Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển nhà ở xã hội
Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… đã phát triển thành công loại hình nhà ở xã hội với chi phí thấp, đầy đủ tiện nghi cơ bản, thủ tục hành chính tối giản.
>>>Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội
Đơn cử tại Hàn Quốc, bên cạnh cơ chế đặc biệt để tạo quỹ đất, quá trình phê duyệt dự án có thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cũng được đơn giản hóa. Nếu kế hoạch thực hiện dự án phát triển đô thị được Chính phủ phê duyệt, thì có thể bỏ qua hơn 30 yêu cầu của pháp luật liên quan khác.
Về nguồn vốn vay ưu đãi, trong giai đoạn đầu phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ Hàn Quốc có nguồn ngân sách eo hẹp, cần mở rộng nguồn cung nhà ở nên việc huy động chủ yếu thông qua Quỹ xổ số Nhà ở (hỗ trợ xây dựng 45.000 đơn vị nhà ở), cụ thể: các khoản thu từ tất cả các loại xổ số do nhà nước cấp phải được gộp lại và phân bổ tập trung. Theo đó, tối đa 70% doanh thu xổ số được dành cho các dự án cho nhà ở thu nhập thấp, bao gồm cả đóng góp cho Quỹ Nhà ở Quốc gia.
Sau này, 70% vốn của quỹ được huy động từ trái phiếu nhà ở quốc gia và 30% vốn được huy động từ tiền gửi tiết kiệm của người dân và các nguồn khác.
Hay với Singapore – quốc gia điển hình thành công trong việc phát triển nhà ở xã hội đảm bảo nguồn cung, đáp ứng nhà ở cho người dân thông qua mô hình các tập đoàn hoặc doanh nghiệp nhà nước đủ mạnh, có sự hỗ trợ của nhà nước về đất đai, tài chính để chuyên đầu tư phát triển loại hình nhà ở này. Đến nay có trên 90% người dân Singapore sở hữu nhà, trong đó có tới 83% số người được sở hữu nhà ở giá thấp.
Để người dân tiếp cận được nhà ở, Singapore cũng đã “thành lập Quỹ tiết kiệm trung ương (CPF) để quản lý hệ thống quỹ tiền tiết kiệm bắt buộc, trong đó người lao động phải đóng góp tiết kiệm tiền lương tháng cho CPF (người sử dụng lao động đóng 14%/tháng và người lao động, công chức thu nhập thấp phải đóng 20%/tháng). Chính phủ cung cấp các khoản vay sao cho mỗi tháng người dân chỉ phải trích dưới 20% thu nhập để trả tiền mua nhà. Quỹ CPF cho vay đến 90% giá trị căn nhà với lãi suất rất thấp và được trả góp 25 - 30 năm.
Tương tự, Thái Lan cũng đã thiết kế một chương trình cho vay đối với các công chức, người làm việc trong cơ quan chính phủ bắt đầu từ năm 2001. Ngân hàng Nhà ở đã giảm điều kiện cho vay bằng cách cho vay với tỷ lệ lên đến 100% giá trị căn hộ. Đồng thời, quỹ lương hưu Chính phủ đã thực hiện khấu trừ tại nguồn các khoản tiền thanh toán từ tiền lương của cán bộ, công chức.
Thực tế, tại Việt Nam, để tiếp cận ưu đãi mua nhà ở xã hội, người mua cần thỏa mãn một số điều kiện về thu nhập, diện hộ gia đình. Các chính sách này đã được luật hóa từ năm 2005 và có nhiều thay đổi trong gần 20 năm qua. Dù vậy, thực tế về phía người mua nhà ở xã hội vẫn còn nhiều khó khăn bất cập. Trong quá trình đăng ký mua nhà, người mua phải chờ bốc thăm và nộp nhiều loại giấy tờ chứng minh đủ điều kiện mua nhà ở xã hội.
Quy trình kéo dài và phức tạp này khiến việc tiếp cận nhà ở xã hội ngày càng khó khăn đối với những người dân có nhu cầu thực sự và cấp bách về nhà ở.
Trao đổi với DĐDN, TS Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS cho rằng, để hiện thực hóa Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, cần đẩy nhanh hơn tiến độ thực thi, ban hành hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, giúp giải quyết, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, giảm khó khăn về quy trình thực hiện thủ tục dự án.
Đồng thời, cần có cơ chế hỗ trợ nguồn vốn riêng cho người mua nhà ở xã hội hoặc xây dựng quỹ hỗ trợ nhà ở với vai trò hỗ trợ chủ đạo là Nhà nước, không phải ngân hàng thương mại; nâng mức cho vay lên mức 500 – 700 triệu đối với tỉnh lẻ và 1 tỷ đối với thành phố trực thuộc trung ương.
Có thể bạn quan tâm