Miễn thuế cho cá nhân mua cổ vật đưa về Việt Nam

NGUYỄN VIỆT 18/06/2024 00:06

Cần miễn thuế cho các cá nhân mua cổ vật đưa về Việt Nam thay vì ưu đãi, giảm thuế vì người dân bỏ tiền mua về còn chịu thuế thì không hợp lý.

>>Quốc hội sẽ giám sát công tác phòng, chống tham nhũng

Ngày 18/6, Quốc hội họp về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Góp ý về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), bà Huỳnh Ngọc Vân-Giám đốc Bảo tàng Áo dài đề xuất có một nguồn quỹ do người dân đóng góp để có thể thu mua kịp thời những cổ vật Việt Nam bán ở nước ngoài, tránh gây thất thoát cổ vật quý cho quốc gia.

“Đặc biệt, cần miễn thuế cho các cá nhân mua cổ vật đưa về Việt Nam thay vì ưu đãi, giảm thuế như trước đây, vì người dân đã bỏ tiền mua mang về mà còn chịu thuế thì không hợp lý”, bà Huỳnh Ngọc Vân nói.

Vẫn theo bà Huỳnh Ngọc Vân, trước đây các nước tặng hiện vật nhưng khi về đến Việt Nam xin miễn thuế, đòi hỏi thủ tục khó khăn.

Còn theo luật sư Trương Thị Hoà, trong dự án luật lần này có hơn 30 khái niệm, tuy nhiên cần bổ sung thêm nhiều khái niệm, định nghĩa nữa, để người dân hiểu rõ hơn các câu, cụm từ như bảo vật quốc gia, bản sao di vật, danh lam thắng cảnh, di sản tư liệu, làm sai lệch di sản văn hóa… 

Luật sư Trương Thị Hoà cũng đề xuất bổ sung thêm quy định về hợp tác quốc tế về di sản văn hóa vì tính toàn cầu, tính quốc gia, vì tính lan tỏa của di sản văn hóa, quyền con người và quyền công dân đối với di sản văn hóa, cũng như những quy định cụ thể về đề xuất phục chế di sản văn hóa.

"Điểm c khoản 2 điều 40 quy định: "Xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp di vật, cổ vật được bồi hoàn chi phí phát hiện, bảo quản và được thưởng một khoản tiền theo quy định của pháp luật, tôi đề nghị bổ sung mức thưởng cụ thể là bao nhiêu trên giá trị được thẩm định", luật sư Trương Thị Hòa góp ý.

>>Đại biểu Quốc hội kiến nghị các giải pháp giảm giá vé máy bay, kích cầu du lịch

>>Mức giảm trừ quá lạc hậu, Quốc hội cần sửa đổi sớm

Luật sư Trương Thị Hoà đánh giá bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu là nội dung mới được đề cập trong chương 4. Di sản tư liệu được xem là quan trọng, hướng tới để bảo vệ di sản văn hóa.

Trước đó, phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, việc ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa.

Sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành để khắc phục những hạn chế, bất cập sau 23 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa 2001 và 15 năm thực hiện luật di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa 2009 về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đảm bảo tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan.

Đồng thời, việc sửa luật còn tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các hoạt động dịch vụ, hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa... và đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Có thể bạn quan tâm

  • Quốc hội sẽ giám sát công tác phòng, chống tham nhũng

    16:15, 08/06/2024

  • Quốc hội bổ nhiệm 3 nhân sự cấp cao

    15:51, 06/06/2024

  • Sáng nay, Tổng Kiểm toán nhà nước trả lời chất vấn Quốc hội

    02:30, 05/06/2024

NGUYỄN VIỆT