Phát huy giá trị di sản phục vụ công nghiệp văn hóa
Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định rõ cơ chế, khai thác, sử dụng di sản trong hợp tác công tư để đầu tư, phát huy giá trị di sản nhằm phục vụ công nghiệp văn hóa và phát triển KT-XH.
>>Tăng giá vé máy bay và trách nhiệm của Bộ trưởng
Chiều 18/6, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình Quốc hội tờ trình về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Dự thảo gồm 9 chương 102 điều, tăng 2 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, dự thảo Luật nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế sau 23 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa 2001 và 15 năm thực hiện luật di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa 2009. Điển hình như một số quy định còn mang tính nguyên tắc chung hoặc không còn phù hợp với thực tiễn; một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được quy định trong luật; một số luật có sự đan xen với Luật Di sản văn hóa như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp… đã được sửa đổi, bổ sung.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Luật Di sản văn hóa sửa đổi tập trung vào 3 nhóm chính sách. Trong đó quy định rõ quyền sở hữu, quyền khác đối với di sản văn hóa nhằm tạo cơ sở để xác định rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu, chủ thể di sản trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Quy định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được chuyển nhượng thông qua mua bán dân sự, trao đổi, tặng cho, thừa kế ở trong nước để gia tăng giá trị của di sản, chỉ cấm kinh doanh mua bán bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; cấm kinh doanh xuất khẩu di vật, cổ vật nhằm tránh mất mát di sản văn hóa ra nước ngoài.
Đồng thời quy định các biện pháp quản lý hiệu quả như: Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân phải được quản lý trong các bảo tàng công lập, di tích và các cơ quan, tổ chức Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ thích hợp; khuyến khích các tổ chức, cá nhân sưu tầm và trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; quy định hoạt động kinh doanh giám định di vật, cổ vật nhằm ngăn chặn kinh doanh, mua bán trái phép di vật, cổ vật và làm mất mát di sản văn hóa...
Quy định nội dung cơ chế, khai thác, sử dụng di sản trong hợp tác công tư để đầu tư, phát huy giá trị di sản trong bối cảnh hiện nay phục vụ công nghiệp văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội…
Liên quan đến việc quản lý bảo vật quốc gia, cơ quan thẩm tra - Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ, đặc biệt làm rõ nội hàm “chuyển nhượng”, “mua bán”, “kinh doanh” để tránh có nhiều cách hiểu khác nhau; đồng thời quy định cụ thể về “chế độ đặc biệt” trong việc bảo vệ và bảo quản bảo vật quốc gia.
Có ý kiến trong Ủy ban Văn hóa Giáo dục cho rằng, quy định không được kinh doanh đối với bảo vật quốc gia là giới hạn quyền sở hữu tài sản của công dân theo Bộ luật Dân sự, đồng thời quy định này cũng chưa bảo đảm tính thống nhất trong nội dung dự thảo Luật. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định để bảo đảm thống nhất.
Có thể bạn quan tâm
Tăng giá vé máy bay và trách nhiệm của Bộ trưởng
09:00, 06/06/2024
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Visa Việt Nam chỉ ở mức trung bình
01:00, 06/06/2024
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu lý do không triển khai được đường đua F1
18:02, 05/06/2024
Về miền di sản
00:00, 07/05/2024