Bỏ áp dụng thuế suất 0%: Đã cân nhắc đến sức chịu đựng của doanh nghiệp
Khi Nhà nước ra một sắc lệnh thuế đã phải cân đối dưới mọi góc độ, Chính phủ cân nhắc đến sức chịu đựng của doanh nghiệp, lợi ích của nền kinh tế.
>>Nâng ngưỡng chịu thuế giúp hộ kinh doanh “nhanh lớn”
ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) trao đổi với DĐDN về việc bỏ áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với dịch vụ cung cấp cho khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất và thu hẹp phạm vi các dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%.
Một trong những nội dung của Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) đang gây lo ngại rất lớn trong cộng đồng doanh nghiệp chế xuất, đó là sẽ đánh thuế đối với hầu hết dịch vụ xuất khẩu, mà không cho phép hưởng thuế suất 0% như trước đây. Ông bình luận về vấn đề này như thế nào?
Khách quan nhìn nhận, doanh nghiệp nào cũng "e ngại” khi tăng thuế VAT, mặc dù đây là thuế gián thu nhưng cũng sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do nhà nước chỉ có nguồn thu từ thuế, nếu không thu thì không đủ chi, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị tăng lương thời gian tới.
Có một số chuyên gia kinh tế nước ngoài còn khuyến nghị Việt Nam cần phải tăng VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo tính toán của các chuyên gia, hiện nay ở Việt Nam thuế suất thu vẫn còn thấp vì chính sách ưu đãi để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Nhưng khi Việt Nam đã đạt mức thu nhập trung bình, nhất là khi đạt mức thu nhập trung bình cao thì thuế phải tăng khi đó Nhà nước mới có đủ nguồn để chi.
Còn về tâm lý của doanh nghiệp thì bản thân doanh nghiệp nào cũng mong muốn thuế 0%. Nhưng dưới góc độ quản lý nhà nước thì điều này là không thể vì Nhà nước phải cân đối vĩ mô.
Do đó, để doanh nghiệp yên tâm đầu tư kinh doanh thì Nhà nước cần tính toán và có chính sách động viên, tuyên truyền về vấn đề này. Còn về phía doanh nghiệp cũng phải ủng hộ nhà nước đối với chính sách thuế.
Xét ở góc độ tâm lý thì tất cả các doanh nghiệp đều mong muốn đóng thuế ở mức thấp nhất. Nhưng thuế là nguồn thu của Nhà nước, phải có nguồn thu từ thuế thì mới chăm lo được phúc lợi xã hội, quốc phòng, an ninh…
Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp việc không áp dụng thuế suất 0% làm tăng chi phí dịch vụ xuất khẩu, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài, qua đó làm tăng giá thành sản phẩm doanh nghiệp chế xuất giao cho Việt Nam gia công và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng gián tiếp về giá gia công, thưa ông?
Khi tăng thuế thì doanh nghiệp phải giảm các chi phí khác để cân bằng giá thành sản phẩm. Trong trường hợp này, nếu doanh nghiệp muốn tạo ra sức cạnh tranh và hấp dẫn nền kinh tế thì cần tìm ra các phương án để giảm giá thành, như chi phí điện năng, nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận chuyển, kho bãi…
Thuế chỉ là một thành tố cấu thành giá thành sản phẩm cùng với nguyên liệu đầu vào, chi phí quản lý, chi phí sản xuất, logistics, dịch vụ bán hàng… Thuế là chính sách của Nhà nước nên phải tuân thủ. Nếu doanh nghiệp muốn tạo sức cạnh tranh trên thị trường thì phải tiết giảm các chi phí khác. Mỗi doanh nghiệp phải tự giải bài toán tái cấu trúc nhằm giảm tối đa các chi phí khác làm tăng giá thành sản phẩm.
Ví dụ, nếu thuế tăng từ 5% đến 10% thì giá thành sản phẩm chỉ tăng 1% đến 2%, đây là kỹ năng quản lý của các doanh nghiệp, chúng ta không thể nói vì thuế tăng 10% mà giá thành sản phẩm cũng phải tăng 10%, như vậy sẽ không thể cạnh tranh được với các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường.
Khi Nhà nước ra một sắc lệnh thuế đã phải cân đối mọi góc độ, Quốc hội cũng có nhiều phiên thảo luận đa chiều. Mặc dù, đề xuất này vẫn chưa thông qua nhưng khi Chính phủ đã trình cũng đã có sự cân nhắc rất kỹ đến sự tác động, sức chịu đựng của doanh nghiệp, lợi ích của nền kinh tế…
>>Nguy cơ phá sản, doanh nghiệp xi măng đề xuất bãi bỏ thuế xuất khẩu
>>Áp thuế tiêu thụ đặc biệt như thế nào với bia rượu để đạt hiệu quả?
Tôi cho rằng, sẽ không có một quyết định nào khi nhà nước đưa ra mà lại gây thiệt hại cho nền kinh tế. Có thể doanh nghiệp của một ngành, lĩnh vực nào đó gặp khó khăn, thì doanh nghiệp phải chủ động tái cấu trúc. Còn tổng thể nền kinh tế được lợi từ chính sách tăng thuế thì Nhà nước mới tính toán tăng thuế.
Về vấn đề này, Quốc hội sẽ xem xét tại kỳ họp thứ 7. Nhưng dưới góc nhìn của một số chuyên gia kinh tế nước ngoài, họ đánh giá thuế của Việt Nam hiện nay vẫn còn thấp, thậm chí có những sắc thuế chưa đánh thuế như thuế carbon.
Thời gian tới, nếu Nhà nước yêu cầu đánh thuế carbon với những doanh nghiệp xả thải nhiều ra môi trường thì sẽ áp dụng theo tín chỉ carbon. Lúc đó giá thành sẽ cao hơn, khi đó các doanh nghiệp sẽ phải thay đổi công nghệ, dây chuyền, tiết giảm chi phí sản xuất…
Đó là còn đường duy nhất giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Nếu doanh nghiệp không thích ứng nhanh với các tiêu chí mới thì sẽ bị loại ra khỏi thị trường. Doanh nghiệp không thể mãi kỳ vọng Nhà nước không tăng thuế và nhận ưu đãi.
Vậy ông có khuyến cáo gì đối với doanh nghiệp và có đề xuất, kiến nghị gì với Nhà nước về việc bỏ áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%?
Doanh nghiệp phải giải được bài toán tiết giảm tối đa các chi phí đầu vào. Nhà nước trước đây ưu đãi thuế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Nhưng nếu kéo dài thì Nhà nước sẽ không có nguồn chi. Đây là bài toán vĩ mô, còn với doanh nghiệp là bài toán vi mô.
Do đó, việc tăng thuế là chính sách của Nhà nước, khi Nhà nước đưa ra chính sách thì đã có sự cân đối tổng thể của một nền kinh tế, không nhìn theo góc nhìn của một ngành. Vẫn biết, khi tăng thuế thì một ngành nào đó có thể bị ảnh hưởng, nhưng tổng thể của nền kinh tế, của quốc gia phải được lợi thì mới làm.
Khi đã là luật thì mọi thành phần kinh tế, người dân, doanh nghiệp phải tuân thủ. Còn trong quá trình tuân thủ, doanh nghiệp muốn tăng sức cạnh tranh thì bắt buộc phải tiết giảm chi phí sản xuất ở mức thấp nhất. Đây là con đường, xu thế phát triển đất nước.
Tại các nước phát triển, doanh nghiệp phải đóng thuế nhiều hơn chúng ta. Và, vừa để doanh nghiệp vẫn đủ sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời đất nước phát triển cao thì bản thân mỗi doanh nghiệp cần liên tục tạo ra các phát minh mới.
Khi điều kiện thay đổi, doanh nghiệp phải chủ động phân tích các mô hình, tình huống để thích ứng với sự thay đổi đó. Đây là quy luật phát triển của các doanh nghiệp trên toàn thế giới.
Đơn cử, biến đổi khí hậu làm tăng giá thành sản xuất thì doanh nghiệp phải biết ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều này đòi hỏi sự năng động của mỗi doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp phản ứng nhanh với sự thay đổi thì tồn tại và phát triển mạnh mẽ, còn ngược lại sẽ nhanh chóng bị đào thải. Đây là quy luật của mọi nền kinh tế.
Tuy nhiên, tôi cũng đề nghị Nhà nước hỗ trợ một số doanh nghiệp gặp khó khăn giai đoạn đầu khi mới tăng thuế, đồng thời đưa ra lộ trình áp dụng để doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị.
Trân trọng cảm ơn ông!
Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV và được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8. |
Có thể bạn quan tâm
Gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất: giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp
03:30, 21/06/2024
Chính sách thuế có đi ngược với động lực xuất khẩu?
14:29, 20/06/2024
Áp thuế tiêu thụ đặc biệt như thế nào với bia rượu để đạt hiệu quả?
04:30, 19/06/2024