Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Tránh xung đột pháp luật
Việc sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản được quy định trong Luật Đất đai, tuy nhiên, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản lại chứa đựng trực tiếp các quy phạm pháp luật đất đai, dẫn tới chồng chéo...
>>Nên thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế
Đây là chia sẻ của ThS Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý, đầu tư bất động sản với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Nghị quyết 10-NQ/TW đặt ra nhiều mục tiêu trong đó đến năm 2045 Việt Nam hình thành nền công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại… để làm được điều này, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được cho sẽ đóng một vai trò quan trọng. Ông đánh giá sao về Dự thảo Luật này?
Ngày 10/02/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đã đề ra mục tiêu chính hướng tới việc chế biến khoáng sản, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô. Tuy nhiên, tinh thần của Nghị quyết này chưa thực sự thể hiện rõ trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, thậm chí tương đối mờ nhạt với chỉ 2 điều luật tại Mục 6 Chương VI Dự thảo Luật (Điều 80, 81).
Điều 3 dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản quy định: “Chế biến khoáng sản là hoạt động phân loại, làm giàu khoáng sản, hoạt động khác nhằm làm tăng giá trị khoáng sản nguyên khai đã được khai thác và thuộc dự án đầu tư khai thác khoáng sản”. Nhưng khoản 1 Điều 205 Luật Đất đai năm 2024 quy định: “Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản bao gồm đất để thăm dò, khai thác khoáng sản và khu vực các công trình phụ trợ cho hoạt động khoáng sản”, dẫn đến đất cho hoạt động chế biến khoáng sản không được liệt kê là đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản.
Như vậy có sự không thống nhất giữa Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản với Luật Đất đai 2024.
Ngoài vấn đề đã nêu, sự thiếu thống nhất giữa Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản với Luật Đất đai 2024 còn thể hiện ở những nội dung nào, thưa ông?
Theo khoản 2 Điều 38 Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản về sử dụng đất, khu vực biển, hạ tầng kỹ thuật trong hoạt động khoáng sản quy định: “2. Khi giấy phép khai thác được điều chỉnh cho phép trả lại một phần diện tích khai thác khoáng sản thì hợp đồng thuê đất, quyết định giao khu vực biển cũng được thay đổi tương ứng trừ trường hợp tổ chức, cá nhân vẫn có nhu cầu thuê đất, thuê sử dụng khu vực biển. Khi thay đổi tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản thì hợp đồng thuê đất, quyết định giao khu vực biển được thay đổi tương ứng”.
Quy định này không cần thiết và chồng chéo với Luật Đất đai do dự án khai thác khoáng sản cũng là dự án có sử dụng đất. Bởi, theo điểm k khoản 2 Điều 124 Luật Đất đai 2024, việc cho thuê đất sử dụng vào mục đích hoạt động khoáng sản đối với trường hợp đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép thuộc trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
>>Cân nhắc quy định về công suất, ranh giới khai thác khoáng sản
Ngoài ra, điểm c, điểm đ khoản 2 Điều 62 Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có nghĩa vụ: “c) Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất bị thu hồi để thực hiện dự án khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về đất đai và các quy định khác có liên quan; đ) Phối hợp với chính quyền địa phương bảo đảm việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân có đất bị thu hồi để khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan”.
Quy định này mâu thuẫn trực tiếp với Luật Đất đai 2024 bởi Luật Đất đai 2024 quy định trách nhiệm của Nhà nước đối với người sử dụng đất là “Thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật cho người có đất thu hồi khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” (Điều 15). Như vậy, trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất là trách nhiệm của Nhà nước, không phải của tổ chức thuê đất để khai thác khoáng sản.
Trước các vấn đề đã nêu, góp ý xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, ông có đề xuất, khuyến nghị gì?
Theo tôi, về đất cho hoạt động chế biến khoáng sản có phải là “đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản” không thì cần có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích quy định của Luật Đất đai 2024 về việc đất cho hoạt động chế biến khoáng sản thuộc “đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản”, đồng thời làm rõ trong dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Đất đai để tạo cơ chế cho việc thu hồi đất, giao đất/cho thuê đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án khai thác, chế biến khoáng sản.
Còn với quy định tại khoản 2 Điều 38 dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản do không cần thiết, nên cần dẫn chiếu tương ứng đến Luật Đất đai 2024 để tránh chồng chéo.
Bên cạnh đó, về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng thì cần rà soát, chỉnh lý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản để thống nhất với Luật Đất đai 2024.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Nên thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế
03:50, 18/06/2024
Cân nhắc quy định về ưu tiên nộp hồ sơ với doanh nghiệp đã thăm dò khoáng sản
03:50, 17/06/2024
Cân nhắc quy định về công suất, ranh giới khai thác khoáng sản
04:00, 16/06/2024
ĐBQH “truy” đấu giá quyền khai thác khoáng sản
13:25, 04/06/2024
Khoanh vùng để dự trữ khoáng sản quốc gia
10:16, 04/06/2024
Cần luật hoá cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản
10:03, 04/06/2024
Từng bước lập lại trật tự trong khai thác khoáng sản
04:13, 04/06/2024
Nghệ An tăng cường quản lý khai thác khoáng sản
15:58, 23/05/2024