Nam Định: Xây dựng phát huy quy chế dân chủ giữa người lao động và doanh nghiệp
Thời gian qua, các cấp ngành tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại các doanh nghiệp. Qua đó, phát huy quyền làm chủ của CNLĐ, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp.
>>>Nam Định: Xây dựng cầu vượt Ninh Cơ hơn 580 tỷ đồng
Nâng cao chất lượng
Thời gian qua, việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và giảm thiểu tình trạng tranh chấp lao động, nhằm thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Theo báo cáo tổng hợp, toàn tỉnh có 13.104 doanh nghiệp và 950 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký hoạt động với nhiều loại hình khác nhau. Thời gian qua, việc thực hiện QCDC ở cơ sở, những năm qua có trên 80% số doanh nghiệp xây dựng, ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở; trên 70% số doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập đủ điều kiện tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại định kỳ, đột xuất; trên 80% số doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết Thỏa ước lao động tập thể với nhiều nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.
Theo đại diện Công ty May Sông Hồng: Xác định thực hiện tốt QCDC ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định và tăng cường hoạt động sản xuất, kinh doanh nên nhiều năm nay Công ty luôn chủ động nâng cao chất lượng hoạt động thực hiện QCDC ở cơ sở, triển khai công việc tới các phòng ban, phân xưởng. Tổ chức thực hiện nghiêm QCDC với phương châm toàn diện, bám sát quy định của Đảng, Nhà nước, nội quy, quy chế của Công ty.
Nhằm chủ động triển khai các nội dung thực hiện QCDC cơ sở đề ra, hàng năm Ban Giám đốc Công ty đều phối hợp với tổ chức Công đoàn tiến hành hội nghị người lao động để công khai kết quả sản xuất, kinh doanh. Trong đó, việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quyền lợi khác đối với người lao động theo quy định của pháp luật; đồng thời quan tâm ý kiến đóng góp của cán bộ, công nhân viên.
Còn ông Đoàn Tiến Dũng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Công ty Cổ phần May Nam Hà cho biết, để thực hiện tốt QCDC ở cơ sở cần phát huy cao vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng; sự phối hợp vận động, tuyên truyền của tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, lực lượng quản lý các nhà máy, phân xưởng trực thuộc.
Cụ thể, Đảng bộ Công ty triển khai tốt công tác tuyên truyền, phổ biến tới đảng viên, người lao động các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hướng tới mục tiêu chung là duy trì ổn định và từng bước phát triển doanh nghiệp.
Lãnh đạo công ty phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội định kỳ công khai minh bạch tình hình sản xuất, kinh doanh; thỏa ước lao động tập thể; nội quy lao động; thang lương, bảng lương, định mức lao động; việc trích lập, sử dụng quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng; trích nộp kinh phí Công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; xét nâng lương, nâng bậc hàng năm.
Đặc biệt, từ nhiều năm nay, Công ty đã tiến hành nhất thể hóa các chức danh lãnh đạo, quản lý; cán bộ, người lao động thực hiện tốt khẩu hiệu “5 không”. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị từng bước phát triển; mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng duy trì từ 7-9 triệu đồng; hàng năm người lao động được nhận thêm tháng lương thứ 13 thưởng Tết, tháng lương thứ 14 tiền cổ tức.
Ngoài ra, Công ty luôn duy trì thực hiện 15 khoản phúc lợi cho người lao động như mua bảo hiểm tai nạn 24/24 giờ; trợ cấp cho người nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, gia đình có con từ trên 12 tháng đến dưới 72 tháng tuổi; trợ cấp cho người lao động có con bị khuyết tật bẩm sinh; tặng quà cho con người lao động đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, sinh viên xuất sắc…
Cần chú trọng hơn
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn quán triệt và thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phần lớn các doanh nghiệp, chi nhánh văn phòng trên địa bàn tỉnh đều thực hiện tốt QCDC ở cơ sở góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Trong đó hơn 70% các đơn vị tổ chức hội nghị dân chủ lồng ghép với hội nghị tổng kết hàng năm, số còn lại chủ động tổ chức các hội nghị riêng biệt để người lao động thoải mái nêu kiến nghị về các chế độ, chính sách, môi trường làm việc, bữa ăn ca… và được lãnh đạo doanh nghiệp ghi nhận, giải đáp kịp thời, giúp người lao động yên tâm sản xuất gắn bó với sự phát triển của doanh nghiệp.
Theo đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh: Để việc thực hiện QCDC tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, mang lại mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người sử dụng lao động và người lao động về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện QCDC ở cơ sở.
Tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc đảm bảo một số nguyên tắc như: thiện chí, hợp tác, trung thực, bình đẳng, công khai, minh bạch; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Cùng với đó, tổ chức Đảng, các cấp Công đoàn, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát việc thực hiện QCDC ở doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề bức xúc, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; chủ động tham mưu các chính sách chăm lo đời sống, an sinh cho người lao động và tổ chức sản xuất bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Thực tế hiện nay, thực hiện QCDC trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước, khu vực dân doanh, còn nhiều khó khăn. Có lúc, có nơi còn tình trạng vi phạm dân chủ, gây bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp. Ở một số nơi, trách nhiệm giám sát việc thực hiện QCDC của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở chưa phát huy hiệu quả. Công tác thanh, kiểm tra, giám sát không thường xuyên, liên tục và phủ khắp các doanh nghiệp; các chế tài về thực hiện QCDC còn hạn chế, không đủ sức răn đe. Các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn hầu hết chưa triển khai QCDC ở cơ sở.
Để QCDC ở cơ sở được thực hiện hiệu quả, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến doanh nghiệp và CNLĐ. Đồng thời, tập trung bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ công đoàn, hướng dẫn ban chấp hành công đoàn cơ sở chú trọng việc lấy ý kiến đoàn viên để đối thoại với đại diện người sử dụng lao động trong quá trình ký Thỏa ước lao động tập thể. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng, đặc biệt là ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tại các doanh nghiệp.
Qua đó yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương, nội quy, quy chế, Thỏa ước lao động tập thể, QCDC, tổ chức đối thoại, hội nghị người lao động và các vấn đề liên quan khác đến người lao động, từ đó nâng cao hiệu quả thực hiện QCDC ở cơ sở.
Có thể bạn quan tâm