Chuyện tác nghiệp nơi đầu sóng, ngọn gió
7 ngày trên biển, được đặt chân đến các hòn đảo ở Trường Sa và Nhà giàn DK1, đó không chỉ là trải nghiệm mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo của những người cầm bút.
>>>Trường Sa: Mái nhà thân thuộc của ngư dân khi đánh bắt xa bờ
>>>Vì một Trường Sa xanh
Sau nhiều năm mơ ước được một lần đến thăm quân dân huyện đảo Trường Sa – vùng lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc, cuối cùng tôi cũng được nhận lệnh lên đường với tư cách phóng viên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp. Ngày nhận thông báo đi công tác ở Trường Sa, trong lòng tôi dâng lên niềm vinh dự, tự hào cùng sự háo hức.
Đi trước, về sau
Đến Trường Sa vào những ngày đầu tháng 5, thời điểm “sóng yên, biển lặng” nên chúng tôi phần nào tránh được cái khổ say sóng. Nhưng tác nghiệp ở Trường Sa thực sự rất khác so với ở đất liền. Cái khó không chỉ là việc bảo quản đồ nghề tác nghiệp mà chính là khoảng thời gian hết sức eo hẹp trên mỗi điểm đảo và nhà giàn.
Ngoài đảo Trường Sa thì tại các điểm đảo khác, chúng tôi chỉ có khoảng 2 tiếng đồng hồ tác nghiệp. Để không bị bỏ lỡ bất kỳ một phút giây nào trên đảo, mỗi ngày, tôi cùng đồng nghiệp dậy từ 4 giờ sáng, chuẩn bị thiết bị tác nghiệp. Đồ nghề gồm máy ảnh, sổ, bút, điện thoại được bao bọc bằng túi chống nước cẩn thận, lúc nào cũng phải sẵn sàng.
Ngay khi đặt chân lên các đảo và nhà giàn, chúng tôi đều tranh thủ thời gian gặp gỡ, trò chuyện với các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân để tìm hiểu về công việc, cuộc sống, tâm tư của họ. Từ hình ảnh người lính trẻ bồng súng đứng gác bên cột mốc chủ quyền; cảnh các em nhỏ hồn nhiên vui đùa trên đảo, những vườn rau xanh trên sóng hay hình ảnh về tình cảm ngọt ngào giữa đất liền với đảo xa… đều được chúng tôi cẩn thận ghi lại qua ống kính máy ảnh. Những lúc không thể “phân thân” theo nhiều đề tài, chúng tôi đã chia thành từng nhóm tác nghiệp để khi về tàu sẽ trao đổi lại với nhau.
Đi trước về sau, chúng tôi thường là những người rời đảo cuối cùng, tận dụng tối đa thời gian ít ỏi để kịp ghi lại những khung hình “độc” nhất, làm “lương khô” khi trở về đất liền còn có cái để dùng dần.
“Thời gian ở các đảo rất quý nên phải tranh thủ để có thể kịp thời ghi lại trọn vẹn những khoảnh khắc quý giá về cuộc sống, tâm tư tình cảm của quân dân nơi hải đảo xa xôi cùng tình cảm của đại biểu trong đoàn công tác”, nhà báo Đặng Loan – Báo Quân đội nhân nhân chia sẻ.
Nhiệm vụ đặc biệt
Ngoài thời gian tác nghiệp trên các đảo và nhà giàn, chúng tôi còn một nhiệm vụ vô cùng quan trọng khác. Đó là thực hiện bản tin phát thanh nội bộ trên tàu để cập nhật về hành trình, tình cảm của thành viên đoàn công tác với cán bộ, chiến sĩ, với biển đảo quê hương.
Với tôi, dù đã từng làm nhiều chương trình phóng sự trên Tạp chí điện tử Diễn đàn Doanh nghiệp, nhưng đây có lẽ là lần đặc biệt nhất. Tôi vẫn nhớ ngày thứ 6 trong chuyến hải trình, sau khi rời Nhà giàn DK1/9, tôi cùng các đồng nghiệp vội quay lại tàu để triển khai nội dung cho chương trình phát thanh. Vì là ngày cuối của hải trình nên có rất nhiều nội dung được truyền tải. Việc đọc trực tiếp khó có thể thực hiện nên bắt buộc chúng tôi phải dựng thành một bản tin phát thanh hoàn chỉnh để phát sóng. Thế nhưng, ngày hôm đó biển hơi gợn sóng, khiến tôi có chút chếnh choáng. Không còn cách nào khác, tôi phải vừa nằm trên giường, vừa ôm máy tính để dựng.
Nếu ở đất liền, sự kết nối thông tin, điều kiện tác nghiệp thuận lợi thì ở trên tàu, công việc sản xuất chương trình rất khó khăn khi mọi thao tác trên máy tính đều lắc lư theo nhịp sóng. Để có được 30 phút phát thanh nội bộ hoàn thiện, chúng tôi mỗi thành viên đều một tay, một chân. Người thì biên tập nội dung, người thu phát thanh, người lại chuẩn bị sẵn kho nhạc để mọi thứ được ráp nối một cách nhịp nhàng, khoa học nhất.
Có lẽ, trong hoàn cảnh thiếu sóng điện thoại, thiếu mạng Internet, cùng với hiệu lệnh: “Toàn tàu báo thức, toàn tàu báo thức” thì chương trình phát thanh của tổ tuyên truyền đã trở thành người bạn đồng hành cùng các đại biểu suốt gần chục ngày lênh đênh trên biển.
Nhận thức rõ trách nhiệm người làm báo
Trong chuyến ra thăm các điểm đảo ở Trường Sa, điều khiến tôi xúc động nhất là giây phút chia tay quân dân trên đảo Trường Sa. Đêm giao lưu văn nghệ trên đảo Trường Sa kết thúc, chúng tôi vội trở về tàu. Trên đường ra cầu cảng, chiến sĩ Phan Khắc Siêu gọi tên tôi rồi hỏi: “Chị vẫn còn nhớ em chứ?”.
Làm sao tôi có thể quên, cậu chiến sĩ trẻ với nước da rám nắng, người đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiệt tình khi tác nghiệp ở đảo. Không chỉ Siêu mà tất cả cán bộ, chiến sĩ trên các đảo cũng vậy. Có lẽ vì thế mà mặc dù là cuộc gặp gỡ lần đầu nhưng chúng tôi luôn có cảm giác thân thiết như người nhà. Vội ghi lại số điện thoại cùng lời hẹn: “Khi nào có sóng nhất định chúng ta sẽ liên lạc với nhau”, chúng tôi chào tạm biệt quân dân đảo Trường Sa để tiếp tục chuyến hải trình.
21 giờ, sau 3 hồi còi chào tạm biệt, tàu KN 290 nhổ neo rời đảo Trường Sa. Tàu rời bến, tất cả mọi người trên cầu cảng hô vang: “Trường Sa vì cả nước!”. Cả đoàn không ai bảo ai đều đồng thanh đáp lại: “Cả nước vì Trường Sa!”.
Trong màn đêm tối, những ánh đèn flash điện thoại được bật lên để vẫy chào tạm biệt quân dân trên đảo Trường Sa. Vẻ thẫn thờ, lưu luyến khi phải chia xa cứ theo mãi bước chân của các phóng viên và thành viên trong đoàn công tác. Anh đồng nghiệp của tôi khi đó đã không kìm được nước mắt...
“Được đến Trường Sa tác nghiệp, được tận mắt chứng kiến ý chí, nghị lực phi thường của quân và dân ta, tôi càng nhận thấy trách nhiệm nghề nghiệp của mình. Khi đến với các đảo, tôi đều cố gắng ghi lại những tấm ảnh đẹp để mang về đất liền lan tỏa ý chí kiên cường, những hy sinh của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc đến bạn đọc...”, nhà báo Nguyễn Hải Linh – Tạp chí Người cao tuổi xúc động cho biết.
Có lẽ, với mỗi người làm báo, thật vinh dự khi được làm những cánh chim nối liền thông tin giữa đất liền và biển đảo. Và với tôi cũng vậy, hải trình 7 ngày lênh đênh trên biển, được đặt chân đến các hòn đảo của huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/9, thấy được cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo càng giúp tôi trân quý hơn sự hy sinh của những người lính hải quân. Những cảm xúc bồi hồi khó tả và nỗi nhớ Trường Sa cứ day dứt khôn nguôi, để rồi mỗi lần nghe hai tiếng Trường Sa, lồng ngực lại thấy cồn cào, da diết… Đó không chỉ là hồi ức quý báu, trải nghiệm khó quên mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo của những người cầm bút.
Lời tâm sự của nhà báo Đặng Loan khi ngồi trên cabin tàu KN 290 trở về đất liền vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi: “Tác nghiệp ở Trường Sa và Nhà giàn DK1 đã để lại trong tôi cảm xúc thiêng liêng đến lạ kỳ. Những người lính đảo có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên cường trước muôn trùng sóng gió để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc đã tạo động lực cho chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm, làm tốt công việc của mình. Đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1 không chỉ có tình yêu, mà còn là trách nhiệm lớn của đất liền, của những người làm báo về "cột mốc thép" giữa trùng khơi”.
Đã hơn 1 tháng kể từ ngày chia tay quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, nhưng tôi vẫn có cảm giác như mới ngày hôm qua. Mỗi sớm thức dậy, bên tai vẫn văng vẳng tiếng sóng biển hoà trong tiếng gió và cả tiếng hát của các cán bộ, chiến sĩ: “Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa…”.
Những câu chuyện ghi ở Trường Sa và Nhà giàn DK1 được chúng tôi đăng tải đều đặn trên các trang báo để mỗi người Việt Nam khi đọc được sẽ thêm tự hào về biển, đảo quê hương, cùng chung sức, đồng lòng bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Có thể bạn quan tâm