Giương “cờ trắng” trước ô tô nhập khẩu?
Quy mô và sản lượng bị thu hẹp, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đang mất dần lợi thế trước xe nhập khẩu. Xu hướng này diễn ra ngày một rõ ràng.
>> Kết cục đáng buồn của ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đang đến?
Thu hẹp khoảng cách
Báo cáo bán hàng của Công ty Toyota Việt Nam tháng 5/2024 cho thấy, doanh số bán ô tô đạt 5.496 chiếc, trong đó xe nhập khẩu nguyên chiếc chiếm tới 3.756 chiếc (bao gồm cả xe Lexus), còn xe sản xuất lắp ráp trong nước chỉ đạt 1.740 chiếc. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, doanh số bán Toyota Việt Nam đạt 17.710 chiếc thì xe nhập khẩu chiếm tới 10.644 xe (bao gồm cả xe Lexus).
Trước đây Toyota Việt Nam là doanh nghiệp dẫn đầu về sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước với một loạt các mẫu xe ăn khách như Vios, Innova, Altis, Fortuner, Camry… Vào thời kỳ đỉnh cao, tổng sản lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước của Toyota đạt gần 50.000 chiếc/năm. Trong đó, riêng mẫu xe Vios đạt sản lượng 30.000 chiếc/năm, còn Innova là mẫu xe có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất đạt gần 40%. Vậy nhưng sản lượng và danh mục sản phẩm xe sản xuất lắp ráp trong nước của Toyota cứ giảm dần, nhường chỗ cho xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm nay, sản lượng ô tô xuất xưởng tại Việt Nam đạt 115.900 chiếc, giảm so với 133.600 chiếc cùng kỳ năm 2023 và giảm mạnh so với con số 190.500 chiếc của cùng kỳ năm 2022. Điều đáng buồn là sản lượng đạt 115.900 chiếc nhưng doanh số bán chỉ đạt khoảng 83.000 chiếc, dư thừa hơn 30.000 chiếc các loại.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc 5 tháng đầu năm đạt 58.716 chiếc, tiêu thụ đạt 53.442 chiếc. Nếu trước đây doanh số bán ô tô sản xuất lắp ráp trong nước thường cao gấp 2 lần xe nhập khẩu nguyên chiếc thì nay khoảng cách đang thu hẹp dần. Chiếm khoảng 80% trong số này là xe du lịch dưới 10 chỗ ngồi. Indonesia và Thái Lan là 2 thị trường cung cấp ô tô nguyên chiếc lớn nhất cho Việt Nam, với khoảng 70% tổng số xe nhập khẩu.
Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA cam kết đưa thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0%. Điển hình là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế suất nhập khẩu ô tô đã giảm về 0% từ năm 2018. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), ngay sau khi cam kết bỏ thuế suất nhập khẩu ô tô từ ASEAN, nhiều sản phẩm sản xuất trong nước đã không cạnh tranh nổi với sản phẩm đến từ các quốc gia như Thái Lan và Indonesia. Do có chi phí sản xuất thấp hơn 20%, lại được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0% nên xe từ Indonesia, Thái Lan ngày càng tràn vào Việt Nam nhiều.
Giương “cờ trắng”?
Từ lâu đã có cảnh báo ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ mất lợi thế trước xe nhập khẩu và ngày càng thu hẹp về quy mô, sản lượng… Xu hướng này đang diễn ra rõ ràng hơn.
Theo cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), với Vương quốc Anh (UKVFTA)… thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực này về Việt Nam giảm khoảng 6,4%/năm liên tục trong vòng 10 năm, tới năm 2030 sẽ về 0%. Đây cũng là khu vực nhập khẩu nhiều ô tô của Việt Nam, sức ép từ xe nhập khẩu có chất lượng, công nghệ cao, giá cạnh tranh… tiếp tục đè nặng lên xe sản xuất lắp ráp trong nước.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành công nghiệp ô tô muốn phát triển phải dựa trên quy mô và sản lượng lớn. Quy mô và sản lượng càng lớn sẽ càng hiệu quả và ngược lại. Muốn ngành công nghiệp ô tô đạt sản lượng lớn, trong khi thu nhập của người dân còn thấp, phải có các chính sách hợp lý thúc đẩy tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều năm qua với việc áp dụng chính sách thuế, phí cao, đẩy giá xe “lên trời”, xa tầm với của đa số người dân. Vì vậy, thị trường ô tô Việt Nam chỉ đạt quy mô nhỏ bé, sản lượng riêng của từng mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước thấp, ngành công nghiệp ô tô khó phát triển.
Theo TS. Lê Huy Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), với GDP bình quân đầu người hiện nay đạt 4.000 USD và tiếp tục tăng lên, thời kỳ “ô tô hóa” đang đến. Theo dự báo của Bộ Công Thương, thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt quy mô 1 triệu xe vào năm 2030 và từ 1,5 – 1,8 triệu xe sau năm 2035. Đây là “cơ hội vàng” cho ngành công nghiệp ô tô phát triển.
Tuy nhiên, nhìn lại ngành công nghiệp ô tô trong nước, sau 30 năm phát triển, đến nay vẫn rất non yếu và ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, khó có khả năng đón bắt được cơ hội này. “Cơ hội vàng” đang chuyển sang cho ô tô nhập khẩu nguyên chiếc.
Có thể bạn quan tâm
Công nghiệp ô tô Việt Nam có đón bắt được “cơ hội vàng”?
04:46, 30/05/2024
Sản lượng giảm, công nghiệp ô tô đã khó càng khó hơn
04:40, 26/01/2024
Công nghiệp ô tô - Bài 3: Mắc sai lầm liên tục, mất cơ hội phát triển
04:50, 03/08/2023
Công nghiệp ô tô - Bài 2: Khát vọng không thành
04:50, 31/07/2023
Công nghiệp ô tô - Bài 1: Chìa khóa của sự thịnh vượng
10:15, 28/07/2023