Quảng Ninh: Bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản trên Vịnh Hạ Long
Ngoài bảo tồn những giá trị tiềm năng về phát triển kinh tế - xã hội, du lịch… Vịnh Hạ Long còn cần được tăng cường bảo vệ các nguồn lợi thủy hải sản, nhất là ở vùng lõi Vịnh.
>>>Hải Phòng: Nâng cao nhận thức về các quy định khai thác thuỷ sản
>>>Xuất khẩu thủy sản: Kỳ vọng bứt phá
Nguồn lợi dồi dào
Quảng Ninh có bờ biển dài 250 km, đường biên giới sông, biển giáp với Trung Quốc kéo dài 110 km, đường thủy nội địa dài 799,9 km. Đây là những điều kiện thuận lợi cho phát triển nghề khai thác thủy sản của tỉnh. Ở Quảng Ninh, các tàu thuyền chủ yếu vẫn là các tàu khai thác có công suất nhỏ, hoạt động với nhiều nghề khác nhau, đa dạng các chủng loại, hình thức, phương thức, trong đó, chủ yếu là các nghề như: chài chụp, lưới rê, lưới kéo, câu, nghề lồng bẫy…
Tính riêng Hạ Long, với diện tích khoảng 1.553 km2, là nơi hội tụ của gần 2.000 hòn đảo lớn nhỏ không chỉ tạo nên không gianz cảnh quan hùng vĩ cho Vịnh Hạ Long. Nơi đây còn là chỗ trú ẩn, sinh sống và phát triển của khoảng 1.151 loài động vật, trong đó có khoảng 300 loài động vật nhuyễn thể, 500 loài cá, 57 loài cua… Vịnh Hạ Long được đẩy mạnh nuôi trồng và khai thác các loài như bào ngư, hải sâm, sá sùng, tôm, cá, mực, bạch tuộc, sò huyết, trai và điệp nuôi lấy ngọc trai.
Theo thống kê, hiện trên Vịnh Hạ Long có khoảng 6 điểm nuôi trồng thủy sản trong vùng lõi với gần 60 hộ nuôi và 4 doanh nghiệp, tổng diện tích khoảng gần 100 ha. Bao gồm các khu vực như Vạ Giá thuộc quần thể đảo hang Trai; khu vực Vung Viêng - Cặp Bè thuộc quần thể đảo Vụng Hà; khu vực Cặp La thuộc quần thể đảo Cống Đỏ; khu vực Cống Đầm thuộc quần thể Cống Đầm; khu vực Cống Tầu và khu vực Vụng Chùa Đá (huyện Vân Đồn). Hiện TP Hạ Long có 510 tàu cá, trong đó có 172 tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 6m thuộc phân cấp quản lý của các xã, phường; 297 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m đến dưới 12m thuộc phân cấp quản lý của thành phố.
Anh Hoàng Mạnh Dương, Chủ tàu QN-0389.TS huyện Vân Đồn, phấn khởi chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, tàu của tôi đi biển khai thác được 5 chuyến, nói chung là thuận buồm xuôi gió. Tính trung bình sau mỗi chuyến đi biển, trừ đi tất cả chi phí, tôi lãi khoảng 50 triệu đồng. Ngư dân cũng thường xuyên hỗ trợ, tuyên truyền cho nhau về đánh bắt thế nào để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và không vi phạm vùng biển nước ngoài theo quy định của tỉnh và Việt Nam đã đề ra.”
Được biết, tính đến quý I năm 2024, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh ước đạt 40.792 tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, khai thác đạt trên 18.300 tấn, tăng 3,93%; thủy sản nuôi trồng đạt hơn 22.490 tấn, tăng 5,7%. Kết quả này minh chứng cụ thể đối với những nỗ lực trong duy trì mục tiêu tăng trưởng của tỉnh, trong đó thủy sản, lĩnh vực thế mạnh tiếp tục phát huy hiệu quả.
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã triển khai tích cực các hoạt động nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy hải sản theo hướng công nghiệp hiện đại để đạt năng suất cao, tiến tới phát triển kinh tế thủy hải sản bền vững gắn liền với bảo vệ nguồn lợi và môi trường biển như đã đề ra.
Mạnh tay xử lý
UBND tỉnh Quảng Ninh luôn quyết tâm bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, địa chất, địa mạo, môi trường sinh thái, đảm bảo không gian sống cho nguồn lợi thủy, hải sản vùng Vịnh Hạ Long. Trong công tác kiểm tra, xử lý cũng là các hoạt động được đặt lên hàng đầu.
Mới đây, lực lượng chức năng của TP Hạ Long liên tiếp kiểm tra, xử lý tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác thủy sản) trên địa bàn. Đồng thời, thắt chặt các biện pháp xử lý vi phạm nhằm răn đe làm gương cho các đối tượng khác.
UBND tỉnh Quảng Ninh xác định công tác phòng chống khai thác thủy hải sản là nhiệm vụ trọng tâm, là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, liên tục. Chính vì vậy, TP Hạ Long vẫn đang tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các lực lượng chức năng ra quân kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi khai thác thủy hải sản trái phép tại vùng vịnh.
Trong các đợt cao điểm ra quân kiểm tra, lực lượng chức năng đã triển khai tuần tra, xử lý, thu giữ, cấm lưu hành đối với tất cả các tàu cá vi phạm các lỗi như không đăng ký, không đăng kiểm, không có giấy phép khai thác thủy sản, giấy chứng nhận hay cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, còn có cả các hành vi không ghi, nộp nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản, sử dụng ngư cụ cấm khai thác, không chấp hành việc kiểm tra, kiểm soát khi tàu cập cảng, rời cảng… Các hành vi vi phạm đều bị xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự đối với các chủ tàu, thuyền trưởng tái phạm.
Theo đó, trong 3 tháng đầu năm 2024, TP Hạ Long đã xử lý 6 trường hợp vi phạm, đang hoàn thiện hồ sơ xử lý với tổng số tiền phạt khoảng trên 200 triệu đồng.
Không chỉ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm khai thác trái phép trên Vịnh Hạ Long, thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh và Kế hoạch 76/KH-UBND ngày 18/3/2024 về thực hiện chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đem lại những kết quả tích cực trong việc bảo về nguồn lợi thủy hải sản, đảm bảo vệ sinh môi trường xanh – sạch và sự đa dạng sinh học cho vùng. Kết quả đạt được trong quá trình triển khai, nhiều loài thủy hải sản đã quay trở lại trú ngụ, sinh sản, phát triển trong vùng Vịnh Hạ Long. Nhất là giai đoạn đầu năm 2024, cá heo – loài vật ưu sống ở những vùng nước sạch, nhiều nguồn thức ăn đã “trở lại” Vịnh. Đây là dấu hiệu minh chứng cho môi trường biển nơi đây đã được cải thiện rất tốt.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền ngày càng được đẩy mạnh để ngư dân hiểu, nắm rõ hơn các quy định của tỉnh. Các cơ quan chức năng đã thực hiện tuyên truyền trực tiếp cho người dân, hay thông qua báo đài, in ấn, tờ rơi… Đặc biệt, các buổi đối thoại, tập huấn kiến thức với ngư dân thường xuyên được diễn ra để các lực lượng chức năng thấu hiểu được tâm tư, giúp đỡ ngư dân đúng lúc, đúng chỗ.
Cùng với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, suốt nhiều năm qua, Quảng Ninh luôn đi đầu phát động các sở, ban ngành, địa phương, doanh nghiệp tham gia hoạt động thả giống thủy hải sản, tái tạo nguồn lợi thủy sản ở các vùng biển, hồ đập, sông suối… nhất là ở các khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long.
Ông Đỗ Đình Minh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết, hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản hàng năm được các cơ quan, đơn vị và đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn hưởng ứng mạnh mẽ; trung bình hàng năm thả trên 7,1 triệu con giống thủy sản các loại ra các thủy vực tự nhiên để khôi phục nguồn lợi và kết hợp giáo dục cộng đồng nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Việc tăng cường bảo vệ môi trường biển, tích cực tái tạo nguồn lợi thủy hải sản, chống đánh bắt bằng các hình thức tận diệt, hủy diệt, Quảng Ninh đã cho thấy được hướng đi đúng đắn trong công tác bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản tại địa phương. Đây là lĩnh vực có dư địa tăng trưởng tốt được ngành tập trung tăng tốc, phát triển đúng định hướng, loại dần những vùng nuôi trồng không đúng quy hoạch, khuyến khích các cơ sở nuôi trồng sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.
Có thể bạn quan tâm
Nuôi biển - trụ cột phát triển bền vững kinh tế thuỷ sản
04:30, 08/06/2024
Doanh nghiệp thuỷ sản cần ưu tiên sản phẩm giá trị gia tăng cao
03:00, 06/06/2024
Xuất khẩu tăng trưởng, doanh nghiệp ngành thủy sản khởi sắc
12:30, 15/05/2024
Gỡ “thẻ vàng” thuỷ sản: Không chỉ vì IUU, EC mà vì ngành thuỷ sản bền vững
03:00, 06/05/2024