Báo chí - “cầu nối” ngoại giao kinh tế

CẨM ANH thực hiện 21/06/2024 12:25

Báo chí đóng vai trò “cầu nối” quan trọng trong ngoại giao kinh tế nói chung và thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại Việt Nam – Australia nói riêng.

>>Không gian phát triển mới của báo chí

DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Sam Conroy, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Australia tại Việt Nam (AUSCHAM) xung quanh vấn đề này nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

- Ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí trong ngoại giao kinh tế nói chung và thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Australia nói riêng?

Báo chí đóng vai trò quan trọng trong ngoại giao kinh tế vì nó là nền tảng để phổ biến thông tin, định hình dư luận và tạo điều kiện giao tiếp giữa các quốc gia. Trong bối cảnh thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Australia, các kênh báo chí, như Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp trực thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đóng vai trò là kênh quan trọng để chia sẻ tin tức, hiểu biết và cập nhật về diễn biến kinh tế, cơ hội đầu tư và chính sách thương mại.

Đặc biệt, báo chí giúp xây dựng nhận thức, lòng tin và sự minh bạch trong quan hệ kinh tế song phương, thúc đẩy môi trường thuận lợi cho quan hệ đối tác và hợp tác kinh doanh. Ngoài ra, báo chí có thể nêu bật những câu chuyện thành công, giới thiệu tiềm năng đầu tư và giải quyết các thách thức, từ đó tác động đến việc ra quyết định và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và Australia trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế.

- Ông đánh giá thế nào về sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam đối với các nhà đầu tư Australia?

Nền kinh tế đang trên đà phát triển, cùng với môi trường chính trị ổn định đã góp phần giúp Việt Nam trở thành điểm sáng hấp dẫn đầu tư so với các nước khác trong khu vực.

Riêng với các nhà đầu tư Australia, các sáng kiến của Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng và đơn giản hóa các quy định pháp luật và thủ tục hành chính, kết hợp với nguồn cung lao động trẻ và có tay nghề cao là những điểm nhấn đặc biệt nhằm thu hút các doanh nghiệp Australia.

Hơn nữa, vị trí chiến lược của Việt Nam ở Đông Nam Á mang lại khả năng tiếp cận thị trường rộng lớn. Các FTAs, như AANZFTA, CPTPP… đóng vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế và đầu tư, thông qua việc loại bỏ hoặc giảm bớt thuế quan và rào cản thương mại.

Gần đây, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã công bố báo cáo "Đầu tư: Chiến lược kinh tế Đông Nam Á của Australia đến năm 2040" nêu rõ cam kết lâu dài của Australia trong việc tăng cường hợp tác kinh tế và quan hệ đối tác với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

 Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng gặp mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Australia.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng gặp mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Australia.

- Ngày càng nhiều nhà đầu tư Australia đến Việt Nam. Ông có thể chia sẻ những lĩnh vực mà họ quan tâm?

Các nhà đầu tư Australia ngày càng thể hiện sự quan tâm đến nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam, như nông nghiệp và kinh doanh nông nghiệp, năng lượng tái tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục và đào tạo, công nghệ và đổi mới, và chăm sóc sức khỏe.

Tôi cho rằng, những lĩnh vực này mang đến những cơ hội đầu tư và hợp tác đầy hứa hẹn giữa Australia và Việt Nam trong tương lai, góp phần vào sự phát triển của cả hai nền kinh tế.

>>Báo chí thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển

- Theo ông, Việt Nam có thể cải thiện môi trường đầu tư như thế nào để thu hút thêm đầu tư từ Australia?

Theo tôi, Việt Nam có thể tiếp tục tăng cường cải cách hành chính nhằm đơn giản hóa hơn nữa các quy trình pháp lý và giảm bớt các rào cản để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Bên cạnh đó, dù Chính phủ đã chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng vẫn cần tiếp tục tăng cường phát triển hơn nữa, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải và hậu cần. Điều này có thể góp phần cải thiện đáng kể khả năng kết nối và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Australia hoạt động thuận lợi hơn.

Ngoài ra, việc tiếp tục đầu tư vào giáo dục và đào tạo kỹ năng để phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp Australia khi đầu tư vào Việt Nam là rất quan trọng.

Đặc biệt, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thực thi các biện pháp chống tham nhũng sẽ mang lại môi trường kinh doanh an toàn và minh bạch hơn cho các nhà đầu tư Australia. Điều này giúp tăng cường niềm tin của họ khi đầu tư vào Việt Nam.

- Với tư cách là tân Chủ tịch của AusCham, ông và AusCham có kế hoạch gì để thúc đẩy thương mại song phương Australia – Việt Nam trong thời gian tới?

Việc bổ nhiệm Ban lãnh đạo và giám đốc điều hành mới, cùng với việc phê duyệt Kế hoạch chiến lược mới, nhấn mạnh cam kết của AusCham trong việc điều chỉnh các chiến lược của mình phù hợp với các mục tiêu chiến lược chung trong quan hệ đối tác giữa Australia và Việt Nam.
Một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng của chúng tôi là góp phần tăng thêm giá trị cho kỷ nguyên mới của mối quan hệ giữa Việt Nam và Australia, đồng thời đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế Australia và Việt Nam, chẳng hạn như hỗ trợ các cơ quan đầu ngành của Australia thâm nhập thị trường thông qua AusHub.

AusCham hy vọng trong tương lai, AusCham và VCCI có thể thúc đẩy hợp tác, góp phần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Không gian phát triển mới của báo chí

    05:00, 21/06/2024

  • Thị trường quảng cáo: Thị phần nào nào cho báo chí?

    04:30, 21/06/2024

  • Đã tới lúc thu phí báo chí?

    04:00, 21/06/2024

  • Báo chí thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển

    04:00, 21/06/2024

  • “Ngã ba” của kinh tế báo chí

    04:00, 21/06/2024

  • Báo chí đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

    02:30, 21/06/2024

CẨM ANH thực hiện