Cân nhắc quy định về quyền ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản
Xoay quanh nội dung Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, góp ý xây dựng, hoàn thiện, một số ý kiến cho rằng, quy định về quyền ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân thăm dò cần được xem xét…
>> Không nên chia tách hoạt động chế biến với hoạt động khai thác
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, ngoài những bất cập, hạn chế liên quan đến quy định về công suất, ranh giới khai thác khoáng sản; quy định về ưu tiên nộp hồ sơ với doanh nghiệp đã thăm dò khoáng sản, góp ý xây dựng hoàn thiện Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản mới đây, một số ý kiến còn cho rằng, quy định về quyền ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản còn không ít tồn tại.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Xuân Ba - Thành viên Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam, khoản 1 Điều 51 Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản quy định: “Tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản được ưu tiên nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với trữ lượng khoáng sản đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận trong thời hạn 36 tháng, kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận kết quả thăm dò khoáng sản”.
Tuy nhiên, quy định này cần được xem xét sửa đổi lại như sau: “Tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản được ưu tiên cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với trữ lượng khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận”.
Bởi, tại Điều 42 và Điều 45 của Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 quy định: “Tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản được ưu tiên cấp Giấy phép khai thác khoáng sản đối với trữ lượng khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt …”.
Như vậy, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã hạ thấp mức độ ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản (đặc biệt là các tổ chức, cá nhân đã thăm dò khoáng sản theo quy định tại Luật Khoáng sản năm 2010), dẫn đến ảnh hưởng đến lợi ích của các tổ chức, cá nhân này.
>> Nên thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế
Bên cạnh đó, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản, theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật Khoáng sản năm 2010 bao gồm: Giấy chứng nhận đầu tư, Dự án đầu tư khai thác khoáng sản, Báo cáo đánh giá tác động môi trường … Việc lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt các hồ sơ trên của chủ đầu tư và các cơ quan Nhà nước mất rất nhiều thời gian. Chưa kể, có những loại khoáng sản sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận kết quả thăm dò, theo chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ phải chờ kết quả thực hiện các dự án thí điểm mới cho triển khai các dự án tiếp theo (như khoáng sản bauxit), dẫn đến chưa thể lập hồ sơ xin cấp phép khai thác cho khu vực đã thăm dò trong thời hạn 36 tháng.
Cùng với các vấn đề đã nêu, góp ý về khu vực đấu giá, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, khoản 2 Điều 104 Dự thảo Luật quy định: “2. Khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản là khu vực có khoáng sản đáp ứng các tiêu chí sau: a) Khoáng sản năng lượng, khoáng sản phóng xạ; đã được xác định trong chiến lược, quy hoạch phát triển ngành quốc gia; b) Khoáng sản được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến ra sản phẩm công nghiệp theo quy hoạch khoáng sản; c) Khu vực khoáng sản thuộc vành đai biên giới quốc gia, khu vực chiến lược về quốc phòng, an ninh; d) Trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định; e) Trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này”.
“Tuy nhiêu, quy định cần được xem xét sửa đổi lại như sau: “2. Khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản là khu vực có khoáng sản đáp ứng các tiêu chí sau: a) Khoáng sản năng lượng, khoáng sản phóng xạ; đã được xác định trong chiến lược, quy hoạch phát triển ngành quốc gia; b) Khoáng sản được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến ra sản phẩm công nghiệp theo quy hoạch khoáng sản, phù hợp với các tiêu chí do Chính phủ quy định; c) Khu vực khoáng sản thuộc vành đai biên giới quốc gia, khu vực chiến lược về quốc phòng, an ninh, phù hợp với các tiêu chí do Chính phủ quy định; d) Trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trên cơ sở mang lại lợi ích lớn nhất của công tác khai thác tài nguyên; e) Trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này”, vị chuyên gia này góp ý.
Đồng thời cho rằng, nguyên nhân phải sửa đổi như đã nêu bởi, với quan điểm là phải chế biến sâu khoáng sản, không dừng lại ở khai thác và xuất thô, nên theo quy hoạch khoáng sản, hầu hết các loại khoáng sản đều được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến ra sản phẩm công nghiệp. Do vậy quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 104 sẽ dẫn đến phần lớn các mỏ khoáng sản sẽ không phải đấu giá quyền khai thác, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.
Cùng với các vấn đề nêu trên, góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, ông Nguyễn Xuân Ba cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc quy định về giá khởi điểm trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản (khoản 1 Điều 106 Dự thảo Luật) và quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản (khoản 2 Điều 62 Dự thảo Luật).
Có thể bạn quan tâm
Nên thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế
03:50, 18/06/2024
Cân nhắc quy định về ưu tiên nộp hồ sơ với doanh nghiệp đã thăm dò khoáng sản
03:50, 17/06/2024
Cân nhắc quy định về công suất, ranh giới khai thác khoáng sản
04:00, 16/06/2024
ĐBQH “truy” đấu giá quyền khai thác khoáng sản
13:25, 04/06/2024
Khoanh vùng để dự trữ khoáng sản quốc gia
10:16, 04/06/2024