EU vấp nhiều rào cản để kiềm chế năng lực công nghệ Trung Quốc

TRƯỜNG ĐẶNG 23/06/2024 03:00

Chiến lược của Liên minh châu Âu (EU) nhằm bảo vệ công nghệ tiên tiến của mình trước các đối thủ như Trung Quốc đang gặp khó khăn từ bước xây dựng.

EU vẫn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng chiến lược bảo vệ các công nghệ quan trọng

EU vẫn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng chiến lược bảo vệ các công nghệ quan trọng

Không có nhiều đột phá

Một năm sau khi ra mắt, Chiến lược An ninh Kinh tế của Ủy ban Châu Âu (EC) đang bị đình trệ do sự chia rẽ từ các nước thành viên.

>>Ngành ô tô châu Âu "nổi giận", EU sẽ đảo ngược chính sách thuế?

Tháng 6 năm 2023, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã đưa ra cam kết lớn về việc châu Âu phải bảo vệ công nghệ và nghiên cứu quan trọng khỏi các “thế lực không thân thiện” – một hàm ý hướng tới Trung Quốc. Nhưng cho tới nay, EU vẫn chưa tìm ra cách đối phó với đối thủ chiến lược chính của mình.

Điều đó được thể hiện rõ ràng qua những tài liệu nội bộ được Politico ghi nhận gần đây. Theo đó, các lãnh đạo thành viên trong khối vẫn đang loay hoay trong việc thúc đẩy các sáng kiến nhằm bảo vệ những đổi mới của châu Âu – đặc biệt là trong bốn công nghệ quan trọng nhất: chất bán dẫn tiên tiến, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và công nghệ sinh học.

Theo tài liệu đã được các đại sứ EU thảo luận tại cuộc họp vào ngày 19/6 vừa qua, EU có thể phải làm nhiều việc hơn nữa để duy trì động lực và nâng cao cách tiếp cận đối với an ninh kinh tế, đặc biệt là khi nói đến việc tăng cường sự gắn kết và phối hợp giữa các thành viên trong khối.

Chiến lược An ninh Kinh tế (ESS) của EC tìm cách ngăn chặn những nỗ lực của các quốc gia như Trung Quốc hoặc Nga nhằm xin, mượn hoặc đánh cắp công nghệ độc quyền. Theo lập luận của châu Âu, Bắc Kinh có kinh nghiệm trong việc bắt chước và phát triển công nghệ phương Tây để giờ đây thống trị các ngành công nghiệp tiên tiến, từ năng lượng tái tạo đến ô tô chạy bằng pin.

Sự chia rẽ về xây dựng các tiêu chí

Dù đầy tham vọng, nhưng bản cập nhật vào tháng 1 năm nay của SES bị các chuyên gia cho là thiếu các bước cụ thể, làm dấy lên lo ngại rằng sáng kiến này sẽ không còn tác dụng.

Các nhóm vận động hành lang cảnh báo rằng vấn đề thực sự của châu Âu không phải là bảo vệ tài sản trí tuệ của mình mà là nó đã tụt hậu so với Hoa Kỳ và Trung Quốc trong lĩnh vực đổi mới, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn tiên tiến và AI.

“Chúng tôi phải đảm bảo rằng các công ty công nghệ, trong toàn bộ chuỗi cung ứng, có thể ra đời, mở rộng quy mô và tồn tại ở châu Âu, được hỗ trợ bởi quan hệ đối tác với các quốc gia có cùng quan điểm”, nhóm vận động hành lang công nghệ Digital Europe và công ty tư vấn Frontier Economics cho biết trong một nghiên cứu mới công bố.

Việc Hungary sớm tiếp quản Hội đồng EU - chi nhánh liên chính phủ của khối - trong nhiệm kỳ sáu tháng cũng là một cột mốc khó khăn khác của bà Von der Leyen.

>>Đánh thuế xe điện Trung Quốc, châu Âu sẽ chịu thiệt?

Dù là thành viên EU, quốc gia này luôn mong muốn xây dựng mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc. Hungary cũng đã nhấn mạnh sự hoài nghi sâu sắc của mình đối với dự án này.

Dù vậy, dưới sự vận hành của Bỉ trong nhiệm kỳ này, cơ quan điều hành EU vẫn phải đối mặt với sự phản đối từ các quốc gia thành viên về việc ai sẽ là người quyết định cuối cùng và các quy định bổ sung mà họ có thể áp đặt đối với các doanh nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng ESS thiếu đi những bước cụ thể trong khi Trung Quốc đang tiến bộ quá nhanh

Các chuyên gia cho rằng ESS thiếu đi những bước cụ thể trong khi Trung Quốc đang tiến bộ quá nhanh

Để xoa dịu những lo ngại đó, EC đã đề xuất điều tra thêm các rủi ro bảo mật xung quanh bốn công nghệ ưu tiên, theo Politico. Cụ thể, các nước EU đã đồng ý với một đề xuất sẽ quy định dữ liệu nào mà các thành viên EU nên thu thập từ các bên liên quan, chẳng hạn như giao dịch nào sẽ được sàng lọc và trong khoảng thời gian nào?

Ngoài ra, các quốc gia cũng cảnh báo về việc thiếu các định nghĩa rõ ràng cũng như việc bảo vệ thông tin nhạy cảm cần được chia sẻ với cơ quan điều hành EU.

Trong số các sáng kiến của chiến lược, việc sàng lọc các khoản đầu tư ra nước ngoài là tế nhị nhất, vì về cơ bản nó sẽ ngăn chặn các nước EU sản xuất vi mạch tiên tiến hoặc công nghệ AI ở những địa điểm không đáng tin cậy như Trung Quốc.

Tài liệu nêu rõ rằng một số quốc gia đã nêu vấn đề quản lý Chiến lược An ninh Kinh tế trong các cuộc họp kín về đầu tư ra nước ngoài, cũng như việc thiếu dữ liệu sẵn có để theo dõi dòng đầu tư ra nước ngoài từ các nước châu Âu và thiếu một cơ sở pháp lý rõ ràng.

Và mặc dù công việc đã được giao ở cấp độ kỹ thuật trong Hội đồng EU để triển khai các sáng kiến khác trong chiến lược, nhưng việc giám sát các khoản đầu tư ra nước ngoài cần phải được phản ánh thêm.

Có thể bạn quan tâm

  • Nvidia cho thấy điều gì về tương lai kinh tế toàn cầu?

    Nvidia cho thấy điều gì về tương lai kinh tế toàn cầu?

    04:00, 20/06/2024

  • Doanh nghiệp toàn cầu lo ngại căng thẳng Trung Quốc - EU

    Doanh nghiệp toàn cầu lo ngại căng thẳng Trung Quốc - EU

    03:00, 20/06/2024

  • Ngành ô tô châu Âu

    Ngành ô tô châu Âu "nổi giận", EU sẽ đảo ngược chính sách thuế?

    03:00, 19/06/2024

  • Thị trường trung tâm dữ liệu: Thấy gì từ Malaysia?

    Thị trường trung tâm dữ liệu: Thấy gì từ Malaysia?

    04:00, 18/06/2024

  • Nhiều doanh nghiệp lạc quan thận trọng về kinh tế Trung Quốc

    Nhiều doanh nghiệp lạc quan thận trọng về kinh tế Trung Quốc

    03:30, 18/06/2024

TRƯỜNG ĐẶNG