Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển thương mại điện tử

TRUNG THÀNH 26/06/2024 00:15

Thời đại công nghệ số 4.0, cùng với sự phát triển như vũ bão của Internet, xu hướng kinh doanh thương mại điện tử đang trở thành một phổ cập của doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

>>>Nam Định: Quyết liệt xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật về đê điều

Nắm bắt cơ hội...

Theo ông Nguyễn Văn Mạnh - Giám đốc Công ty TMDV Toàn Mạnh: Thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng được biết đến như một phương thức kinh doanh hiệu quả từ khi Internet hình thành và phát triển. Hiện TMĐT và ứng dụng công nghệ thông tin là xu hướng phát triển chung của thương mại thế giới, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời và chính xác. Về phía người tiêu dùng, TMĐT tạo ra nhiều tiện ích trong việc mua sắm hàng hóa. Ranh giới giữa TMĐT và bán lẻ đang dần biến mất, thay vào đó TMĐT đang trở thành một phần tất yếu của thế giới bán lẻ với sự phổ biến của công nghệ thông tin.

Trước sự phát triển của TMĐT, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM) khi mua sắm trực tuyến cũng khởi sắc tích cực. Nắm bắt thời cơ đó, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Nam Định đã nhanh chóng nhập cuộc đẩy mạnh hỗ trợ phát triển TMĐT tại các doanh nghiệp và các hệ thống mua sắm, siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống.

Theo số liệu từ Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nam Định, trên địa bàn tỉnh số lượng thẻ ATM phát hành tăng nhanh với hơn 1 triệu thẻ ATM đã được phát hành, giá trị giao dịch thẻ tăng trưởng liên tục và ổn định. Hầu hết các ngân hàng đã tích hợp nhiều tính năng, ứng dụng thanh toán trực tuyến các dịch vụ như tiền điện, tiền nước, bảo hiểm, các dịch vụ viễn thông, giao thông, mua hàng trực tuyến, mua vé tàu, xe...

Thương mại điện tử (TMĐT) đang khẳng định vai trò của mình trong việc giúp doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng trên địa bàn tiếp cận dễ dàng hơn với các thông tin thị trường (Ảnh minh họa)

Thương mại điện tử đang khẳng định vai trò của mình trong việc giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn tiếp cận dễ dàng hơn với các thông tin thị trường (Ảnh minh họa)

Cơ sở hạ tầng thanh toán được đầu tư ngày càng hoàn thiện, đồng bộ giúp cho thanh toán không dùng tiền mặt phục vụ TMĐT ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn trong cuộc sống. Nhiều ngân hàng đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động thanh toán như áp dụng xác thực sinh trắc học, QR code, số hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc, sử dụng điện thoại thông minh làm thiết bị chấp nhận thanh toán… góp phần nâng cao độ an toàn, bảo mật giao dịch và đem lại sự tiện lợi, giảm chi phí nên đã được người tiêu dùng và các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ tích cực đón nhận.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định từ ngày 1/7/2024 chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt hoặc vân tay. Nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng và tổng số tiền chuyển các lần trong ngày không quá 20 triệu đồng thì xác thực bằng mã OTP, không cần xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.

Trên các trang TMĐT lớn như Shopee, Lazada, Tiki... số lượng khách hàng sử dụng phương thức thanh toán điện tử mua sắm thông qua ngân hàng ngày càng nhiều hơn, điển hình như sử dụng ví điện tử ApplePay, AirPay, chuyển khoản thông qua Mobile Banking giữa các ngân hàng để chi trả cho các hoạt động mua hàng.

Đồng thời, các sàn TMĐT cũng đang áp dụng nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi cho giao dịch thanh toán online, vì vậy thu hút được nhiều khách hàng hơn. Bên cạnh đó, một số sàn TMĐT còn bắt tay với các ngân hàng để cung cấp ra thị trường sản phẩm thẻ tín dụng đồng thương hiệu như: Tiki ra mắt thẻ tín dụng liên kết Sacombank Tiki Platinum; Shopee đã hợp tác với VPBank và Visa ra mắt thẻ tín dụng VPBank-Shopee.

Ngoài ra, nhằm hỗ trợ TMĐT phát triển, thời gian qua, hàng loạt các ngân hàng đều áp dụng chính sách “0 đồng” đối với phí dịch vụ chuyển tiền, giao dịch giữa các tài khoản ngân hàng như Techcombank, MBBank, Agribank, Vietinbank, TPBank... Không chỉ các sàn TMĐT, ngân hàng cũng hỗ trợ các cửa hàng, siêu thị trong sử dụng các dịch vụ ngân hàng để thanh toán các đơn hàng, giao dịch không dùng tiền mặt của các khách hàng. Khách hàng có thể mua hàng của nhiều trang TMĐT khác nhau mà không cần chuyển đổi giữa các ứng dụng.

Anh Nguyễn Tuấn Anh, chủ xưởng đồ gỗ mỹ nghệ Tuấn Hằng ở xóm 9 Tân Tiến, xã Hải Minh (Hải Hậu) cho biết: “Nhờ sử dụng TMĐT nên xưởng đã từng bước vượt qua khó khăn, ổn định được đơn hàng và duy trì sản xuất. Hiện tại, có tới 60% đơn hàng được đặt từ các kênh mua sắm trực tuyến trên Facebook, Zalo.

Mọi giao dịch của xưởng đều được thanh toán trực tuyến thuận tiện, nhanh chóng qua tài khoản Mobile Banking của ngân hàng”. Nhiều chủ cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng tham gia các sàn TMĐT sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại của ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh như: anh Đinh Văn Thuận ở xã Hải Đông (Hải Hậu) đã nắm bắt cơ hội, đưa các sản phẩm từ tổ yến đạt chuẩn OCOP của gia đình lên quảng bá, giới thiệu sản phẩm và giao dịch trên mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok và các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee, Tiki…

Trong đó, các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok đã giúp gia đình anh Thuận tiêu thụ sản phẩm mạnh nhất, chiếm khoảng 70%; các sàn thương mại điện tử chiếm khoảng 20%.

Cần chung tay hỗ trợ hơn nữa...

Theo Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh thời gian qua các doanh nghiệp của tỉnh cũng đã có nhiều nỗ lực ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở mình. Đến nay, các doanh nghiệp cũng đã xây dựng và sử dụng những phần mềm, tiện ích trong điều hành như: kế toán, quản lý nhân sự, quản lý bán hàng, xây dựng website (website hoặc trang thông tin điện tử) riêng để quảng bá, trao đổi thông tin và giao dịch trực tuyến… Tuy vậy, việc ứng dụng TMĐT trong các doanh nghiệp của tỉnh vẫn còn hạn chế, tỷ lệ doanh nghiệp có website và duy trì có hiệu quả website vẫn còn thấp, chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp lớn; nhiều doanh nghiệp chưa có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin và TMĐT…

Thương mại điện tử (TMĐT) đang trở thành một hình thái kinh doanh phổ cập của doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng (Ảnh minh họa)

Thương mại điện tử đang trở thành một hình thái kinh doanh phổ cập của doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng (Ảnh minh họa)

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 quy định về thanh toán không dùng tiền mặt. Nghị định chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 và được tin tưởng sẽ tiếp tục thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt hỗ trợ tốt hơn cho các hoạt động TMĐT của người dân và doanh nghiệp.

Thời gian tới, để đẩy mạnh TMĐT, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các mô hình thanh toán mới tại nông thôn gắn với việc xây dựng, triển khai Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, cũng như thúc đẩy thanh toán điện tử trong lĩnh vực hành chính công; đẩy mạnh áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại như QR code, thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc.

Các ngân hàng thương mại cần đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tài chính tiền tệ nhằm đa dạng hóa các kênh cung cấp sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; chú trọng mở rộng các kênh cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính đến khu vực nông thôn. Các tổ chức ngân hàng - tài chính cần đầu tư, ứng dụng các công nghệ, giải pháp mới để ngăn ngừa rủi ro an ninh mạng, bảo vệ bí mật khách hàng; cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện lợi, phù hợp với nhu cầu khách hàng.

Không ngừng hiện đại hoá hệ thống thanh toán điện tử của các ngân hàng để cung cấp các sản phẩm dịch vụ đa dạng, ngày càng thoả mãn tốt hơn các nhu cầu của khách hàng, giảm chi phí vận hành, tăng cường hiệu quả quản lý và tăng hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh dịch vụ thanh toán thẻ, thúc đẩy việc chuyển đổi thẻ chip, tạo thuận lợi cho việc kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng đa dạng sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích, thanh toán phi tiếp xúc và góp phần nâng cao tính an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán thẻ.

Thúc đẩy hợp tác các ngân hàng thương mại, các tổ chức trung gian thanh toán áp dụng. Coi trọng vai trò hợp tác ngân hàng - trung gian thanh toán, tận dụng nền tảng ngân hàng số, hệ sinh thái số do các trung tâm thanh toán tham gia phát triển.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Muốn đưa TMĐT trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong đại bộ phận các doanh nghiệp của tỉnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thời gian qua, các doanh nghiệp cần ứng dụng TMĐT góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh ở đơn vị mình. Theo đó, các doanh nghiệp cần được tư vấn về triển khai quy trình bán hàng trực tuyến, cách thức tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến, cách thức quảng bá, marketing hiệu quả cho sản phẩm của doanh nghiệp trên website…

Ngoài ra để phát triển TMĐT, không thể thiếu vai trò quản lý của các cơ quan, ban, ngành trong kiểm soát chất lượng hàng hóa trên các sàn TMĐT, kiên quyết kiểm tra, xử lý những sàn TMĐT bán hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc; tạo niềm tin và bảo vệ tốt quyền lợi người tiêu dùng, giúp khách hàng gắn bó và sử dụng thanh toán điện tử.

Có thể bạn quan tâm

  • Nam Định: Quyết liệt xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật về đê điều

    Nam Định: Quyết liệt xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật về đê điều

    00:06, 24/06/2024

  • Nam Định: Xây dựng cầu vượt Ninh Cơ hơn 580 tỷ đồng

    Nam Định: Xây dựng cầu vượt Ninh Cơ hơn 580 tỷ đồng

    06:55, 23/06/2024

  • Quyết tâm hoàn thành Dự án đường dây 500kV mạch 3 cung đoạn NMNĐ Nam Định I-Thanh Hóa trước ngày 30/6

    Quyết tâm hoàn thành Dự án đường dây 500kV mạch 3 cung đoạn NMNĐ Nam Định I-Thanh Hóa trước ngày 30/6

    21:40, 22/06/2024

TRUNG THÀNH