, nếu quan chức không làm theo mong muốn của doanh nghiệp thì họ sẽ tố cáo.
Vụ án Tập đoàn Phúc Sơn là ví dụ điển hình, doanh nghiệp đưa tiền cho quan chức nhưng ghi âm, ghi chép. Khi quan chức đã nhận tiền mà không làm thì sẽ trở thành “con tin”. Đây được đánh giá là loại tội phạm mới ở Việt Nam, nhưng tại các nước phát triển đã trải qua thực trạng này. Họ thành công vì có sự đấu tranh quyết liệt, kiểm soát bằng luật pháp và các thiết chế.
Mối quan hệ “cộng sinh” nguy hiểm ở chỗ, khi các quan chức đã nhận tiền thì sẽ phải xây dựng chính sách làm sao có lợi cho doanh nghiệp. Thực trạng này mới chỉ “manh nha”, chưa trở thành trào lưu, nhưng chúng ta phải xử lý ngay để ngăn chặn hiểm hoạ cho đất nước.
Quan trọng hơn, là cần có cơ chế xét tuyển cán bộ, công tác cán bộ như Đại hội Đảng XIII đã nhấn mạnh là một trong ba đột phá chiến lược. Tuy nhiên, công tác cán bộ hiện nay của chúng ta đang làm đến đâu? Mặc dù áp dụng rất chặt chẽ quy trình 5 bước nhưng vẫn có hiện tượng “mua quan bán chức”. Vậy, câu hỏi đặt ra là kẽ hở đó ở chỗ nào?
Vẫn biết, công tác cán bộ là rất quan trọng nhưng chúng ta phải thực hiện nói đi đôi với làm. Ngoài yêu cầu cán bộ phải có tâm sáng, đạo đức… thì chính sách bổ nhiệm phải chặt chẽ, khách quan, người được bổ nhiệm phải tuyệt đối tuân thủ. Yêu cầu cán bộ phải có tâm sáng là một vấn đề rất khó, vì chỉ khi kiểm tra thì mới biết người cán bộ đó có tâm sáng hay không, mà việc này đã diễn ra trước đó vài nhiệm kỳ.
Do đó, chúng ta không chỉ dựa vào tâm sáng, mà phải dựa vào luật pháp, các quy trình, quy định, quy chế cụ thể và rõ ràng. Từ đó, sẽ tìm ra được người có tâm sáng để làm công tác cán bộ, mới loại bỏ được vấn nạn chạy chức, chạy quyền.
Chúng ta hay nói chạy chức, chạy quyền, nhưng có bên “nhận” thì mới có bên ”chạy”, bên chi tiền để có chức vụ thì sẽ có bên nhận để chạy chức vụ. Nếu chỉ một bên cho mà không có bên nhận thì không thể có chạy chức, chạy quyền.
Như vậy, công tác cán bộ chúng ta cần phải nghiên cứu lại, những người làm công tác lựa chọn cán bộ cần quyết liệt hơn nữa và phải chịu sự kiểm tra giám sát, chính sách cũng cần xem xét lại. Vấn đề này ở cấp vĩ mô, tôi không thể bàn sâu nhưng nhận thấy còn hiện tượng chạy chức, chạy quyền thì có nghĩa công tác cán bộ của chúng ta làm chưa tốt.
- Hành vi tham nhũng “cộng sinh” này không chỉ làm cho chính sách công bị méo mó, nguồn lực công bị phân tán, thiếu công bằng, mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ khi đã diễn biến theo kiểu “lợi ích nhóm”, “chủ nghĩa tư bản thân hữu”. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Khi chúng ta để mối quan hệ này sinh sôi, nảy mầm thì sẽ gây nguy hại rất lớn cho xã hội. Để ngăn chặn, bên cạnh công tác giáo dục như Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn, việc tu dưỡng đạo đức giống như rửa mặt hàng ngày.
Mặt khác, chúng ta phải có các quy định, quy chế nghiêm minh. Đảng đã có những quy định, điều lệ chặt chẽ để đảng viên thi hành như nguyên tắc tự phê bình và phê bình; nhưng phải đi vào thực chất, nếu làm không thực chất, nể nang nhau thì sẽ không hiệu quả.
Chỉ khi nào cán bộ làm được việc mới được bổ nhiệm, cất nhắc; tiêu chí về tuyển chọn cán bộ minh bạch và được mọi người thừa nhận thì dù có muốn tạo mối quan hệ thân hữu cũng sẽ không tác dụng.
Hiện nay, chúng ta thực hiện công tác này chưa minh bạch, vẫn bị lệ thuộc vào tình cảm của người đứng đầu. Nếu người đứng đầu tâm không sáng, không noi gương thì sẽ áp dụng méo mó nguyên tắc tập trung dân chủ.
Như vậy, ngoài việc yêu cầu cán bộ có tâm sáng thì phải có những chính sách quy định chặt chẽ và giám sát thực hiện ngay trong nội bộ để không dám và không thể làm sai quy định.
Bất kể hành vi nào cũng chịu sự chi phối của hai yếu tố pháp luật và đạo đức. Nếu chỉ nghiêng về đạo đức thì không đủ tính răn đe, còn quá chú trọng đến pháp luật thì sẽ tạo ra một xã hội hà khắc.
Hai công cụ này phải được giữ cân bằng; điểm cân bằng ở đâu thì xã hội, tổ chức, cá nhân sẽ có cơ chế tự điều tiết. Về cơ bản, pháp luật đưa ra quy định còn đạo đức sẽ chỉ ra phương cách thực hiện các quy định ấy một cách trong sáng. Thiếu một trong hai thành tố này thì xã hội không thể vận hành một cách trơn tru và văn minh được.
- Để ngăn chặn tình trạng tham nhũng trong công tác cán bộ hiện nay, theo ông chúng ta cần phải đổi mới công tác tổ chức, cán bộ như thế nào để đáp ứng yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị?
Thứ nhất, phải xây dựng quy trình, quy chế tốt, nghiêm minh. Xây dựng chính sách liêm chính để tạo ra bộ quy tắc ứng xử trong nội bộ tổ chức và để giao tiếp với bên ngoài. Việc xây dựng quy chế, chính sách phải thực sự khách quan, khoa học, logic. Khi ban hành thì tất cả các cấp phải thực hiện.
Thứ hai, phải xây dựng bộ máy, thiết chế thực hiện một cách công bằng, hiệu quả, minh bạch và có cơ chế để kiểm soát. Có thể giám sát 360 độ, từ trên xuống, từ dưới lên và xung quanh đánh giá.
Việc giám sát này đang áp dụng khá phổ biến ở khu vực tư nhân, ví dụ, muốn đánh giá một người đang được đề xuất bổ nhiệm thì phải trải qua sự đánh giá của cấp trên, cấp dưới và đồng nghiệp xung quanh.
Thứ ba, phải tăng cường truyền thông và xây dựng đạo đức, lối sống theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đề cao tự tôn truyền thống dân tộc. Đạo đức, lối sống không chỉ xây dựng trong một nhóm nhỏ đảng viên, công chức, viên chức, mà phải mở rộng ra toàn xã hội, thậm chí cần nâng cấp lên thành tiêu chuẩn đạo đức quốc gia.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Quốc hội sẽ giám sát công tác phòng, chống tham nhũng
16:15, 08/06/2024
Tăng cường bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực
21:18, 19/01/2024
Tham nhũng, tiêu cực đe dọa vận mệnh của Đảng
00:50, 23/11/2023
Năm 2023, tình trạng tham nhũng, tiêu cực còn nghiêm trọng
03:50, 21/11/2023
Tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi
13:26, 23/10/2023
Còn “nể nang” trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực
18:02, 16/08/2023