Đắk Nông: Thu hút đầu tư trên cơ sở 3 trụ cột kinh tế
Đắk Nông đã thu hút được trên 470 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 81.000 tỷ đồng. Vốn đầu tư nước ngoài FDI là 14 dự án, với tổng vốn đầu tư 17.700 tỷ đồng,...
Năm 2024, Đắk Nông tiếp tục thực hiện nhiều chính sách đồng bộ nhằm thu hút các dự án lớn, trong đó tập trung các dự án đầu tư trên cơ sở 03 trụ cột kinh tế: Phát triển công nghiệp Alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo; Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Phát triển du lịch. DĐDN có cuộc trao đổi với ông Trần Đình Ninh, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Nông xung quanh vấn đề này.
Theo ông Ninh, những năm qua, Đắk Nông đã thu hút được trên 470 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 81.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài FDI là 14 dự án, với tổng vốn đầu tư 17.700 tỷ đồng, chiếm 21,8% tổng vốn đăng ký; vốn đầu tư trong nước là 463 dự án với tổng vốn đầu tư là 63.300 tỷ đồng, chiếm 78,2% tổng vốn đăng ký.
- Ông nhìn nhận như thế nào về bức tranh thu hút đầu tư của Đắk Nông, khi năm 2024 tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại?
Bên cạnh những tác động tình hình thế giới do ảnh hưởng xung đột giữa Nga – Ukraine... Đắk Nông có những hạn chế khả năng canh tranh bởi, chồng lấn giữa các quy hoạch (khoáng sản bô - xít được kỳ vọng sẽ góp phần rất lớn vào sự phát triển của tỉnh, tuy nhiên, quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên phạm vi 5 huyện và thành phố chiếm khoảng 27% diện tích tự nhiên của tỉnh, dẫn đến có sự chồng lấn với quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch đô thị, quy hoạch một số khu du lịch….).
Mặt khác, chỉ tiêu sử dụng đất của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao chưa đáp ứng được nhu cầu thu hút các dự án có quy mô, giá trị đầu tư lớn. Cơ sở hạ tầng của tỉnh còn nhiều hạn chế, đặc biệt là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, đầu tư.
- Để hóa giải những khó khăn, thách thức Sở đã tham mưu tỉnh có những giải pháp mang tính đột phá như thế nào?
Sở đã tham mưu tỉnh sớm triển khai và hoàn thiện các quy hoạch liên quan đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và phù hợp với định hướng của quy hoạch chung của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, tập trung nghiên cứu các quy định, áp dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh công tác chuyển đổi số nhằm đơn giản hóa, rút ngắn thời gian, tạo thuận tiện hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp giải quyết TTHC.
Bên cạnh đó, trên cơ sở quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh tập trung, ưu tiên hoàn thiện các cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư một số dự án lớn thuộc các lĩnh vực: bô - xít, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch... Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, đa dạng hóa hình thức tương tác trực tuyến với nhà đầu tư. Qua đó hỗ trợ, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.
- Ngoài yếu tố về địa lý, hạ tầng giao thông thì cải cách TTHC là yếu tố "cần" thu hút các nhà đầu tư, thưa ông?
Để tránh tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, Sở hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thụ lý hồ sơ với các tổ chức, cá nhân thông qua việc dạng hóa cách thức nộp TTHC... Việc giải quyết TTHC trên các hệ thống được cụ thể hoá, tính theo giờ, thể hiện rõ quy trình từ khi tiếp nhận đến khi có kết quả cuối cùng, trong quá trình giải quyết hồ sơ, người dân có thể theo dõi kết quả xử lý hồ sơ... Hiện nay 100% giấy phép được thực hiện mức độ 4.
Đặc biệt, Sở rà soát, đánh giá, đơn giản hóa TTHC hằng năm, để đề xuất, kiến nghị cắt giảm TTHC rườm rà, không hợp lý,.. Đến nay, thời gian giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của Sở, đã được cắt giảm khoảng 30% theo quy định của TƯ. Ngoài ra, Sở tiếp nhận phản án kiến nghị thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, của tỉnh; đường dây nóng; qua các buổi cà phê doanh nhân do Sở tổ chức định kỳ 2 tuần/lần... (Sở bố trí một nơi độc lập, trong khuôn viên của sở làm nơi tiếp doanh nghiệp và tổ chức cà phê doanh nhân) góp phần tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm cán bộ công chức có hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh khi giải quyết TTHC...
- Việc huy động các nguồn lực và quản lý nguồn vốn, đảm bảo cân đối nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Sở. Xin ông chia sẻ về vấn đề này?
Nguồn vốn đầu tư công được tỉnh xác định là vốn mồi, đóng vai trò dẫn dắt, thu hút các nguồn lực khác để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Vì vậy, từ đầu năm, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, chỉ thị và các văn bản hướng dẫn triển khai kế hoạch đầu tư công. Trong năm, Sở thực hiện theo dõi, giám sát chi tiết tình hình triển khai từng dự án trên địa bàn...Đôn đốc các chủ đầu tư triển khai các biện pháp thúc đẩy giải ngân kế hoạch.
Mặt khác, Sở phối hợp với các ngành, các cấp tham mưu UBND tỉnh kiến nghị TƯ nhằm tranh thủ các nguồn vốn đầu tư từ TƯ cho tỉnh như nguồn vốn dự phòng hằng năm, nguồn vốn do Bộ ngành quản lý… Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các hình thức đầu tư khác như hợp tác công tư (PPP). Hiện nay, tỉnh đang được Chính phủ trình Quốc hội cho chủ trương đầu tư tuyến đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) theo hình thức PPP.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm