Quảng Ninh: Tăng cường quản lý tài nguyên, khoáng sản
Thời gian qua, Quảng Ninh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ nguồn tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn.
>>>Hải quan Quảng Ninh: Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển kinh doanh
Quản lý tài nguyên
Hiện nay, trên địa bàn Quảng Ninh Tập đoàn TKV có gần 20 công ty khai thác than. Đến thời điểm ngày 30/4/2024, toàn TKV được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 39 Giấy phép khai thác khoáng sản than.
Theo Tập đoàn TKV: Hằng năm, cơ quan chuyên môn các đơn vị đều xây dựng phương án bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ tài sản, tài nguyên ranh giới mỏ. Tổ chức kiểm tra ranh giới mỏ, khai trường được duy trì hằng ca, áp dụng quy định báo cáo công việc hằng ngày bằng hình ảnh, video,... về Phòng Bảo vệ và Trung tâm điều hành sản xuất của đơn vị theo quy định.
Để kiểm soát chặt chẽ phương tiện vận chuyển than, đất đá lẫn than trong nội mỏ và ra bến cảng, các đơn vị tăng cường trang bị điều kiện vật chất kỹ thuật cho công tác bảo vệ như thiết bị bảo đảm ánh sáng, lắp đặt đầy đủ và duy trì hoạt động hệ thống camera giám sát tại các kho than, cân điện tử, trạm bảo vệ kiểm soát xe ra vào mỏ.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tường - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Than Quảng Ninh, 5 năm qua, riêng các đơn vị trực thuộc Đảng bộ Than Quảng Ninh đã chi trên 43 tỷ đồng để trang sắm vật tư, thiết bị bổ sung phục vụ quản lý, bảo vệ tài nguyên, sản phẩm than; lắp đặt 1.524 camera và 1.239 GPS có chức năng giám sát hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ than.
Phó Giám đốc Công ty CP Than Đèo Nai - ông Nguyễn Ngọc Tùng cho biết: Phương tiện của các đơn vị thuê ngoài hoạt động trên khai trường đơn vị đều phải sơn logo, gắn biển số,... không di chuyển ra ngoài khai trường sau 18h đến 6h sáng hôm sau, trừ trường hợp bất khả kháng như phục vụ cấp cứu, xử lý sự cố, hỏa hoạn. 100% các thiết bị thuê ngoài có gắn đầy đủ GPS và hoạt động tốt, có kết nối về Trung tâm điều hành của đơn vị để theo dõi giám sát hành trình xe, máy.
Đối với công tác giao nhận than, TKV cũng kiểm soát chặt chẽ quá trình giao nhận than qua cân điện tử đảm bảo chất lượng; số liệu của cân điện tử được truyền trực tiếp về Trung tâm điều hành của các công ty. Các đơn vị kho vận lắp đặt bổ sung hệ thống cân điện tử cân than trên băng tải; sử dụng trạm cân tàu hỏa động, cân điện tử loại 60 tấn đến 80 tấn để thực hiện quy trình giao than.
"Đơn vị thường xuyên kiểm tra và có biện pháp quản lý phần mềm, thực hiện kiểm định cân, kiểm tra các phương tiện vận chuyển than theo quy định; xây dựng ban hành quy định về tiêu chuẩn kho than; thường xuyên rà soát, củng cố, bổ sung (tường rào, hệ thống chiếu sáng, camera...) đảm bảo tiêu chuẩn tại các kho chứa than trong đơn vị" - ông Nguyễn Hoài Giang, Phó Giám đốc Công ty Kho vận Đá Bạc - TKV, cho biết.
Tập đoàn cũng duy trì công tác kiểm tra, giám sát chuyên đề về công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản tại các đơn vị; kịp thời chỉ ra những tồn tại hạn chế, kiến nghị các đơn vị liên quan khắc phục kịp thời.
Trong 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 9/5/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh”, Đảng ủy Than Quảng Ninh đã thực hiện 4 cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề đối với 11 cơ sở trực thuộc; 17 cuộc kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên than, khoáng sản, công tác môi trường đối với 22 lượt đơn vị.
Các đơn vị trực thuộc đã thực hiện 25 cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề và 85 cuộc kiểm tra, giám sát thường xuyên; cơ quan chuyên môn, đoàn thể chính trị - xã hội đã thực hiện 955 lượt kiểm tra, giám sát về bảo vệ tài nguyên, ranh giới mỏ, sản phẩm than.
Thông qua kết quả tự kiểm tra, giám sát, Đảng ủy Than Quảng Ninh và cấp ủy cơ sở đã xem xét thi hành kỷ luật 46 cán bộ, đảng viên vi phạm trong công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản, sản phẩm than, với các hình thức: Khiển trách 44, cảnh cáo 2.
Siết chặt quản lý các mỏ khai thác khoáng sản
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 61 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thuộc quyền cấp phép của UBND tỉnh. Hiện nay, các mỏ đã và đang được cấp phép, quản lý một cách chặt chẽ nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu ra cung cấp cho các đơn vị, dự án, công trình có nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Tài nguyên & Môi trường Quảng Ninh: Tính từ năm 2019 đến hết năm 2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã cấp 37 giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó cấp mới 29 giấy phép, gia hạn 6 giấy phép và chuyển nhượng quyền khai thác 2 giấy phép.
Sau cấp phép, quá trình khai thác của các mỏ được các đơn vị hoàn thiện thủ tục pháp lý có liên quan, tuân thủ các nội dung quy định trong giấy phép khai thác được cấp và các quy định của pháp luật; thực hiện thông báo công khai ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác, kế hoạch khai thác, giám đốc điều hành mỏ; nộp thiết kế mỏ, lập và cắm mốc khu vực khai thác, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản theo quy định.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị được cấp quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã tuân thủ đúng công suất, thiết kế khai thác, sử dụng công nghệ khai thác gắn với chế biến và sử dụng khoáng sản, như: Khai thác đá vôi được nghiền sàng ra các chủng loại đá phục vụ nhu cầu xây dựng; khai thác sét gắn liền với các nhà máy gạch ngói, thực hiện hoán đổi sét các nhà máy để sử dụng tiết kiệm, hợp lý, nâng cao hiệu quả.
Công tác thanh, kiểm tra đối với hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản nói chung và khoáng sản làm vật liệu xây dựng nói riêng được các cấp, các ngành triển khai thường xuyên, liên tục.
Tính từ ngày 1/1/2019 đến nay, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng tiến hành 84 cuộc kiểm tra đối với hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản làm vật liệu xây dựng, qua đó kịp thời phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính trên 4,5 tỷ đồng, thu hồi khối lượng vật liệu xây dựng có hành vi vi phạm với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng; đồng thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm, nâng cao vai trò quản lý nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện ở một số địa phương, nhận thức về tầm quan trọng của công tác quản lý khoáng sản, đất đai và bảo vệ môi trường chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn chưa thường xuyên, chưa sâu sát, thiếu kiểm tra, giám sát; các dự án đã cấp phép khai thác khoáng sản nhưng chậm đưa vào khai thác do khó khăn trong việc GPMB.
Trong hoạt động khai thác, chế biến đá một số đơn vị chưa chấp hành đầy đủ các biện pháp giảm thiểu bụi (chưa lắp đặt hệ thống phun sương dập bụi khu vực nghiền sàng, bố trí phương tiện tưới nước trên tuyến đường vận chuyển, thực hiện không đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường định kỳ theo quy định).
Tất cả những vấn đề tồn tại này đã được các cấp, các ngành nhìn nhận và đang có những giải pháp cấp thiết để khắc phục, nhằm quản lý, khai thác, sử dụng một cách hiệu quả nhất nguồn tài nguyên hữu hạn này, đảm bảo cho quá trình phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh.
Có thể bạn quan tâm