Dòng tiền “sôi sục” tìm kiếm cơ hội
Giá nhiều cổ phiếu đã không còn rẻ, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy các nhà đầu tư sẽ bán tháo nên dòng tiền nhiều khả năng sẽ còn tìm kiếm cơ hội.
Ngày 18/6, NHNN gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN đến hết năm 2024, thay vì hết hạn vào 30/6. Điều này dấy lên câu hỏi về xử lý nợ xấu tại các ngân hàng khi mà việc thông báo sát ngày hết hạn, trong khi đó tăng trưởng tín dụng đến hết ngày 14/6 mới chỉ đạt 3,79%.
“Kéo giá” để thoát hàng
Thực tế đang cho thấy, nợ xấu của nhiều ngân hàng tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm nay, vượt qua 3% như Ngân hàng TMCP Quốc tế - VIB (3,6%), Ngân hàng TMCP Bản Việt – BVB (3,9%), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín - VBB (3,1%);… Điều này có thể khiến dòng tiền không chảy vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, làm cho thị trường thiếu lực đẩy.
Chúng ta đều thấy, VN-Index vượt mốc 1.300 điểm vào ngày 12/6 có sự đóng góp mạnh mẽ từ nhóm ngân hàng, như BID, VCB, VPB… Tuy nhiên, ngay sau đó, cổ phiếu ngân hàng chững lại, là một phần khiến đà tăng của thị trường khó khăn. Dòng tiền vì thế chậm lại, áp lực bán gia tăng, khiến VN-Index quay lại vùng 1.280 điểm. Thậm chí ngay tại phiên giao dịch 18/6 khi chỉ số này tăng mạnh hơn 10 điểm nhưng áp lực bán cuối phiên khiến chỉ số này chỉ tăng 4,73 điểm. Thanh khoản có xu hướng giảm, giá trị khớp lệnh tại sàn HOSE trong phiên 18/6 chỉ đạt 17,5 nghìn tỷ đồng, giảm gần 30% so với bình quân tuần.
Trên thực tế, VN-Index đã và đang đi ngang quanh vùng 1.280 điểm trong thời gian khá lâu. Dù VN-Index đã nỗ lực vượt mốc 1.300 điểm nhưng lại không kéo dòng tiền chảy vào thị trường. Điều này cho thấy rằng kịch bản tăng đang là dấu hỏi. Xu hướng các phiên giao dịch gần đây hầu hết là tăng đầu phiên và giảm về cuối phiên, điều này không tốt với thị trường chung. Trong phân tích dòng tiền theo phương pháp kỹ thuật, đây là biểu hiện của việc kéo giá để thoát hàng.
>>>Thị trường chứng khoán: Cơ hội nhiều hơn thách thức
Nhìn vào nhiều cổ phiếu riêng lẻ như ACV, FPT, FOX, SIP…, xu hướng kéo xả có vẻ như đang diễn ra. Cổ phiếu công nghệ FPT, sau ngày chốt cổ tức 12/6, bứt tốc mạnh và tạo đỉnh ở mức giá 133.800 đồng/cp. Ngay sau chuỗi điều chỉnh giảm của FPT về 126.600 đồng/cp (giảm 5%) thì cổ phiếu này lại bất ngờ tăng ngược trở lại. Nhà đầu tư mua đuổi thường có nguy cơ thua lỗ trong giai đoạn này. Tương tự như vậy, các cổ phiếu như FOX, ACV, thậm chí VTP kéo tăng trần, và đó đang là biểu hiện của những cổ phiếu tăng mạnh thời gian vừa qua.
Ở chiều ngược lại, dòng tiền lại gia tăng ở một số cổ phiếu khác đẩy giá những cổ phiếu này tăng mạnh như DGC, POW, VCS… Nhà đầu tư chỉ cần 1 thông tin tích cực là đủ để lao vào mua cổ phiếu, bất chấp việc doanh nghiệp đó có hưởng lợi hay không. Đơn cử như cổ phiếu DGC tăng trần phiên 18/6 với tin đồn chia cổ tức 100%. Điều này thật khó hiểu bởi trong Nghị quyết ĐHCĐ của DGC vừa mới thông qua hoàn toàn không có điều này. Hay như cổ phiếu POW, cũng chỉ cần 1 ngày nắng đủ nóng, điện năng tiêu thụ đủ lớn là tăng giá.
Hướng đi của dòng tiền
Điểm nhấn lớn nhất ở giai đoạn này chính là việc khối ngoại khi họ bán ròng khối lượng cực lớn. Chúng ta hoàn toàn không thể đưa ra lý do chính xác nhất về đợt bán tháo này của khối ngoại, bởi thậm chí nhiều cổ phiếu từng kín room nhiều năm cũng bị bán mạnh như FPT, MBB, CTG…
Chúng ta vẫn nghĩ kịch bản FED hạ lãi suất, trong khi lãi suất tiền gửi trong nước đang tăng lên, khiến chênh lệch lãi suất không còn. Tuy nhiên, điều này dường như không đúng. Khối ngoại vẫn liên tiếp bán ròng, những mã bị bán mạnh dẫn đầu là FPT, tiếp theo VNM, HPG… Đây đều là những doanh nghiệp đang hoạt động ổn định, có kết quả tích cực và quan trọng. Tuy nhiên, nếu xét về góc độ đầu tư thì việc khối ngoại bán tháo ở thời điểm này là quá thuận lợi khi mà giá các cổ phiếu đều đang ở vùng đỉnh. Họ hoàn toàn thu được lợi lớn khi chốt lời, đặc biệt với những cổ phiếu như FPT.
Có thể nhận thấy rằng, nhà đầu tư đang mua bán một cách bất chấp, và cũng có thể điều này đã giúp họ có lợi nhuận đủ lớn. Nhà đầu tư nội vẫn nhìn vào thị trường chứng khoán Mỹ để hành động nhiều hơn. Họ đang dựa vào niềm tin rằng FED sẽ cắt giảm lãi suất hay xu hướng đầu tư vào các cổ phiếu công nghệ. Nhiều cổ phiếu chỉ cần có chữ công nghệ là hút mạnh dòng tiền giống như ELC, MFS … dù mảng này không quá mạnh và hiệu quả kinh doanh không cao. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng giá nhiều cổ phiếu bây giờ không còn rẻ, và khả năng điều chỉnh lại là rất cao. Tuy nhiên, cũng chưa có dấu hiệu nào cho thấy thị trường sẽ bán tháo nên dòng tiền nhiều khả năng sẽ còn tìm kiếm cơ hội. Đặc biệt, mùa báo cáo bán niên chuẩn bị đến nên những doanh nghiệp nào được kỳ vọng có kết quả kinh doanh tích cực sẽ có cơ hội tăng giá hoặc giữ vùng giá đã tăng.
Với góc nhìn này, vẫn còn khá nhiều cổ phiếu chưa tăng giá trong nhịp tăng vừa qua. Thậm chí, nhiều cổ phiếu còn đang loay hoay ở vùng đáy như VNM do bị khối ngoại bán ròng liên tục. Nhà đầu tư có thể ưu tiên những cổ phiếu như trên, đồng thời tìm kiếm cơ sở cho việc thu hút dòng tiền.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2024: Đâu là động lực tăng trưởng?
04:00, 17/06/2024
Thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2024: Huy động vốn sẽ tăng kỉ lục
02:02, 15/06/2024
ĐIỂM BÁO NGÀY 14/6: Thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2024
04:14, 14/06/2024
Động lực chính cho thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2024
13:04, 12/06/2024