Khởi nghiệp ở Nghệ An – Bài 1: “Bệ đỡ” cho những doanh nhân trẻ!
Thắp lên ngọn lửa say mê khởi nghiệp trong giới trẻ, kiến tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi là nhiệm vụ trọng yếu được tỉnh Nghệ An thực hiện thường xuyên, liên tục…
Nhờ vậy, liên tiếp trong nhiều năm trở lại đây, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KN ĐMST) ở Nghệ An đã có những bước tiến thần tốc, phát triển vượt bật cả về chất lượng lẫn số lượng.
Những thành tựu bước đầu
Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Hữu Hòa – Trưởng phòng Trung tâm Thông tin KHCN và Tin học Nghệ An cho biết: Trong những năm qua, hệ sinh thái KN ĐMST Nghệ An đã được hình thành, xây dựng khá vững chắc. Phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, với sự hỗ trợ tham gia của tất cả các tổ chức chính trị, xã hội.
Một số kết quả nổi bật bước đầu, điển hình như: Nghệ An đã có Startup đạt giải Nhất Techfest Việt Nam ở các lĩnh vực trong 3 năm liên tiếp từ 2020 – 2022. Riêng năm 2023, có 3 startup đã lọt vào top 80. Bên cạnh đó, địa phương còn có nhiều startup khác kêu gọi được vốn từ quỹ trong nước và ngoài nước, tiêu biểu là Công ty Gostream gọi vốn 1 triệu USD từ Quỹ VinaCapital, Công ty Chanh Thiên Nhẫn thu hút 2 triệu USD từ Tập đoàn Sao Thái Dương.
Đáng chú ý, trong năm 2022, tỉnh Nghệ An vinh dự là 1 trong 3 địa phương có thành tích xuất sắc trên toàn quốc được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao tặng danh hiệu tốp 5 "Địa phương tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp năm 2022".
>>Vốn giá trị quyết định thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp
Còn về hoạt động thúc đẩy sự phát triển của các chủ thể trong hệ sinh thái và tính liên kết với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, Nghệ An cũng đã hình thành một số tổ chức hỗ trợ KN ĐMST, bao gồm: Trung tâm Nghiên cứu - Khởi nghiệp sáng tạo trực thuộc Trường Đại học Vinh, Công ty CP đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp Nghệ An, Trung tâm hỗ trợ KN ĐMST, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và nghiên cứu KHCN tại trường Trường CĐ KTCN Việt Nam - Hàn Quốc, CLB khởi nghiệp tại Trường cao đẳng nghề Việt Đức, CLB khởi nghiệp tại các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh và 4 CLB khởi nghiệp trong Trường Đại học Vinh.
Chưa kể, địa phương còn thành lập nên 2 quỹ đầu tư khởi nghiệp “thuần Việt”, bao gồm: Quỹ VSV-NA, với quy mô vốn là 7,2 tỷ đồng; Quỹ Thiên Minh Đức, với quy mô vốn là 1 triệu USD. Đồng thời, hình thành Vườm ươm khởi nghiệp Sông Lam và Chi hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Nghệ An trực thuộc VINASA vào tháng 10/2022. Mặt khác, tổ chức thành công 6 cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest), thu hút hơn 500 dự án, ý tưởng tham gia; trao giải cho 60 dự án khởi nghiệp xuất sắc và 31 ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng, nhiều dự án trong đó đã được các Quỹ đầu tư hỗ trợ vốn và chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp.
>>Các công ty khởi nghiệp xe điện gồng mình vượt qua khủng hoảng
Đáng nói, Nghệ An là một trong những tỉnh, thành phố của cả nước đi đầu trong việc kết nối được các quỹ trong và ngoài nước, tổ chức tốt các phiên kết nối cung - cầu công nghệ, tổ chức tốt các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng, chia sẻ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đào tạo ký năng thuyết trình, kêu gọi vốn cho các startup. Trong đó, đáng chú ý là việc ký kết thỏa thuận hợp tác với Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. Hay như thỏa thuận hợp tác với Viện Kinh tế Trung ương, với Thành phố Hồ Chí Minh và các tập đoàn kinh tế, công nghệ lớn trong nước (VNPT, Viettel, FPT,…).
“Cái nôi” khởi nghiệp cho doanh nhân
Thông qua một số thống kê đáng ghi nhận nêu trên, có thể thấy rõ thành quả bước đầu của Nghệ An khi tạo ra làn sóng KN ĐMST sôi nổi trên địa bàn, khơi dậy được tinh thần và phong trào khởi nghiệp trong cộng đồng giới trẻ.
Vào trung tuần tháng 6 vừa qua, PV Diễn Đàn Doanh nghiệp đã đến thăm quan và tìm hiểu một trong những mô hình khởi nghiệp điển hình trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đó là Công ty TNHH Mami Farm chuyên sản xuất, kinh doanh các dòng sản phẩm ngũ cốc dinh dưỡng của nữ doanh nhân trẻ Trần Thị Thu Hằng ở xã Nghi Mỹ, huyện Nghi Lộc.
Theo ghi nhận của PV, đến thời điểm hiện tại, mô hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp này có hệ thống phân phối rộng khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước; với hơn 500 thành viên, cộng tác viên. Về doanh số, mỗi tháng công ty sản xuất và bán ra thị trường hơn 20.000 sản phẩm ngũ cốc các loại, giá trị trung bình mỗi sản phẩm là 320.000 đồng; thu lợi nhuận lên đến hàng chục tỷ đồng/tháng.
>>13 startup Việt tham gia Hội chợ kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp ASEAN-Nhật Bản
Để có được thành quả đó, bà Trần Thị Thu Hằng – Giám đốc Công ty TNHH Mami Farm cho biết: Trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu, chúng tôi đã tìm ra được cho mình một mô hình riêng biệt, phù hợp với xu thế hiện đại. Cụ thể, mô hình kinh doanh của Mami Farm, đó là phát triển các kênh kinh doanh theo xu hướng 4.0, cộng tác viên chủ yếu tương tác qua môi trường thương mại điện tử và các trang mạng xã hội để đến tay người tiêu dùng.
“Mặt khác, được sự giúp đỡ, hỗ trợ tận tình từ Sở KH&CN tỉnh Nghệ An, thương hiệu Mami Farm đã ngày càng phát triển, cả về quy mô sản xuất và nhận diện thương hiệu. Thời gian mới thành lập, không ai biết đến thương hiệu chúng tôi cả, sau đó được Sở, Trung tâm Thông tin KHCN và Tin học Nghệ An hỗ trợ các đơn vị báo chí vào tham quan, tìm hiểu để viết bài để phát triển thương hiệu sản phẩm. Từ đó, tỷ lệ khách hàng của công ty mới được tăng lên, điều này kéo theo doanh số thu về được nhiều hơn.
Về nội dung này, ông Nguyễn Hữu Hòa - Trưởng phòng Trung tâm Thông tin KHCN và Tin học Nghệ An chia sẻ: “Đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp, bước đầu trung tâm đã đồng hành, hỗ trợ một số kết nối với chuyên gia đầu ngành về marketing, phát triển mô hình kinh doanh và chuyên môn. Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ về công tác truyền thông; trong đó, có nhiều kênh nhằm giúp các bạn tham gia các hoạt động, sự kiện về khởi nghiệp cũng như quảng bá, trưng bày các sản phẩm đặc trưng của mình trong và ngoài tỉnh”.
Cũng qua tìm hiểu được biết, không chỉ riêng doanh nghiệp nêu trên, những năm qua, Sở KH&CN tỉnh Nghệ An còn chủ động tham mưu kịp thời nhiều văn bản, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh; khuyến khích, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp thành công trên cơ sở các tài sản trí tuệ, các sáng chế, các sản phẩm nghiên cứu khoa học của mình…
Còn nữa
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An: Bất chấp “lệnh cấm”, doanh nghiệp vẫn triển khai thi công?
03:30, 14/06/2024
Doanh nghiệp Nghệ An liên tục dính “trát” do nợ thuế triền miên
13:00, 13/06/2024
"Vacxin" nào để tăng "đề kháng" vượt khó cho doanh nghiệp ở Nghệ An?
13:33, 12/06/2024
Giải bài toán “mất điện” mùa nắng nóng ở Nghệ An?
02:29, 09/06/2024
Sức bật lớn đưa Nghệ An lên vị thế mới
14:42, 07/06/2024