Doanh nghiệp gỗ quay cuồng với chi phí tăng
Nhiều doanh nghiệp cho biết “quay cuồng” với chi phí tăng cao. Chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển đều tăng do bất ổn tình hình thế giới.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, chi phi đầu vào tăng, chi phí tuân thủ pháp luật quá cao, rất cần Chính phủ có những quyết sách mang tính bước ngoặt, để tạo động lực mới và truyền lửa cho doanh nghiệp.
Theo ông Hoài: Quý I năm nay ngành công nghiệp gỗ xuất khẩu 3,6 tỷ USD, kim ngạch này còn xa so với kỳ vọng.
- Thưa ông, dù có những tín hiệu tích cực song doanh nghiêp ngành gỗ liệu đã thoát khỏi khó khăn?
Hiện đã có những tín hiệu tích cực hơn từ kinh tế thế giới, niềm tin người tiêu dùng đã khá hơn, tồn kho giảm đi ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU. Tuy nhiên, sự phục hồi vẫn còn chậm, yếu. Các doanh nghiệp vẫn lo lắng chưa dám nhập và dự trữ nguyên liệu nhiều.
Bên cạnh vấn đề thị trường, doanh nghiêp ngành gỗ, lâm sản cũng đối mặt khó khăn cũ như vấn đề hoàn thuế, việc này hiện vẫn rất khó khăn, khó đến mức nhiều doanh nghiệp quyết định di chuyển đến nơi có thủ tục hoàn thuế thuận lợi hơn, chứ ở Hà Nội hay TP.HCM đều rất khó.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cho biết “quay cuồng” với chi phí tăng cao. Chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển đều tăng do bất ổn tình hình thế giới. Trong nước thì doanh nghiệp phải gánh chi phí tuân thủ pháp luật quá cao. Nhiều nhà xưởng của các doanh nghiệp chế biến gỗ được xây dựng 20 - 30 năm trước, có diện tích rộng, lên tới 2-3 ha, thậm chí hơn, nên việc đầu tư để đáp ứng các yêu cầu của cơ quan phòng cháy, chữa cháy sẽ cần khoảng 15-20 tỷ đồng. Doanh nghiệp không phải không muốn đầu tư, nhưng không biết kế hoạch di dời của địa phương thế nào, trong khi không đầu tư thì không được hoạt động. Tình hình đang rất khó.
- Nỗ lực thâm nhập vào các thị trường mới đang được doanh nghiệp thực hiện như thế nào, thưa ông?
Hiện nay, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, kinh doanh cần quản trị tốt hơn rất nhiều. Các yếu tố đầu vào gia tăng, chi phí tăng nhưng giá bán đầu ra phải cạnh tranh bị ép giá rất nhiều. Do đó, các doanh nghiệp gồm cả doanh nghiệp trong nước và FDI cần có sự liên kết, hợp tác nhiều hơn. Trước nay có tình trạng mạnh ai người đó làm, các doanh nghiệp đơn lẻ ra thị trường quốc tế chứ không phải tư cách một ngành hàng, một quốc gia, nên đôi khi bị “thua thiệt”, bị ép giá, không đủ năng lực để đáp ứng các đơn hàng lớn. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo các doanh nghiệp cần liên kết với nhau nhiều hơn, thậm chí “bắt tay” để tổ chức lại chuỗi cung ứng tốt hơn.
Theo quan sát của chúng tôi, các doanh nghiệp đang tính khả năng tận dụng xu hướng “friend shoring”, tức tạo nguồn cung thân hữu liên kết với đối tác EU và khu vực Bắc Mỹ, Trung Mỹ để sản xuất đồ gỗ, xuất khẩu vào EU và Mỹ, tiết kiệm thời gian, chi phí vận tải, tránh được rủi ro, bất trắc gây đứt gãy chuỗi cung ứng.
- Vậy ông có kiến nghị giải pháp căn cơ nào để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp?
Với bất cứ ngành hàng nào cũng cần có lực đẩy, lực kéo. Lực đẩy chính là thể chế, chính sách. Các công cụ chính sách từ tài khoá, tiền tệ để tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh sản xuất.
Bên cạnh đó, lực kéo chính là doanh nghiệp. Trong Luật Lâm nghiệp đã xác định lâm nghiệp là ngành kinh tế kỹ thuật môi trường, đóng vai trò rất quan trọng cho phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp chế biển xuất khẩu sản phẩm gỗ là những doanh nghiệp đầu chuỗi, tất cả các mắt xích khác như người nông dân trồng rừng, đơn vị khai thác vận chuyển, sản xuất bàn ghế xuất khẩu… chúng tôi kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện có cơ chế thúc đẩy để các chủ thể trong chuỗi này liên kết tốt hơn. Ví dụ như liên kết giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và nông dân trồng rừng, cần “chất xúc tác” để hai bên cùng bắt tay hợp tác, tạo nguyên liệu có nguồn gốc được truy suất dễ dàng, tuân thủ pháp luật. Hay chính việc liên kết tốt hơn cũng giúp việc xác định để hoàn thuế GTGT ít tốn kém hơn, thuận tiện hơn cho doanh nghiệp.
Chi phi tuân thủ pháp luật đang quá cao, rất cần Chính phủ có những quyết sách mang tính bước ngoặt, để tạo động lực mới và truyền lửa cho doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam bị soi kỹ hơn.
- Trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn, nhu cầu của các thị trường hồi phục chậm, nhiều ngành đã “quay đầu” hướng về “sân nhà”, các doanh nghiệp lâm nghiệp thì sao, thưa ông?
Đúng là trước nay tất cả các doanh nghiệp lâm sản lớn của chúng ta đều tập trung vào chế biến xuất khẩu, đấy là động lực quan trọng cho ngành lâm nghiệp, cho nông dân trồng rừng, cho chế biến tạo công ăn việc làm và có được kim ngạch xuất khẩu đáng kể cho đất nước.
Còn đối với thị trường trong nước chủ yếu là do các làng nghề, chúng ta có trên 340 làng nghề bao gồm nhiều hộ kinh doanh rất nhỏ, siêu nhỏ. Công nghiệp gỗ thường “ăn theo” bất động sản, do đó khi bất động sản trầm lắng, thậm chí tăng trưởng “đóng băng” thời gian qua thì nhu cầu về đồ gỗ nội thất trong nước cũng giảm. Chúng tôi cũng tuyên truyền vận động để các làng nghề này sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp.
Đồng thời, liên kết giữa các doanh nghiệp đầu chuỗi với các làng nghề để cập nhật xu hướng mới. Ngoài thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng quan tâm đặc biệt tới thị trường nội địa hơn 100 triệu dân với nhu cầu rất lớn sẽ hồi phục thời gian tới.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm