Quảng Ninh: Thúc đẩy phát triển kinh tế số
Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 25% trong GRDP và đến năm 2030 chiếm 30%.
>>>Du lịch từ “Chợ công nghệ mới - Chợ 4.0”
Để hoàn thành mục tiêu này, các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp đã và đang thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó ứng dụng các tiện ích số thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh.
Từ mô hình chợ 4.0...
Thanh toán điện tử đang phát triển khá mạnh trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đều thực hiện chi trả qua tài khoản cho các đối tượng hưởng chính sách xã hội. Việc thu ngân sách nhà nước, thanh toán viện phí, học phí, tiền điện nước hàng tháng, các loại phí, lệ phí trong giao dịch thủ tục hành chính, phí tham quan Vịnh Hạ Long cũng thực hiện trực tuyến không dùng tiền mặt. Theo thống kê, trong tháng 5/2024, đã có hơn 65 tỷ đồng phí tham quan Vịnh Hạ Long và hơn 10 tỷ đồng phí, lệ phí trong thực hiện thủ tục hành chính được thu trực tuyến...
Cùng với việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt ở các khu trung tâm dịch vụ thương mại, khu hành chính, 13/13 địa phương của tỉnh đã áp dụng mô hình Chợ 4.0 đối với các chợ trung tâm và chợ hạng I truyền thống trên địa bàn. Đặc biệt, 100% chợ các trung tâm chấp nhận thanh toán các khoản phí, hóa đơn điện nước thông qua phương thức trực tuyến. Tỷ lệ các hộ kinh doanh tại chợ chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt đạt 83%. Một số chợ có tỷ lệ kinh doanh không dùng tiền mặt cao như chợ Trung tâm Cẩm Phả đạt gần 90%, chợ Trung tâm Móng Cái đạt 100%... Tại các chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng đã trang bị Wifi miễn phí để khách hàng dễ dàng thanh toán.
Việc chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt đem lại rất nhiều mặt tích cực cho cả người dân và các hộ kinh doanh tại địa phương.
Anh Nguyễn Nam Cường (TP Hạ Long, hiện đang sinh sống tại Hà Nội) cho biết: “Lâu rồi mình không về quê. Giờ ra chợ mua đồ ăn mà thấy gần như các gian hàng ở chợ hay cửa hàng đều có mã QR để thanh toán. Chỉ trừ một số sạp rau nhỏ hoặc các cô lớn tuổi là phải thanh toán bằng tiền mặt mà thôi. Việc sử dụng mã QR đem lại rất nhiều sự thuận tiện cho tôi, cũng như nhiều người dân, du khách đến với Quảng Ninh”.
Bà Phạm Thị Hải - Tiểu thương chợ Trung tâm Móng Cái, Quảng Ninh chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp: "Chúng tôi thấy rất hào hứng với hình thức thanh toán quét mã QR này. Thứ nhất, là không cần lo về vấn đề tiền giả. Thứ hai, khách hàng có thể dễ dàng thanh toán, không cần phải lo về việc chi trả tiền mặt như ngày xưa. Như vậy, rất tiện cho cả tôi cũng như khách hàng đến đây mua hàng".
...đến đa lĩnh vực kinh tế số
Theo Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh: Trong thời gian qua, cơ quan thuế cũng đẩy mạnh triển khai giải pháp hóa đơn điện tử (HĐĐT) khởi tạo từ máy tính tiền. Tính đến nay đã có 1.760/1.781 người nộp thuế (gồm doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh) đã sử dụng HĐĐT từ máy tính tiền cho hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng đạt 98,82%.
Để đáp ứng xu hướng mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội đang nở rộ, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thậm chí người nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đã thích ứng nhanh, tự tạo kênh bán hàng riêng của mình, tự đăng các sản phẩm rao bán, livestream bán hàng trực tuyến.
Trong lĩnh vực cung cấp xăng dầu, 100% cơ sở kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã triển khai ít nhất 1 giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt khi thanh toán mua bán xăng dầu như thanh toán qua thẻ ngân hàng, QR code, ví điện tử hoặc thẻ xăng dầu.
Cuối tháng 5/2024, người nông dân tại TP Uông Bí cũng tập cho mình thói quen livestream để có thể quảng bá, bán vải chín sớm - một sản phẩm OCOP nổi tiếng của địa phương. Nông dân Bùi Văn Trà (TP Uông Bí) đã tự thiết kế một góc nhỏ với máy điện thoại, chân máy để livestream về vải chín sớm Phương Nam. Theo anh Trà, mặc dù có chút tâm lý khi có sự theo dõi của hàng trăm khán giả trực tuyến nhưng dần dần cũng quen, đây sẽ là một phương thức bán hàng mới và rất cần thiết cho người nông dân để có thể giới thiệu và bán được nhiều vải chín sớm Phương Nam.
Theo Sở Công Thương: Đến nay, tỉnh Quảng Ninh cũng đã có gần 350 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3-5 sao được đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn, như: Sendo, Tiki, Shopee, Lazada…; hơn 160 sản phẩm OCOP lên sàn Voso.vn, hơn 100 sản phẩm OCOP lên sàn Postmart.vn.
Tại Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh (http://teqni.gov.vn) đang có gần 150 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh giới thiệu và bán gần 400 sản phẩm thuộc các ngành hàng: Thực phẩm - ẩm thực; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; nội thất, trang trí, lưu niệm và dịch vụ...
Trong năm 2024 và giai đoạn tiếp theo, Quảng Ninh xác định phát triển mạnh kinh tế số, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh; từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Kinh tế số cũng được tỉnh xác định là cơ hội để giải quyết các điểm nghẽn đang gặp phải cũng như tạo đột phá trong phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của tỉnh; tỉnh phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 35% GRDP...
Ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương Quảng Ninh chia sẻ: Trung tâm đã phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, khóa tập huấn luyện chuyên sâu cho các lực lượng thực thi pháp luật về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng xâm phạm trên môi trường trực tuyến để bảo vệ quyền lợi cho các hộ kinh doanh chính đáng cũng như người tiêu dùng trên các nền tảng thương mại điện tử.
Chuyển đổi số giữ vai trò quan trọng nhằm tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã đưa ra Đề án về chuyển đổi số toàn diện tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, triển khai xây dựng với 3 trụ cột: chính quyền số - kinh tế số - xã hội số. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm khoảng 25% trong GRDP, đến năm 2030 sẽ chiếm khoảng 30%.
Mục tiêu đến cuối năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; 90% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng;tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; có trên 42.000 điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ chức, cá nhân kinh doanh…
Có thể bạn quan tâm