Giải bài toán nuôi biển: Quy hoạch, phát triển các cụm công nghiệp
Quy hoạch, phát triển các Cụm công nghiệp nuôi biển (CCNNB) chính là phương thức tổ chức sản xuất và giải pháp đột phá để có thể đưa nuôi biển thành ngành kinh tế sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
>>Giải bài toán nuôi biển: Lấy doanh nghiệp làm trọng tâm
Đó là các giải pháp được các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp nêu ra nhằm hiện thực hoá “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1664/QĐ-TTg.
Khẩn trương quy hoạch các cụm công nghiệp
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, trước nguy cơ nguồn thuỷ sản đánh bắt tự nhiên ngày một cạn kiệt, đặc biệt là những cảnh báo của Uỷ ban Châu âu về những vi phạm khai thác thuỷ sản bất hợp pháp IUU của Việt Nam, thì việc khẩn trương quy hoạch, phát triển và xây dựng các CCNNB để hạn chế đánh bắt tự nhiên trong lúc này là hết sức quan trọng.
Có thể nói, với công nghệ ngày càng hiện đại, nuôi biển công nghiệp là phương thức hữu hiệu để giải quyết lao động, việc làm và phương tiện dôi dư khi giảm đội tàu khai thác thủy sản, và khai mở những tiềm năng mới của biển, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này cần vượt qua nhiều thách thức, trong đó, yếu tố tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và nguy cơ ô nhiễm môi trường mà Việt Nam phải đối mặt.
Cũng theo ông Hoành Anh, theo tinh thần của Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bên cạnh việc thực hiện giao khu vực biển lâu dài cho tổ chức cá nhân và ứng dụng công nghệ tiên tiến để phát triển nuôi biển, cần chú trọng thay đổi phương thức tổ chức sản xuất.
Trên thực tế, CCNNB là một loại hình của khu công nghiệp, thực hiện việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và cung ứng các dịch vụ cho các cơ sở sản xuất kinh doanh nuôi biển theo hướng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, quy mô vừa và nhỏ, có ranh giới địa lý xác định và chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước.
Do đó, việc phát triển và xây dựng các CCNNB chính là phương thức tổ chức sản xuất và giải pháp đột phá, mang tính cách mạng, để có thể phát triển nuôi biển thành ngành kinh tế sản xuất hàng hóa quy mô lớn, với doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, đóng góp quan trọng về sản lượng, giá trị và việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong toàn ngành thủy sản, thu hút đầu tư phát triển nuôi biển ở vùng biển xa bờ, cung như trong đất liền (gần bờ biển).
Về đặc điểm, ông Hoàng Anh cho rằng, CCNNB là khu vực sản xuất thủy sản tập trung và cung cấp các dịch vụ cho sản xuất nuôi biển, được các tập đoàn và doanh nghiệp lớn đầu tư theo phương thức chuyên nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, nhằm thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cá nhân thuê hạ tầng để đầu tư sản xuất kinh doanh dịch vụ nuôi biển.
>>Giải bài toán nuôi biển
Tháo gỡ những tồn tại nghề nuôi biển thủ công
Đồng quan điểm, ThS. Hoàng Thị Châu Long – Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, cho rằng việc quy hoạch vùng nuôi tại các địa phương và thành lập các CCNNB, trong đó, áp dụng mô hình lấy doanh nghiệp làm chủ đầu tư là giải pháp tối ưu để ngành thuỷ sản phát triển bền vững.
“Đây là mô hình có hiệu quả cao nhất, phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, với xu thế phát triển kinh tế thị trường và giảm được gánh nặng ngân sách nhà nước. Đặc biệt, khi áp dụng mô hình này, chủ đầu tư sẽ có được thế chủ động triển khai nhanh việc đầu tư xây dựng, hoàn thành, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng CCN, chủ động, nhanh chóng thu hút đầu tư vào CCN”, ThS. Hoàng Thị Châu Long nhấn mạnh.
Cũng theo ThS. Hoàng Thị Châu Long, song song đó, kết hợp mô hình đơn vị sự nghiệp công lập làm chủ đầu tư tiện cho công tác chỉ đạo điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, phù hợp ở những địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn khó thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN vì mục tiêu phát triển kinh tế địa phương. Song, điều quan trọng nhất ở đây chính là các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh trong CCNNB là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, và các cá nhân thuê cơ sở hạ tầng của CCNNB để sản xuất kinh doanh, cam kết chấp thuận và thực hiện nghiêm các quy định của CCNNB.
Nhận định về nuôi biển hiện tại, ThS. Hoàng Thị Châu Long, cho rằng nghề nuôi biển chúng ta đang ở giai đoạn đầu, trình độ còn hạn chế, manh mún, tự phát và đang bộc lộ nhiều bất cập từ sản xuất đến chế biến và thị trường tiêu thụ, từ con giống đến thức ăn, từ công nghệ nuôi đến thiết bị.
“Để hướng đến phát triển ngành thuỷ sản ổn định, bền vững, thì trách nhiệm của 28 địa phương có đường bờ biển phải khẩn trương quy hoạch vùng nuôi, phát triển nhanh các CCNNB để thu hút đầu tư, góp phần kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường biển do quá tải chất thải vật nuôi và thức ăn dư thừa. Song song đó, áp dụng công nghệ chế biến nhằm đa dạng hóa các sản phẩm, sản xuất theo chuỗi giúp quản lý việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát về chất lượng, đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu với các cơ sở nuôi, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi biển để phát triển bền vững”, ThS. Hoàng Thị Châu Long, nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm