Mỹ đang làm gì với ngành AI Trung Quốc?

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 24/06/2024 04:00

Mỹ vừa công bố dự luật cấm hoặc yêu cầu thông báo công khai về một số khoản đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) và các lĩnh vực công nghệ khác ở Trung Quốc có thể đe doạ an ninh Mỹ.

Trung Quốc đang nỗ lực tự chủ công nghệ bán dẫn

Trung Quốc đang nỗ lực tự chủ công nghệ bán dẫn.

>>“Cuộc chiến” chất bán dẫn

Cuộc cạnh tranh Trung Quốc - Mỹ đang “nóng” lên từng ngày. Gần đến giai đoạn tranh cử, ông Joe Biden càng tăng tốc kìm tỏa Trung Quốc - như một cách làm hài lòng cử tri.

Ngày 21/6 vừa qua, Nhà trắng tiếp tục ban hành dự thảo quy định cấm hoặc yêu cầu thông báo công khai về một số khoản đầu tư vào AI và các lĩnh vực công nghệ khác ở Trung Quốc - có thể đe dọa an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố các quy tắc áp đặt trách nhiệm lên các cá nhân và công ty Hoa Kỳ trong việc xác định giao dịch nào sẽ bị hạn chế hoặc bị cấm. Theo đó, một số khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào chất bán dẫn, vi điện tử, điện toán lượng tử và AI bị ngăn chặn không để Trung Quốc phát triển công nghệ tinh vi và thống trị thị trường toàn cầu.

Bên cạnh đó, một số khoản đầu tư được ngoại lệ “vì lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ”. Ví dụ, chứng khoán giao dịch công khai; một số khoản đầu tư hợp tác hữu hạn; mua lại quyền sở hữu của quốc gia liên quan; giao dịch giữa công ty mẹ Hoa Kỳ và công ty con được kiểm soát; các cam kết ràng buộc có trước ngày đặt hàng; và một số khoản tài trợ nhất định.

Dự luật này đang được gấp rút hoàn thiện để ban hành, có hiệu lực vào cuối năm nay, ban đầu tập trung vào Trung Quốc, Macao và Hồng Kông. Nhưng các quan chức Mỹ cho biết dự luật có thể được mở rộng sau đó.

Điều này có nghĩa, các công ty muốn đầu tư vào Trung Quốc phải tăng cường cảnh giác, phải tiến hành thẩm định kỹ càng hơn khi đầu tư vào Trung Quốc hoặc đầu tư vào các công ty Trung Quốc hoạt động trong các lĩnh vực được “khoanh vùng”.

Dự luật này cũng sẽ cấm một số khoản đầu tư của các công ty Hoa Kỳ vào các nước thứ ba; đồng thời hạn chế xuất khẩu một số công nghệ sang Trung Quốc. Những cá nhân, tổ chức vi phạm các quy tắc có thể phải chịu cả hình phạt hình sự và dân sự, và các khoản đầu tư có thể bị hủy bỏ.

Cỗ máy sản xuất chip do Mỹ và đồng minh nắm giữ

Cỗ máy sản xuất chip do Mỹ và đồng minh nắm giữ.

>>Vì sao Mỹ khó ngăn Trung Quốc phát triển sản xuất chất bán dẫn?

Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã làm việc với các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ về mục tiêu của các hạn chế đầu tư, đồng thời lưu ý rằng Ủy ban châu Âu và Vương quốc Anh đã bắt đầu xem xét liệu có nên giải quyết các rủi ro đầu tư ra nước ngoài bằng biện pháp tương tự?

Đây là động thái nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của bộ quy tắc dài 166 trang, ban hành vào tháng 3 năm nay. Thời điểm đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố “không thế lực nào có thể ngăn chặn sự phát triển khoa học và công nghệ của Trung Quốc”.

Lần này, sự mở rộng của bộ quy tắc gây thêm nguy hiểm với các nước thứ 3, rất có thể những mối quan hệ hợp tác với công ty bán dẫn Trung Quốc sẽ rơi vào tầm ngắm. Bắc Kinh kiểm soát 60% sản lượng kim loại gallium và 80% germanium toàn cầu, đây là nguồn nguyên liệu thô quan trọng của ngành bán dẫn. Nhưng mỹ và đồng minh nắm bí quyết công nghệ.

Phần mềm và thiết bị của Mỹ vốn là trọng tâm của ngành sản xuất chất bán dẫn toàn cầu, được các công ty Trung Quốc sử dụng rất nhiều. Nếu không có thiết bị của Mỹ, hầu hết các nhà sản xuất chip sẽ phải chịu chi phí sản xuất cao hơn trong khi hiệu suất lại giảm.

Có thể bạn quan tâm

  • Điều chưa biết về công nghiệp xe điện Trung Quốc

    Điều chưa biết về công nghiệp xe điện Trung Quốc

    04:00, 23/06/2024

  • EU vấp nhiều rào cản để kiềm chế năng lực công nghệ Trung Quốc

    EU vấp nhiều rào cản để kiềm chế năng lực công nghệ Trung Quốc

    03:00, 23/06/2024

  • Xe điện Trung Quốc khó giải

    Xe điện Trung Quốc khó giải "bài toán" ở phương Tây

    03:30, 21/06/2024

  • Trí tuệ nhân tạo có thể sa thải kỹ sư công nghệ?

    Trí tuệ nhân tạo có thể sa thải kỹ sư công nghệ?

    02:00, 23/10/2023

TRƯƠNG KHẮC TRÀ