Xóa tư duy nhiệm kỳ, cơ chế “xin - cho” trong lập quy hoạch

DIỆU HOA 21/06/2024 03:00

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội yêu cầu cần phân định rõ vị trí, vai trò của các loại quy hoạch nhằm xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm trong lập, điều chỉnh quy hoạch.

>>Hải Dương: Quy hoạch đô thị còn chậm so với chủ trương

Nội dung trên được nêu tại chương trình nghị sự kỳ họp thứ 7, báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. 

Tùy tiện điều chỉnh quy hoạch là nguyên nhân gây chất tải đô thị. Ảnh: DH

Kiên quyết xóa cơ chế xin - cho

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho hay, Chính phủ đề xuất Luật này quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh, tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn; quản lý Nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn. Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn có 6 chương, 65 điều, với nhiều điểm mới.

Trong đó, về nội dung tăng cường phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; bổ sung, quy định chặt chẽ hơn về điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Song, cơ quan thẩm tra đặc biệt nhấn mạnh, xây dựng luật cần phân định rõ vị trí, vai trò của các loại quy hoạch, các cấp độ quy hoạch.

Việc này nhằm bảo đảm sự liên kết, khớp nối, tránh chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn về nội dung giữa các quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực, khó khăn cho công tác quản lý, tạo rào cản với các hoạt động kinh tế - xã hội của người dân và doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, cơ chế "xin - cho", "lợi ích nhóm" trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, dẫn đến tình trạng dự án chậm triển khai trên thực tế.

Về rà soát, điều chỉnh cục bộ quy hoạch, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu theo hướng chỉ phân cấp cho UBND cấp tỉnh điều chỉnh cục bộ với các quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ mà UBND cấp tỉnh là cơ quan lập quy hoạch.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cụ thể hóa hơn quy định tại dự thảo luật yêu cầu về "không gây quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội" khi điều chỉnh cục bộ quy hoạch.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị, theo chiều ngược lại, tức là phải có quy định để bảo đảm yêu cầu sử dụng đất đai hiệu quả, bảo đảm các thông số chung của quy hoạch phân khu, quy hoạch chung đã duyệt cho riêng khu vực quy hoạch.

"Có trường hợp xin điều chỉnh chuyển loại hình nhà ở từ chung cư sang loại hình ở thấp tầng, nhà biệt thự dẫn tới sử dụng đất đai không hiệu quả", ông Thanh cho hay.

>>Chính phủ đốc thúc giải cứu thị trường bất động sản

Quy hoạch thiếu tầm nhìn

Thực tế những năm qua, việc điều chỉnh quy hoạch đô thị bao gồm cả điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ, nhất là điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại một số địa phương không tính toán kỹ quy hoạch đã gây nên nhiều hệ lụy.

Trong một báo cáo trước đó, Bộ Xây dựng cũng chỉ điểm việc điều chỉnh quy hoạch tại một số tỉnh thành còn có biểu hiện tùy tiện, không tuân thủ quy định pháp luật và yêu cầu của quy chuẩn về quy hoạch xây dựng.

Quy hoạch đô thị dễ dàng bị thay đổi đang khiến nhiều đô thị trên cả nước rơi vào “mớ bòng bong”. Ảnh: DH

Theo Bộ Xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị còn bất cập, công tác quy hoạch đô thị còn chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng chưa theo kịp yêu cầu. Việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện. Tỷ lệ điều chỉnh quy hoạch cục bộ lên tới 70%, trong khi đó tại TP. HCM, tỷ lệ này cũng ở mức trên 40%. Trong đó phần lớn là cơi nới tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ, giảm diện tích cây xanh hoặc bổ sung chức năng nhà ở theo đề xuất của chủ đầu tư.

Liên quan vấn đề quy hoạch, giữa năm 2022, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành Kết luận thanh tra số 39 về hàng loạt vi phạm trong quy hoạch, xây dựng các dự án cao ốc hai bên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu (Hà Nội).

Theo Kết luận thanh tra, khi thực hiện triển khai quy hoạch lại theo đề xuất chủ đầu tư, đã nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án thiết kế rồi tiếp tục điều chỉnh cho từng dự án theo hướng chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn (có dự án điều chỉnh 5 lần, nhiều dự án chuyển chức năng từ văn phòng, từ công cộng thành hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán), có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho hay, quy hoạch đô thị dễ dàng bị thay đổi đang khiến nhiều đô thị trên cả nước rơi vào “mớ bòng bong”, hiện tượng tắc nghẽn giao thông, ngập lụt tại Hà Nội, TP.HCM là dẫn chứng điển hình.

Theo vị chuyên gia, để ngăn chặn tình trạng này, cần làm rõ các vấn đề: Vì sao lại điều chỉnh? Điều chỉnh đó có vi phạm những quy định của thành phố, Nhà nước, Chính phủ hay không?... Đồng thời, cần đổi mới hoàn toàn công tác quy hoạch, bám sát vào sự phát triển của kinh tế xã hội, nhu cầu thực của người dân, chứ không phải nhu cầu của doanh nghiệp để rồi cứ lập quy hoạch lại cho điều chỉnh.

Còn theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, trong quy hoạch xây dựng, nhất là quy hoạch đô thị là một hệ thống gồm quy hoạch phát triển đô thị của cả quốc gia cho đến quy hoạch của vùng, quy hoạch của từng tỉnh, thành phố. Tiếp đến các quy hoạch phân khu rồi đến quy hoạch chi tiết.

"Quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, hay nói cách khác, quy hoạch là khoa học dự báo. Để không còn tình trạng tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, trước khi điều chỉnh phải tham vấn cộng đồng bài bản. Sau đó, quy hoạch phải được công khai để cộng đồng, các tổ chức giám sát theo dõi" - ông Nghiêm nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Dương: Quy hoạch đô thị còn chậm so với chủ trương

    Hải Dương: Quy hoạch đô thị còn chậm so với chủ trương

    17:12, 20/06/2024

  • Lâm Đồng: Sẽ đón 17 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư

    Lâm Đồng: Sẽ đón 17 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư

    16:46, 20/06/2024

  • Từ ngày 01/07/2024 lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng

    Từ ngày 01/07/2024 lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng

    16:18, 20/06/2024

  • EVNHCMC Phát động thi đua thực hiện 1500 sáng kiến, giải pháp

    EVNHCMC Phát động thi đua thực hiện 1500 sáng kiến, giải pháp

    15:56, 20/06/2024

DIỆU HOA