Nên thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế

GIA NGUYỄN 18/06/2024 03:50

Để tránh rủi ro cho doanh nghiệp, góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, một số ý kiến cho rằng, nên tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế…

>> Cân nhắc quy định về ưu tiên nộp hồ sơ với doanh nghiệp đã thăm dò khoáng sản

Mặc dù được đánh giá đã có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của hoạt động khai thác khoáng sản, thế nhưng, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi vẫn còn đó không ít hạn chế, tôn tại cần được xem xét, sửa đổi.

Theo đó, ngoài những bất cập, hạn chế liên quan đến quy định về công suất, ranh giới khai thác khoáng sản; quy định về ưu tiên nộp hồ sơ với doanh nghiệp đã thăm dò khoáng sản, góp ý xây dựng hoàn thiện Dự thảo Luật mới đây, một số ý kiến cũng đề xuất, nên tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế hàng năm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được cho vẫn còn không ít hạn chế, tồn tại - Ảnh minh họa: ITN

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được cho vẫn còn không ít hạn chế, tồn tại - Ảnh minh họa: ITN

Cụ thể, góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (Công ty Núi Pháo), Thành viên của Tập đoàn Masan cho biết, theo định hướng xây dựng chính sách, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là một cấu thành lên nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước từ hoạt động khoáng sản, và sẽ được Nhà nước huy động sử dụng để tăng cường cho công tác điều tra, đánh giá khoáng sản biển, khoáng sản ẩn sâu, thăm dò khoáng sản...

Tuy nhiên, vấn đề là hiện nay, nếu tính cả tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì một doanh nghiệp hoạt động khoáng sản như Công ty Núi Pháo đang phải đóng rất nhiều các loại thuế và phí khác nhau, trong đó, nhóm các loại thuế bao gồm thuế tài nguyên,  thuế xuất khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng; nhóm các loại phí và lệ phí bao gồm phí khai thác và sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản, phí điều tra, thăm dò khoáng sản (hoàn trả cho Nhà nước), phí bảo vệ môi trường và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đối với cơ sở khai thác chế biến khoáng sản; và nhóm các loại tiền nộp Ngân sách khác bao gồm tiền ký quỹ phục hồi môi trường, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Đáng chú ý, về bản chất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thuế tài nguyên có tính chất giống nhau vì cùng đánh vào một đối tượng là khoáng sản nguyên khai chưa qua chế biến và dựa trên những căn cứ, phương pháp tính toán tương tự nhau, trong đó giá tính thuế tài nguyên đồng thời được dùng làm căn cứ để xác định giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Các quy định về xác định và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hiện nay đã tạo ra hiện tượng thuế chồng thuế, khiến rất nhiều doanh nghiệp hoạt động khoáng sản rơi vào tình cảnh khó khăn, kể cả các doanh nghiệp ở quy mô lớn.

>> Cân nhắc quy định về công suất, ranh giới khai thác khoáng sản

Và để khắc phục những vấn đề này, một số ý kiến đề xuất - Ảnh minh họa: ITN

Và để khắc phục những vấn đề này, một số ý kiến đề xuất nên tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế hàng năm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản - Ảnh minh họa: ITN

Và để khắc phục tình trạng này, Công ty Núi Pháo đề xuất nên tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế hàng năm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Bởi, việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản được phê duyệt, công nhận trong phạm vi được cấp phép khai thác hoặc khối lượng khoáng sản được phép thu hồi trữ lượng là chưa phù hợp, vì trữ lượng phê duyệt có sai số theo từng cấp trữ lượng (ngay cả với cấp trữ lượng ở mức cao nhất là cấp 111 thì mức độ tin cậy về địa chất phải đạt tối thiểu 80%, nghĩa là rủi ro vẫn còn lên đến 20%). Rủi ro địa chất đối với các loại khoáng sản khác nhau cũng khác nhau.

“Thông thường các loại khoáng sản quý, hiếm có mức độ rủi ro cao hơn, các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thường có rủi ro thấp hơn. Khoáng sản có độ rủi ro càng cao về địa chất thì rủi ro đầu tư hoạt động khoáng sản càng cao. Về mặt địa chất, trữ lượng khoáng sản được cấp sẽ khác sản lượng khoáng sản khai thác do trữ lượng khi ở trong lòng đất có cấu tạo khối đặc xít, còn khi khai thác lên sẽ ở trạng thái nở rời. Trường hợp sản lượng khai thác thực tế không đúng với trữ lượng được cấp thì hiện nay chưa có quy định về điều chỉnh hoặc hoàn trả tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho doanh nghiệp”, đại diện doanh nghiệp bày tỏ.

Cũng theo vị này, việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trước khi tiến hành khai thác là rất bất hợp lý vì có trường hợp doanh nghiệp đã được cấp giấy phép nhưng không thể tiến hành khai thác do không giải phóng được mặt bằng khai trường, hoặc không thể khai thác do không có hiệu quả kinh tế (vì thị trường không có nhu cầu). Ngoài ra, trong giai đoạn chuẩn bị khai thác sau khi được cấp phép, doanh nghiệp rất cần kinh phí để đầu tư xây dựng cơ bản mỏ, nhưng lại phải thực hiện nộp tiền cấp quyền khai thác khi chưa phát sinh doanh thu từ hoạt động khai thác cũng sẽ tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn.

Trên thực tế, tại các nước có công nghiệp khai khoáng phát triển như Australia, mọi khoản thuế phí đánh vào hoạt động khai thác chỉ được thu khi doanh nghiệp bắt đầu tiêu thụ sản phẩm khoáng sản…

“Các chính sách đối với tiền cấp quyền khai thác khoáng sản kể từ khi đi vào thực thi đến nay đã được thực tế chứng minh là không có hiệu quả, gây mất tính cạnh tranh cho môi trường đầu tư của ngành công nghiệp khoáng sản tại Việt Nam, vì vậy trong thời gian chuyển tiếp giữa Luật Khoáng sản 2010 và Luật Địa chất và Khoáng sản, để hạn chế những ảnh hưởng gây vướng mắc, bất cập của quy định cũ, Chính phủ nên khuyến khích áp dụng cơ chế thí điểm theo đó có thể sửa đổi, điều chỉnh các văn bản hướng dẫn về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hiện đang có hiệu lực theo chủ trương mới ưu việt và hợp lý hơn của Luật Địa chất và Khoáng sản sau khi luật này được Quốc hội thông qua”, Công ty Núi Pháo bày tỏ.

Ngoài các vấn đề đã nêu, để giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, Công ty Núi Pháo cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét một số quy định liên quan đến nội dung: Phí bảo vệ môi trường; Khoáng sản đi kèm; Biến động về trữ lượng huy động vào khai thác; Vấn đề sai số cho phép về cấp trữ lượng.  

Có thể bạn quan tâm

  • Cân nhắc quy định về ưu tiên nộp hồ sơ với doanh nghiệp đã thăm dò khoáng sản

    Cân nhắc quy định về ưu tiên nộp hồ sơ với doanh nghiệp đã thăm dò khoáng sản

    03:50, 17/06/2024

  • Cân nhắc quy định về công suất, ranh giới khai thác khoáng sản

    Cân nhắc quy định về công suất, ranh giới khai thác khoáng sản

    04:00, 16/06/2024

  • ĐBQH “truy” đấu giá quyền khai thác khoáng sản

    ĐBQH “truy” đấu giá quyền khai thác khoáng sản

    13:25, 04/06/2024

  • Khoanh vùng để dự trữ khoáng sản quốc gia

    Khoanh vùng để dự trữ khoáng sản quốc gia

    10:16, 04/06/2024

  • Cần luật hoá cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản

    Cần luật hoá cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản

    10:03, 04/06/2024

GIA NGUYỄN