Giải bài toán quy hoạch, dự án “treo”: Cần đảm bảo quyền lợi Nhà nước và người dân
Tình trạng quy hoạch "treo" và không ít nơi "treo bền vững", gây lãng phí nguồn lực xã hội, cản trở sự phát triển chung của đất nước, gây bức xúc trong dư luận, người dân "sống trong chờ đợi mỏi mòn".
>>TP HCM: Quy hoạch "treo" nhưng vẫn tiếp tục... "điều chỉnh, mở rộng"?
Đó là ý kiến của các chuyên gia với PV Diễn đàn Doanh nghiệp xoay quanh các giải pháp xử lý những tồn tại về quy hoạch "treo", đặc biệt là dự án đã có chủ trương, giao đất nhiều năm trên địa bàn TP.HCM nhưng không thực hiện, gây lãng phí nguồn lực xã hội và bức xúc dư luận.
Cương quyết thu hồi quy hoạch, dự án “treo”
Theo TS. Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM, có 2 tồn tại về quy hoạch treo, dự án treo. Trong đó, có những quy hoạch Nhà nước “treo” dân và dân tự “treo” chính mình. Tuy nhiên, đa số là Nhà nước “treo” dân vì trong thực hiện quy hoạch bị vướng nhiều tồn tại, trong đó có cả vấn đề định hướng, tầm nhìn dẫn đến quy hoạch treo, chưa thực hiện hoặc không thực hiện được.
Vấn đề thứ 2 là dân tự “treo” dân. Đơn cử, trong quy hoạch tại bán đảo Thanh Đa (Bình Thạnh), đây là quy hoạch mang tính tầm nhìn. Ở thời điểm thực hiện quy hoạch dân tại khu vực này khá thưa thớt, chỉ chiếm khoảng 10% dân số so với thời điểm hiện tại. Thế nhưng, do khâu quản lý, lực lượng mỏng nên không kiểm soát hết tình trạng mua bán, sang nhượng đất (đất nông nghiệp) bằng giấy viết tay nên xuất hiện nhiều công trình xây dựng nhà tạm. Về quy định, điều này không cho phép người dân xây dựng trên đất nông nghiệp, mà chỉ cho xây dựng, sửa chữa nhà ở đối với đất ở lâu dài, nhà hiện hữu đã xây dựng trước thời điểm quy hoạch. Thế nhưng người dân lại sang nhượng, mua bán bằng giấy tay nên những trường hợp này là dân tự “treo” dân.
Do đó, hy vọng đợt điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM lần này sẽ giải quyết được câu chuyện quy hoạch treo, dự án treo dai dẳng hàng chục năm qua. Song, TP cũng cần cương quyết loại bỏ dự án đã giao đất nhưng không thực hiện; chấm dứt chủ trương đầu tư, thu hồi các dự án thiếu khả thi và trễ kéo dài.
Cũng theo TS Thuận, thời gian qua, cơ quan chức năng đã công bố một số dự án quy hoạch "treo" được điều chỉnh, hủy bỏ. Điều này là cần thiết để bớt đi thiệt hại, lãng phí và tạo điều kiện thu hút chủ đầu tư khác, người dân sửa chữa nhà cửa, tách thửa hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Đặc biệt, hiện Luật Đất đai sửa đổi sắp có hiệu lực (dự kiến 1/8/2024), do đó, việc xác định nguyên tắc bồi thường theo giá thị trường hoặc sát giá thị trường là điểm thuận lợi để TP.HCM mạnh dạn thực hiện. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất. Việc ngưng tách thửa trong nhiều năm qua ảnh hưởng không nhỏ quyền lợi chính đáng của người dân nên cần sớm điều chỉnh Quyết định 60/2017 của UBND TP.HCM.
“Để khai thác nguồn lực đất đai cần phát huy vai trò của Trung tâm phát triển quỹ đất TP.HCM trong thời gian tới theo hướng thu hồi, bồi thường đất theo quy hoạch dự án được phê duyệt để tạo quỹ đất lớn nhằm thu hút đầu tư kỹ thuật công nghệ cao. Cương quyết thu hồi quy hoạch “treo”, dự án “treo” trên cơ sở vì mục tiêu chung, đảm bảo yếu tố Nhà nước và Nhân dân cùng có lợi”, TS Thuận nhấn mạnh.
>>Quy hoạch treo: Vì sao “nói mãi" nhưng không xử lý được?
Đảm bảo yếu tố Nhà nước và Nhân dân cùng có lợi
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Hải Vân – Giám đốc Giám đốc Công ty Luật TNHH ALC, Trọng tài viên – Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM cho rằng, quy hoạch cũng chính là cách chúng ta xây dựng chiến lược phát triển, bố trí sắp xếp các vấn đề trong đời sống xã hội. Mỗi nét trên bản vẽ sẽ trở thành cơ sở chính sách pháp lý đối với vị trí và quy mô cho các dự án được hình thành, công trình trên hiện trường sau này.
Đây cũng là hiệu ích còn lại cho thực thể vật chất, cụ thể là các dự án và công trình sau khi triển khai hoàn thành ảnh hưởng đến con người (người dân), kinh tế - xã hội, văn hóa lâu dài. Yếu tố quyết định sự thành, bại trong phạm vi rộng. Do đó, nếu làm tốt, sẽ bảo đảm tính khả thi, thu hút được nguồn lực, phát triển bền vững. Ngược lại, có thể gây lãng phí lớn, cản trở sự phát triển của TP.HCM nói chung và người dân, doanh nghiệp nói riêng.
Cũng theo Luật sư Vân, có thể nói, TP.HCM là đô thị lớn tập trung đông dân, là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, hoạt động nhiều lĩnh vực trọng điểm, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng và xã hội.
Vì vậy, việc thực hiện quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược để làm cơ sở quản lý, triển khai phục vụ phát triển. Nhưng mặt trái của những quy hoạch, dự án thiếu tính khả thi và "treo" kéo dài nếu không được hủy bỏ thì tổn thất không hề nhỏ. Một đồng tiền cho phát triển sẽ phải trả giá gấp nhiều lần cho đầu tư phát triển.
"Đặc biệt, thông tin quy hoạch dự án "treo" luôn được dư luận quan tâm. Do đó, người dân hy vọng lãnh đạo TP.HCM sẽ có hành động mạnh mẽ hơn, giải quyết hiệu quả vấn đề quy hoạch dự án "treo", nhất là khi TP đã có Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù. Bên cạnh đó, việc rà soát, cương quyết loại bỏ những quy hoạch dự án đã giao đất nhưng không thực hiện, chấm dứt chủ trương đầu tư, thu hồi các dự án thiếu khả thi và chậm trễ kéo dài cần phải triển khai quyết liệt”, Luật sư Vân nói.
Theo Luật sư Vân, sở dĩ phải làm vậy là để hạn chế tranh chấp, kiện tụng kéo dài giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền và ngược lại. Mặt khác, việc cương quyết xử lý các vi phạm này sẽ hạn chế tình trạng hoang hóa đất tại thành phố, góp phần lập lại trật tự kỷ cương trong đầu tư xây dựng phát triển, điều chỉnh giá trị đất cho những dự án có hiệu quả cao hơn với nhu cầu thật sự triển khai khẩn trương.
“Đã đến lúc xem xét lại khâu cán bộ thuộc bộ máy tham mưu, quản lý. Cần có đầu mối chịu trách nhiệm cụ thể trong công tác quản lý đối với việc lập, phê duyệt và triển khai quy hoạch dự án. Tránh cơ chế xin - cho, xé lẻ dự án khu dân cư gây ra manh mún, không đồng hạ tầng, xảy ra tranh chấp kéo dài vì chủ đầu tư nào cũng muốn giữ lại quy hoạch dự án. Vì vậy, trong công tác lập, phê duyệt quy hoạch dự án cần quy định chặt chẽ hơn, như buộc phải có sự phối hợp đồng bộ trong quản lý trên cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn, đặc biệt chứng minh được nguồn lực để tổ chức thực hiện và cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân trên tình thần Nhà nước và người dân cùng có lợi.
Có như vậy, TP.HCM mới thu hút được đầu tư, xã hội hóa và đồng bộ cơ sở hạ tầng, hạn chế chia cắt cục bộ và giải bài toán kinh tế cho quy hoạch dự án, nguồn vốn khả thi để phát triển bền vững”, Luật sư Vân nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Lâm Đồng công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
12:22, 23/06/2024
Cần sớm gỡ khó do quy hoạch treo ở vùng Đông Quảng Nam
02:00, 04/05/2024
Mua đất trong quy hoạch treo vì “giá mềm”: Sai 1 ly, đi 1 dặm
20:00, 19/12/2022
Khu dân cư khu 5 phường Bình Hàn, Hải Dương: Bao giờ mới hết quy hoạch treo?
10:00, 11/08/2022
Quy hoạch treo: Vì sao “nói mãi" nhưng không xử lý được?
03:00, 04/06/2022
Hệ lụy từ quy hoạch treo tại Bình Định: “Cái sảy nảy cái ung”?
04:00, 14/05/2021