Thái Bình: Tạo động lực thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ

HẢI NGÂN 23/06/2024 01:38

Sở Công thương Thái Bình cần lấy phát triển cảng biển, hệ thống dịch vụ logistics, dịch vụ du lịch và các dịch vụ khác tạo động lực thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ.

>>>Mục tiêu đầy tham vọng của tập đoàn Hàn Quốc tại Thái Bình

>>>Thái Bình: Cần khoảng 12 nghìn lao động có tay nghề

Tỉnh Thái Bình hiện có 15 siêu thị, 2 trung tâm thương mại

Tỉnh Thái Bình hiện có hơn 10 siêu thị, 2 trung tâm thương mại

Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình để thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ và cụm công nghiệp trên địa bàn.

Những năm qua, hệ thống hạ tầng thương mại của tỉnh Thái Bình như chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm logistics, mạng lưới của hàng xăng dầu được đầu tư tương đối đồng bộ, hiện đại. Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 10 siêu thị, 2 trung tâm thương mại đáp ứng nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp, tiểu thương và mua sắm tiêu dùng của người dân

Về phát triển cụm công nghiệp, hiện toàn tỉnh có 49 cụm công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích 2.722ha. Các cụm công nghiệp đã thu hút được 493 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 36.103 tỷ đồng, tăng 1,43 lần so với năm 2022, sử dụng 60.802 lao động.

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Thái Bình cho biết, thương mại, dịch vụ và quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện còn gặp nhiều khó khăn nên phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Để khắc phục khó khăn trên, ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình cho biết, phía Sở Công Thương Thái Bình cần bám sát Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để xác định rõ tầm nhìn, có giải pháp cụ thể phấn đấu mục tiêu tốc độ phát triển thương mại, dịch vụ giai đoạn 2025 – 2030 đạt 22%/năm. Đồng thời, lấy phát triển cảng biển, hệ thống dịch vụ logistics, dịch vụ du lịch và các dịch vụ khác tạo động lực thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ.

Ông Hưng cũng cho rằng, Sở Công Thương Thái Bình cần làm việc với các doanh nghiệp trong tỉnh và các tỉnh, thành phố để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ, chuỗi cung ứng hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng các FTA thế hệ mới để mở rộng thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, nâng cấp hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyến thống với thương mại hiện đại, phát triển thương mại điện tử, phát triển đầy đủ các ngành dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế.

Sở Công Thương cần chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác đầu tư hạ tầng, quản lý CCN theo quy định của pháp luật. Sớm cụ thể hóa quy hoạch về phát triển các trung tâm logistics và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này... Đồng thời, nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh Thái Bình ban hành những cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng hạ tầng thương mại và hạ tầng CCN.

Được biết, trong chiến lược phát triển lĩnh vực dịch vụ của tỉnh đến năm 2030, Thái Bình sẽ thành lập ít nhất 6 trung tâm dịch vụ logistics tại TP Thái Bình và các huyện: Thái Thụy, Tiền Hải, Hưng Hà, Kiến Xương, Quỳnh Phụ. Trong 6 năm tới, theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Thái Bình sẽ triển khai xây dựng mới ít nhất 42 siêu thị, 35 trung tâm thương mại. Ngoài ra, tỉnh còn quy hoạch xây dựng 1 trung tâm hội chợ triển lãm tại TP Thái Bình nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Cũng trong vòng 6 năm tới, tỉnh Thái Bình sẽ quy hoạch phát triển 24 CCN mới với tổng diện tích 1.674ha, nâng tổng số CCN trên địa bàn tỉnh lên 67 CCN với tổng diện tích khoảng 4.198ha. Đây được coi là khu vực phụ trợ cho các KCN, thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào hoạt động, tạo ra mạng lưới công nghiệp có tính liên kết chuỗi hoàn chỉnh, hiệu quả kinh tế cao.

Tỉnh Thái Bình hiện đang khuyến khích thu hút đầu tư mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới thương mại, phân phối hàng tiêu dùng

Tỉnh Thái Bình hiện đang khuyến khích thu hút đầu tư mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới thương mại, phân phối hàng tiêu dùng

Theo Sở Công Thương Thái Bình, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh Thái Bình quy hoạch và phương án phát triển CCN. Cụ thể, đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh có 67 CCN. Ngoài ra, để đưa lĩnh vực dịch vụ của Thái Bình bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới, phương án của tỉnh Thái Bình là khuyến khích thu hút đầu tư mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới thương mại, phân phối hàng tiêu dùng, cung cấp các dịch vụ tài chính, ngân hàng, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, phát triển thương mại điện tử. Tỉnh Thái Bình cũng chủ trương phát triển đồng bộ, đa dạng hệ thống hạ tầng thương mại, kết hợp giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại. Riêng hạ tầng thương mại khu vực thành thị được hiện đại hóa, áp dụng công nghệ số hóa trong quản lý, khai thác, vận hành…

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Luân - Chủ doanh nghiệp chiếu cói Thanh Long cho biết: “Việc tỉnh Thái Bình hiện đại hoá mạng lưới thương mại, phân phối hàng tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử sẽ tạo điều kiện rất nhiều cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Năm 2023, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh Thái Bình đạt hơn 69.000 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2022; 5 tháng năm 2024 đạt 32.600 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 2.604 triệu USD, tăng 6,1% so với năm 2022; 5 tháng năm 2024 đạt 1.046 triệu USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Có thể bạn quan tâm

  • Mục tiêu đầy tham vọng của tập đoàn Hàn Quốc tại Thái Bình

    Mục tiêu đầy tham vọng của tập đoàn Hàn Quốc tại Thái Bình

    01:00, 22/06/2024

  • Thái Bình: Cần khoảng 12 nghìn lao động có tay nghề

    Thái Bình: Cần khoảng 12 nghìn lao động có tay nghề

    17:23, 19/06/2024

  • Thái Bình: Phát triển thị trường bất động sản để hút các dự án công nghệ cao

    Thái Bình: Phát triển thị trường bất động sản để hút các dự án công nghệ cao

    16:35, 19/06/2024

HẢI NGÂN