Vụ 19 tấn hàng hoá xuất khẩu bị “bốc hơi”: Vì sao tiêu, điều vào “tầm ngắm”?

KHÔI NGUYÊN 23/06/2024 03:00

Lý giải vì sao kẻ gian lại nhắm đến mặt hàng như tiêu, điều để trộm cắp, doanh nghiệp cho rằng đó là mặt hàng có giá trị lớn, năm nay giá cao kỷ lục. Đồng thời lại khan hàng nên dễ dàng tiêu thụ…

>>19 tấn cà phê, hạt tiêu xuất khẩu nghi bị “rút ruột”: Chuyện gì đang xảy ra?

HIHIHH

Khối lượng hàng hoá bị mất của các doanh nghiệp hồ tiêu và cà phê. Ảnh: VPSA

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, những ngày qua, thông tin về 5 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, hạt tiêu đi các nước bỗng dưng bị “bốc hơi” đến gần 19 tấn hàng hoá vẫn đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cho biết, phiếu cân container có hàng tại nhà máy và phiếu cân hàng lúc vào cảng là trùng khớp. Do đó, doanh nghiệp nghi ngờ khả năng hàng bị mất trong lúc container hạ bãi chờ xuất khẩu. Các chứng từ liên quan khác cũng được doanh nghiệp cung cấp làm cơ sở để chứng minh hàng hóa được niêm phong và đảm bảo an toàn từ lúc hàng được đóng vào container tại nhà máy cho đến lúc container vào cảng.

Dựa trên các dữ liệu doanh nghiệp cung cấp, Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho rằng khối lượng bị mất chiếm từ 7-28% tổng lượng hàng, khả năng đều diễn ra ở cảng hạ của Cát Lái, trong lúc nằm chờ do tàu bị hoãn. Do đó, Cơ quan này đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn tăng cường chỉ đạo giám sát để đảm bảo an toàn hàng hóa cho doanh nghiệp lưu tại cảng. Bên cạnh đó, hiệp hội đề nghị nhà chức trách vào cuộc, làm việc với các bên liên quan để điều tra, có phương án đền bù thiệt hại nếu hàng bị thất thoát tại cảng.

Xung quanh câu chuyện này, lý giải vì sao các đối tượng trộm cắp lại nhắm đến mặt hàng tiêu, điều? Trên báo Thanh Niên dẫn lời ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) cho rằng, hiện nay các mặt hàng nông sản của Việt Nam đang tăng giá rất cao, hạt tiêu đang có giá cao kỷ lục, còn hạt điều năm nay cũng mất mùa, khiến giá bán tăng 40 - 50%, cà phê có hiện tượng tăng giá thần tốc, vượt mức cao nhất trong lịch sử. 

Mặt khác, nếu trộm cắp các mặt hàng quần áo, giày dép, lúa gạo… thì giá trị thấp, hàng hóa cồng kềnh, tiêu thụ khó khăn. Mặt hàng thủy sản, trái cây thì phải bảo quản trong container lạnh. “Còn đối với mặt hàng cà phê, hồ tiêu, hạt điều…, nguồn cung trong nước không còn nhiều, giá tăng cao nên chắc chắn rằng chỉ cần rút ruột được 15 - 20% số hàng hóa trong container thì kẻ trộm đã có được tài sản lớn, việc tiêu thụ hàng gian cũng dễ dàng vì nhu cầu thu mua nguyên liệu rất lớn", ông Bạch Khánh Nhựt nói.

Đối với tình trạng lừa đảo quốc tế, đã có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu là nạn nhân, tuy nhiên trong số các vụ việc gây chú ý nhất thì mặt hàng tiêu, điều vẫn là tâm điểm. Trao đổi thêm về vấn đề này, lãnh đạo VINACAS phân tích: "Mặt hàng hạt điều có giá trị rất cao, có nhu cầu tiêu thụ ở cả châu Mỹ, châu Âu, châu Á nên chỉ cần lừa đảo được 1 container hạt điều thì đã có hàng trăm ngàn USD. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến điều nhân xuất khẩu luôn chịu áp lực phải bán hàng ra để duy trì vòng vốn, việc mua bán lại phụ thuộc khá nhiều vào các đối tác môi giới, giao tiếp qua internet nên dễ dàng mắc lừa do tâm lý chủ quan, nôn nóng".

>>Hồ tiêu được đưa ra khỏi “luồng vàng” Hải quan

IHHII

Lượng hàng hóa, container tồn bãi ở cảng Cát Lái gần hết công suất

Bức xúc trước tình trạng này, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, Tổng giám đốc Công ty Long Sơn chia sẻ với báo chí: "Công ty tôi từng là nạn nhân của tình trạng "rút ruột" container, không phải một lần mà rất nhiều lần, đến mức hiện nay chúng tôi phải đầu tư một đội container của riêng mình để kéo điều nhân xuất khẩu, hạn chế nạn trộm cắp nói trên". Cũng theo ông Vũ Thái Sơn, mặt hàng tiêu, điều thường trở thành mục tiêu dòm ngó của kẻ gian, đồng thời là mục tiêu của các đối tượng lừa đảo quốc tế vì giá trị khá cao. 

"Đối với mặt hàng hạt điều, chỉ cần rút nửa container thì đã kiếm được 50.000 USD. Một điểm yếu khác là việc cân đối chiếu tại các cảng trong nước hiện nay cũng chỉ thực hiện một cách chiếu lệ chứ chưa phải cân chính xác thật sự. Nếu làm nghiêm ngặt việc cân trọng lượng thì kẻ gian muốn rút ruột phải chuẩn bị nhiều công cụ phức tạp hơn, ví dụ như phải dùng gạch đá, hoặc thùng nước để thay thế vào lượng hàng hóa rút ra", ông Vũ Thái Sơn chia sẻ.

Trở lại diễn biến vụ việc 19 tấn cà phê, hạt tiêu xuất khẩu của các doanh nghiệp nghi bị “rút ruột” tại cảng Cát Lái, theo thông tin mới nhất được biết, đại diện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã có buổi làm việc với Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) và một số doanh nghiệp liên quan.

Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp đã chia sẻ thông tin về các tình huống thất thoát hàng hóa trong quá trình xuất khẩu hồ tiêu, cà phê tới các quốc gia Ai Cập, Nhật Bản, Hàn Quốc… để các bên cùng nắm và phối hợp kiểm chứng, rà soát các quy trình. Phía Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết sẵn sàng phối hợp cùng các doanh nghiệp làm việc với các cơ quan thẩm quyền, đơn vị chức năng để tìm hiểu và xác minh các trường hợp thiếu hụt hàng hoá.

Kết thúc buổi làm việc, VPSA cùng các doanh nghiệp và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn thống nhất sẽ cùng nhau phối hợp để điều tra vụ việc đến cùng để bảo vệ uy tín cho Tân Cảng Sài Gòn nói riêng và của ngành Hàng hải Việt Nam nói chung. Đồng thời bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp xuất khẩu khi tin tưởng sử dụng dịch vụ của Tân Cảng Sài Gòn.

Có thể bạn quan tâm

  • 19 tấn cà phê, hạt tiêu xuất khẩu nghi bị “rút ruột”: Chuyện gì đang xảy ra?

    19 tấn cà phê, hạt tiêu xuất khẩu nghi bị “rút ruột”: Chuyện gì đang xảy ra?

    01:00, 14/06/2024

  • Xuất khẩu hồ tiêu giảm số lượng nhưng giá tăng mạnh

    Xuất khẩu hồ tiêu giảm số lượng nhưng giá tăng mạnh

    02:00, 07/05/2024

  • Nghịch lý “có tiền nhưng khó tiêu” nhìn từ sự ì ạch của gói hỗ trợ lãi suất 2%

    Nghịch lý “có tiền nhưng khó tiêu” nhìn từ sự ì ạch của gói hỗ trợ lãi suất 2%

    05:30, 18/10/2023

  • Xi măng vẫn khó tiêu thụ, HT1 sụt giảm lợi nhuận

    Xi măng vẫn khó tiêu thụ, HT1 sụt giảm lợi nhuận

    04:40, 26/07/2023

  • Gói 120.000 tỷ đồng: Tránh có tiền, khó tiêu

    Gói 120.000 tỷ đồng: Tránh có tiền, khó tiêu

    17:25, 23/05/2023

KHÔI NGUYÊN