“Giặc lửa” vẫn hoành hành: Xin đừng kéo dài “sợi dây” kinh nghiệm
Chưa bao giờ tình trạng hỏa hoạn lại xảy ra nhiều và gây hậu quả nghiêm trọng như thời gian gần đây. Đáng nói, nhiều bài học, giải pháp được đưa ra, nhưng chỉ một thời gian…đâu lại hoàn đó!
Theo báo cáo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), trong 6 tháng đầu năm 2024 tình hình cháy nổ trên toàn quốc đã ghi nhận nhiều vụ việc với thiệt hại đáng kể với tổng số vụ cháy là 2.395 vụ (tăng so với cùng kỳ năm 2023 với tổng số vụ cháy là 2.102 vụ), làm chết 39 người, bị thương 25 người, và gây thiệt hại tài sản ước tính khoảng 150 tỷ đồng. Và chỉ tính trong vài tháng gần đây, số vụ cháy liên quan đến các khu vực dân cư có tính chất ngày càng gia tăng gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Chỉ cách đây một tuần (ngày 16/6/2024), một vụ hoả hoạn nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn phường Định Công (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) khiến 4 người thiệt mạng, trong đó có 3 trẻ nhỏ. Điều khiến không ít người phải nhói lòng khi có nhiều nhân chứng kể lại, trước khi ngọn lửa bùng lên cao nuốt trọn căn nhà, họ vẫn nhìn thấy bàn tay nhỏ thò ra vẫy vẫy ở cửa sổ tầng cao và chiếc đèn pin huơ huơ cầu cứu. Nhưng không có phép màu nào xảy ra!
Từ vụ việc này để nhìn lại số liệu báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy, đằng sau những con số thống kê khô khan ấy là những mất mát không thể bù đắp, là những cuộc đời non nớt bị chấm dứt một cách oan uổng. Đó là những nỗi đau và sẽ là nỗi ám ảnh kéo dài.
Đáng nói, đây không phải là vụ hoả hoạn nghiêm trọng đầu tiên xảy ra tại Thủ đô Hà Nội. Chỉ trước đó chừng 3 tuần lễ, một thảm hoạ kinh hoàng đã xảy ra tại một nhà trọ ở phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội khiến 14 người tử vong và 3 người bị thương.
Tại sao thời gian qua, các cấp, ngành đã đề ra rất nhiều giải pháp và rút dài "sợi dây" kinh nghiệm, nhưng những vụ cháy gây thiệt hại lớn vẫn xảy ra? Phải chăng thực tế đã cho thấy sự thách thức về tính hiệu quả của các giải pháp phòng cháy, chữa cháy cũng như bất lực trước những đòn tấn công của “giặc lửa”!?
Trên diễn đàn Quốc hội mới đây, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn tỉnh Điện Biên) chỉ ra những vụ việc cháy nhà trọ vừa qua đã cho thấy lỗ hổng trong việc tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy và quản lý nhà nước có liên quan. Nước ta ngày càng đông dân, đô thị thì chật hẹp, nhiều người dân chưa có nhà ở, nhiều người từ nông thôn tới thành thị kiếm sống, học tập phải ở trong các khu nhà trọ thiếu tiện nghi, thiếu các phương án phòng cháy chữa cháy, thoát hiểm, cứu hộ, cứu nạn.
Đại biểu Tạ Thị Yên đặt vấn đề ở đây là trách nhiệm bảo vệ cuộc sống của người dân của các cấp chính quyền trong công tác quản lý đô thị, quản lý xây dựng, phòng cháy chữa cháy, kinh doanh nhà trọ… như thế nào để không bao giờ xảy ra những sự việc đau lòng như vừa qua nữa?!.
Còn theo Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, các cấp chính quyền phải có biện pháp “mạnh tay”. Đó là khi rà soát trên địa bàn mà cảm thấy có nguy cơ cao cháy nổ, đe dọa tính mạng người dân thì phải có yêu cầu lập tức về đảm bảo an toàn cháy nổ. Nếu nhà cửa xây theo kiểu không có lối thoát thì phải cưỡng chế, yêu cầu người dân bỏ ngay các vật cản, phải thiết kế thêm lối thoát.
Cùng với đó, phải đồng bộ các giải pháp ngắn hạn, dài hạn, những biện pháp kỹ thuật, biện pháp mang tính cưỡng bức bắt buộc mới không để xảy ra những vụ cháy thảm khốc như thời gian qua.
Có thể nói, đau thương, mất mát và những hệ lụy do “giặc lửa” gây ra vô cùng lớn và là điều không ai mong muốn. Thế nhưng, thực tế vẫn còn tâm lý chủ quan, xem công tác phòng, chống cháy nổ là của các cấp chính quyền, ngành chức năng. Khi cháy xảy ra thì rút kinh nghiệm, vào cuộc kiểm tra đôn đốc nhưng bẵng đi một thời gian thì đâu lại hoàn đó, như “ném đá ao bèo” và hệ quả để lại là khôn lường.
Suy cho cùng, nguy cơ cháy nổ vẫn luôn thường trực. Vì vậy, công tác phòng cháy chữa cháy cần đi vào thực chất hơn nữa, đề cao ý thức, trách nhiệm của cả các cấp, ngành và người dân, để không ai phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.