Để doanh nghiệp không giảm động lực vì thuế GTGT
Nếu những sản phẩm không bắt buộc thực hiện ưu đãi thuế bằng 0, nên điều chỉnh một mức thuế phù hợp để công bằng giữa các DN sử dụng sản phẩm đầu vào có chịu thuế với sản phẩm đầu ra không chịu thuế.
>>Thu hẹp phạm vi áp dụng thuế suất thuế GTGT: Nỗi lo của doanh nghiệp
GS, TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội chia sẻ với DĐDN về kiến nghị cho phép hạch toán tập trung đối với các doanh nghiệp trong cùng một tập đoàn kinh tế.
Có một số doanh nghiệp phản ánh tình trạng bất bình đẳng về thuế GTGT khi tổ chức sản xuất kinh doanh theo mô hình tập đoàn kinh tế. Để giải quyết vấn đề này, có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cơ chế cho phép các doanh nghiệp được tổ chức theo mô hình tập đoàn kinh tế được hạch toán tập trung cả tập đoàn, thay vì hạch toán riêng từng công ty con như hiện nay. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Về nguyên tắc, thuế GTGT là thuế sẽ được thực hiện khấu trừ giữa các thuế đầu vào với thuế đầu ra. Nếu như, trước khi mua các nguyên vật liệu, các yếu tố sản xuất đầu vào mà doanh nghiệp đã phải trả thuế GTGT, thì khi bán sản phẩm đầu ra doanh nghiệp sẽ được nhận tiền thuế GTGT từ sản phẩm đầu ra đó do khách hàng trả.
Như vậy, khi quyết toán thuế doanh nghiệp được quyền khấu trừ giữa phần thuế đầu vào và thuế đầu ra. Trong trường hợp, khi mua nguyên liệu đầu vào doanh nghiệp phải trả thuế, nhưng khi bán sản phẩm đầu ra thì sản phẩm đó lại không chịu thuế, vì không chịu thuế nên doanh nghiệp không thu được phần tiền của người mua hàng, khi đó sẽ không có phần để khấu trừ giữa thuế đầu vào và thuế đầu ra.
Trong trường này, doanh nghiệp có phản ánh bị thiệt hại vì do không được khấu trừ thuế đầu vào. Việc này xảy ra ở một số lĩnh vực như sản xuất phân bón. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải chịu thuế đầu vào nguyên vật liệu, nhưng khi bán sản phẩm phân bón thì không phải chịu thuế GTGT, cho nên không có thuế đầu ra để khấu trừ.
Việc hạch toán tập trung cả tập đoàn, hay hạch toán riêng từng công ty con là do tập đoàn quyết định, Nhà nước không ngăn cấm hạch toán tập trung cả tập đoàn hay hạch toán riêng. Vấn đề này do tổ chức và cơ chế của tập đoàn lựa chọn giải pháp nào phù hợp nhất. Vì vậy, hiện nay không cần phải có sự thay đổi về luật pháp trong trường hợp này. Vấn đề đặt ra là khi thành lập doanh nghiệp trong tập đoàn để hướng đến mục tiêu đánh giá hiệu quả mô hình nào hoạt động tốt, mô hình nào chi phí thấp, mô hình nào chi phí cao.
Do không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp giảm động lực tổ chức theo mô hình tập đoàn kinh tế, thưa ông?
Tôi cho rằng, vấn đề ở đây là chúng ta đang xác định sản phẩm nào chịu thuế và không chịu thuế, chứ không phải vì cơ chế thành lập tập đoàn.
Dù có thành lập tập đoàn hay không thành lập tập đoàn thì những doanh nghiệp từ trước đến nay đang sử dụng sản phẩm đầu ra không chịu thuế GTGT, đơn vị nào cung cấp sản phẩm đầu ra đó sẽ thiệt thòi, chứ không chỉ có tập đoàn bị thua thiệt.
Ví dụ, cùng sản xuất sản phẩm sữa, trước đây doanh nghiệp từ chăn nuôi bò cho đến khâu chế biến sữa đầu ra là một khối “liền mạch”. Nhưng, cũng có doanh nghiệp chăn nuôi bò sau đó lấy sữa bán, và có doanh nghiệp mua để sản xuất sữa chứ không chỉ có tập đoàn.
Như vậy, câu chuyện là cơ chế xác định thuế, chính sách thuế cho các loại sản phẩm là đầu vào của yếu tố này và đầu ra của sản phẩm khác, ngành khác. Chúng ta cần thay đổi cơ chế thuế chứ không phải lỗi do thành lập tập đoàn hay không thành lập tập đoàn.
Vậy, để thay đổi cơ chế thuế cho phù hợp, ông có đề xuất, kiến nghị những giải pháp nào?
Chúng ta phải cân nhắc theo hai hướng. Thứ nhất, phải rà soát xem có nhất thiết phải tiếp tục ưu đãi với những sản phẩm mà chúng ta đang đặt ra mức thuế 0% hay không?
Nếu những sản phẩm đó không bắt buộc phải thực hiện đến mức ưu đãi thuế bằng 0, thì cần phải điều chỉnh có một mức thuế phù hợp để đảm bảo sự công bằng giữa các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm đầu vào có chịu thuế với sản phẩm đầu ra không chịu thuế. Như vậy, có thể phải điều chỉnh thuế GTGT cho một số sản phẩm.
Thứ hai, nếu trường hợp vẫn thấy những sản phẩm đó cần được miễn thuế để khuyến khích khu vực tiêu dùng và khu vực sản xuất đầu vào, trong trường hợp này phải trả lại tiền thuế GTGT mà doanh nghiệp đã bỏ ra khi mua những yếu tố đầu vào với hình thức như hoàn thuế cho những đối tượng xuất khẩu.
Những đối tượng xuất khẩu khi có sản phẩm đầu ra không chịu thuế được hoàn thuế GTGT. Như vậy, trong trường hợp thuế đầu ra không thu được thì chúng ta cũng cần tính đến việc phải có chính sách hoàn thuế cho họ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV và được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Thuế GTGT: Lo doanh nghiệp chế xuất bị “làm khó”
03:30, 31/05/2024
Hoàn thuế GTGT: Nhiều doanh nghiệp vẫn đang chờ... rà soát hồ sơ
11:30, 28/05/2024
Hoàn thuế GTGT: Đảm bảo giải quyết đúng hạn
15:00, 10/04/2024
Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi): Doanh nghiệp chế xuất “khó chồng khó”
03:00, 27/03/2024
Doanh nghiệp chế xuất gặp “gánh nặng” thuế GTGT
03:00, 26/03/2024