Cần chính sách đột phá cho nông dân sống được từ đất lúa
Theo đó, cần thể chế hoá thành những quy định cụ thể, thiết thực giúp người nông dân sống được từ đất lúa, có tiêu chí xác định những vùng đất lúa bảo vệ tuyệt đối, đi kèm chính sách hỗ trợ đặc thù.
>>>Nghịch lý doanh nghiệp “sân nhà” chạy theo luật chơi nhập khẩu
Chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, các địa phương có đất lúa, được giao giữ đất lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia hết sức quan tâm đến nghị định, nhất là các chính sách hỗ trợ thiết thực cho người trồng lúa, vùng đất lúa về giống, hạ tầng thuỷ lợi, khoa học kỹ thuật, công nghệ, thị trường…
Theo Phó Thủ tướng, lần đầu tiên, các chính sách hỗ trợ phát triển đất trồng lúa đã được đưa vào luật, vì vậy, nghị định phải tiếp tục thể chế hoá thành những quy định cụ thể, thiết thực, toàn diện, bền vững để giúp người nông dân sống được từ đất lúa, đứng vững trước những biến động của thiên tai, thị trường.
Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa hướng dẫn thi hành Điều 182 về đất trồng lúa của Luật Đất đai gồm 3 chương, 18 điều, 17 phụ lục. Trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định, Bộ NN&PTNT đã gửi văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan chuyên môn và 63 tỉnh, thành phố. Đây là nội dung mới, cần thiết do thực tiễn phát sinh, tạo điều kiện tích tụ đất đai, tập trung sản xuất hàng hoá, sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, Bộ NN&PTNT đã nhận được văn bản góp ý của 9 bộ, ngành, 44 tỉnh, thành phố và 12 đơn vị khác.
Sau khi lấy ý kiến thành viên Chính phủ, cơ quan soạn thảo là Bộ NN&PTNT đã tiếp thu, chỉnh sửa, giải trình làm rõ một số nội dung về điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa ở địa phương; phương án sử dụng tầng đất mặt khi xây dựng công trình trên đất được chuyển đổi từ đất lúa sang mục đích phi nông nghiệp; hỗ trợ địa phương sản xuất lúa; xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa…
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị, cơ quan soạn thảo làm rõ, quy định cụ thể hơn nữa loại, tiêu chuẩn kỹ thuật, trình tự thủ tục thẩm định công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa; trách nhiệm quản lý nhà nước; xử lý chuyển tiếp những công trình đang hiện hữu.
Về đề xuất tăng mức hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho rằng, cần xem xét tổng hợp nguồn lực từ tất cả các chính sách, chương trình, chiến lược, kế hoạch hỗ trợ cho vùng đất lúa, từ đó cái nhìn tổng thể, điều phối hiệu quả cho đất lúa.
Bên cạnh đó, đại diện UBND tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Nam Định cũng đã kiến nghị Bộ NN&PTNT làm rõ thế nào là giống mới, thời gian hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ; tiêu chí về công trình xây dựng phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất lúa…
>>>Một triệu héc ta lúa chất lượng cao: Doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí giảm phát thải
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nghị định về đất trồng lúa phải giải quyết những "bài toán lớn" về thuỷ lợi, đặt hàng nghiên cứu giống mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sắp xếp lại ruộng đồng để cơ giới hoá, thu hồi đất lúa bị bỏ hoang hoá, trang bị cho người nông dân kiến thức canh tác nông nghiệp hiện đại… trong bối cảnh biến đổi khí hậu, phù hợp với các hệ sinh thái khác nhau.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu chỉ rõ các nguồn lực, công cụ tài chính dành cho vùng đất lúa từ vốn đầu tư công, chi sự nghiệp, vốn ODA…, từ đó đầu tư "ra tấm, ra món" về giống cây trồng, vật nuôi, giải pháp kỹ thuật canh tác, thu hoạch, chế biến, phát triển thị trường… cho các sản phẩm nông nghiệp từ vùng đất lúa; xây dựng quỹ hỗ trợ người trồng lúa khi gặp thiên tai hoặc "mất mùa được giá, được mùa mất giá".
Đồng thời, cơ quan soạn thảo cần có tiêu chí xác định những vùng đất lúa bảo vệ tuyệt đối, đi kèm chính sách hỗ trợ đặc thù cho nông dân, đầu tư hạ tầng, chuyển giao khoa học công nghệ… để sản xuất tập trung, có năng suất, chất lượng cao, không phụ thuộc vào thiên nhiên.
Cơ quan soạn thảo tiếp tục cụ thể hoá hơn nữa quy định, tiêu chí kỹ thuật đối với công trình xây dựng phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa, tính đến phương án sử dụng đa mục tiêu phục vụ cho du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm,…
Có thể bạn quan tâm
Một triệu héc ta lúa chất lượng cao: Doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí giảm phát thải
03:00, 31/03/2024
Một triệu héc ta lúa chất lượng cao: Thí điểm cơ chế chi trả tín chỉ carbon
04:00, 28/11/2023
Một triệu héc ta lúa chất lượng cao: Hình mẫu về sản xuất lúa giảm phát thải
04:58, 08/04/2023
Một triệu héc ta lúa chất lượng cao: Cơ chế “kéo” doanh nghiệp vào chuỗi
04:00, 20/03/2023
Một triệu héc ta lúa chất lượng cao (kỳ IV): Hoàn thiện chuỗi sản xuất gạo Việt
03:30, 26/07/2022