Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Cần bổ sung đầy đủ hành vi bị cấm
Nhằm tạo hành lang pháp lý toàn diện trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản, góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, một số ý kiến cho rằng, cần bổ sung đầy đủ các hành vi bị cấm...
>> Cân nhắc quy định về quyền ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản
Theo đó, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được đưa ra lấy ý kiến gồm 12 Chương với 117 Điều, tăng 1 Chương và 31 Điều. Đặc biệt, so với Luật Khoáng sản năm 2010, Dự thảo đã bổ sung nhiều quy định cụ thể về chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản; điều tra cơ bản về địa chất; điều tra địa chất về khoáng sản; hoạt động khoáng sản, thu hồi khoáng sản, chế biến khoáng sản; trách nhiệm quản lý Nhà nước về địa chất, khoáng sản…
Đáng nói, để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch; khắc phục các bất cập nhằm quản lý thống nhất lĩnh vực địa chất, khoáng sản; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản;... Dự thảo Luật đã bổ sung những hành vi bị cấm trong hoạt động địa chất, khoáng sản gồm: Lợi dụng điều tra địa chất, khoáng sản; hoạt động khoáng sản xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Lợi dụng hoạt động điều tra địa chất, thăm dò khoáng sản để khai thác tài nguyên địa chất, khoáng sản; Thực hiện điều tra địa chất, khoáng sản và hoạt động khoáng sản khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép;
Cung cấp trái pháp luật thông tin, dữ liệu điều tra địa chất, khoáng sản thuộc bí mật Nhà nước; Cản trở trái pháp luật hoạt động điều tra địa chất, khoáng sản và hoạt động khoáng sản; Cố ý hủy hoại mẫu vật địa chất, khoáng sản có giá trị, quý hiếm; Mang mẫu vật địa chất ra khỏi biên giới quốc gia khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; Khai thác cát biển tại vùng bờ cách đường bờ dưới 15km, có độ sâu trung bình dưới 5 mét so với mực nước triều cao trung bình nhiều năm trừ trường hợp nạo vét luồng hàng hải được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép; Các hành vi khác theo quy định của pháp luật.
Tán thành với sự cần thiết của các nội dung Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã đề xuất nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về khoáng sản, tuy nhiên, góp ý xây dựng, hoàn thiện Dự thảo, một số ý kiến đề nghị, rà soát các quy định của pháp luật để bổ sung đầy đủ, chi tiết hành vi cấm trong hoạt động địa chất, khoáng sản.
>> Không nên chia tách hoạt động chế biến với hoạt động khai thác
Theo đại biểu Trần Nhật Minh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, các hành vi bị cấm được quy định tại khoản 8 Điều 10 của Dự thảo Luật còn chung chung, không cụ thể. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung đầy đủ, chi tiết các hành vi cấm trong hoạt động địa chất và khoáng sản.
Bên cạnh đó, góp ý quy định về quản lý, bảo vệ khoáng sản tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, đại biểu cho rằng, Điều 35 của Dự thảo Luật quy định: “Chủ đầu tư lợi dụng việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác trái phép khoáng sản nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản”.
Quy định như trên là chưa đầy đủ, chưa tính đến việc khai thác làm thiệt hại nghiêm trọng lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường thiệt hại hay không? Hoặc trong trường hợp chủ đầu tư vi phạm pháp luật nghiêm trọng và hành vi đó cấu thành tội phạm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Do đó, đại biểu đề nghị cần rà soát để có quy định chặt chẽ hơn trong Dự thảo Luật về vấn đề này.
Cũng theo đại biểu Trần Nhật Minh, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản gồm 117 Điều, song có trên 50 Điều, khoản giao Chính phủ quy định chi tiết và một số điều khoản khác giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết. Về vấn đề này, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét, rà soát lại để hạn chế tối đa việc giao Chính phủ quy định chi tiết.
Ngoài vấn đề đã nêu, góp ý quy định về quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác (Điều 9), một số ý kiến đề xuất, cần xác định rõ khái niệm “địa phương” là cơ quan có thẩm quyền ở địa phương hay nhân dân địa phương nói chung để quy định phù hợp, tách bạch về quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân.
Như điểm d khoản 1 Điều 9 Dự thảo quy định: “Yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về địa chất, khoáng sản cung cấp hòm thư điện tử, số điện thoại hoặc địa chỉ tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản và góp ý, đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật về địa chất, khoáng sản”.
Quy định này cần xác định cụ thể cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về địa chất, khoáng sản là cơ quan nào? Trách nhiệm của các cơ quan đó phải cung cấp hòm thư điện tử, số điện thoại hoặc địa chỉ tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản để cộng đồng dân cư hộ gia đình, cá nhân góp ý,... ra sao?
Được biết, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Dự thảo Luật dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh: Tăng cường quản lý tài nguyên, khoáng sản
00:06, 22/06/2024
Cân nhắc quy định về quyền ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản
03:40, 20/06/2024
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Tránh xung đột pháp luật
00:06, 20/06/2024
Nên thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế
03:50, 18/06/2024
Cân nhắc quy định về ưu tiên nộp hồ sơ với doanh nghiệp đã thăm dò khoáng sản
03:50, 17/06/2024