Từ ngày 01/07/2024 lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng

HẰNG THY 20/06/2024 16:18

Từ 01/07/2024 cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng 30% lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng/tháng.

>>Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7 tác động thế nào đến doanh nghiệp?

Thông tin này vừa được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết tại cuộc họp báo tháng 06/2024 về kết quả nổi bật công tác 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ Nội vụ, chiều 20/06/2024.

Để thực hiện chính sách cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII ngày 21/05/2018, trong suốt thời gian vừa qua, Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và một số các cơ quan liên quan tích cực chuẩn bị.

Tính tới nay, đã có 100% bộ, ngành, địa phương hoàn thành phê duyệt việc vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

ff

Lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 01/07/2024.

Thông tin tại cuộc họp, Bộ Chính trị đã thống nhất thực hiện 4/6 nội dung đã rõ trong đề án cải cách tiền lương từ 01/07/2024. Do phát sinh nhiều bất cập và cần phải thận trọng nghiên cứu từng bước nên việc bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương chưa đủ điều kiện thực hiện.

Theo đó, nếu thực hiện đủ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công thì mức tăng tổng quỹ lương của cán bộ, công chức, viên chức là 30,6 %. Con số này không bao gồm tiền thưởng. Dựa vào đó, mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng một tháng (tăng 30%). Các trường hợp hưởng chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở cũng được tăng tương ứng mức 30%.

Theo nghị quyết về cải cách tiền lương, sẽ có 9 loại phụ cấp mới như phụ cấp kiêm nhiệm, thâm niên vượt khung, trách nhiệm công việc, ưu đãi theo nghề. Tuy nhiên từ 1/7, các điều kiện chưa đủ thực hiện 9 loại phụ cấp này nên Chính phủ đề nghị giữ nguyên phụ cấp hiện hành như phụ cấp chức vụ lãnh đạo, kiêm nhiệm, thâm niên vượt khung, trách nhiệm theo nghề.

Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và một số chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành, đặc biệt là phụ cấp theo nghề mà trong quá trình thực hiện phát sinh bất hợp lý.

Với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước đang được áp dụng cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì rà soát lại bộ khung pháp lý. Từ đó có cơ sở để quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của cơ quan cho phù hợp. Từ 01/07/2024, trong thời gian chưa sửa đổi, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hàng tháng tính theo lương cơ sở 2,34 triệu đồng, không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng0 6/2024.

Bộ trưởng Nội vụ cho biết, mức tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (30%) là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp, các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở. Việc này cũng tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và những người hưởng chế độ, chính sách trợ cấp, phụ cấp trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn.

Bộ trưởng cũng cho biết, với khu vực doanh nghiệp, lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động sẽ tăng 6% từ 01/07/2024. Sau khi tăng, bình quân 4 vùng là 4,17 triệu đồng/tháng. Lương vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu; vùng 3 là 3,86 triệu và vùng 4 đạt 3,45 triệu đồng. Hiện lương các vùng đang dao động 3,25-4,68 triệu đồng. Mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6% từ 01/07/2024.

Theo người đứng đầu Bộ Nội vụ, sắp tới, Bộ Nội vụ sẽ xin ý kiến Quốc hội và sẽ thực hiện ngay từ 01/07/2024.

Được biết trước đó, Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương đã có 21 cuộc họp từ tháng 12/2021 tới nay nhằm cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng để ra được phương án cải cách tiền lương tốt nhất. Quan điểm và nguyên tắc đầu tiên đó là bảo đảm sự hài hòa, tương quan giữa các đối tượng, công bằng, bình đẳng.

"Cải cách chính sách tiền lương cần phải làm từng bước theo lộ trình, rõ đến đâu, làm đến đấy, khó khăn, vướng mắc, bất cập không được nôn nóng mà phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Khi đã cải cách tiền lương thì phải tăng lương, chính vì vậy phải bám sát Nghị quyết 27 để nghiên cứu phương án cho phù hợp nhất. Đó mới là mong muốn, chờ đợi của cán bộ công chức viên chức (CBCCVC) và đối tượng liên quan "- bà Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Có thể khẳng định, việc cải cách tiền lương thể hiện nỗ lực rất lớn của Chính phủ, cũng như Bộ Nội vụ và các bộ, ngành trong triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 Trung ương khóa XII; nhất là trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn sau tác động của đại dịch COVID-19.

Trong những tháng cuối năm, Bộ Nội vụ ưu tiên nguồn lực để tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; tổ chức triển khai thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội để thực hiện từ ngày 1-7-2024. Cùng với đó, tập trung hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 xong trong năm 2024 để các địa phương tập trung tổ chức đại hội đảng ở cơ sở vào năm 2025.

Có thể bạn quan tâm

  • Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7 tác động thế nào đến doanh nghiệp?

    03:30, 13/06/2024

  • Sắp tăng lương - Làm gì để chống “bão giá”?

    04:30, 22/05/2024

  • Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiến nghị tăng lương hưu 8%

    00:00, 20/02/2024

  • Doanh nghiệp có lợi nhuận lớn, lãnh đạo được đề xuất tăng lương thưởng?

    02:00, 13/11/2023

  • Tăng lương tối thiểu vùng: Cần sự chia sẻ và đồng cảm

    01:30, 25/07/2023

HẰNG THY