Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông: “Cầu nối” chính quyền - doanh nghiệp
Hiệp hội Doanh nghiệp Đắk Nông cùng chính quyền tiếp tục nỗ lực giúp doanh nghiệp trên địa bàn trụ vững, phát triển...
Năm 2024, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại. Với vai trò “ngôi nhà” chung, Hiệp hội Doanh nghiệp Đắk Nông cùng chính quyền tiếp tục nỗ lực giúp doanh nghiệp trên địa bàn trụ vững, phát triển...
Theo các chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2024 tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục giảm xuống 2,7% sẽ tác động không nhỏ đến chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam.
Khó khăn chất chồng
Ông Nguyễn Tri Kỷ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông (HHDN) cho biết: Trước những khó khăn chung của nền kinh tế cùng những thách thức doanh nghiệp Đắk Nông đang phải đối mặt khiến khó chồng khó. Cụ thể, từ quy hoạch tỉnh Đắk Nông cho thấy, phần lớn bao trùm bởi khoáng sản bô xít nên có rất ít quỹ đất sạch để phát triển nông nghiệp và du lịch, có nguy cơ phá vỡ kịch bản phát triển kinh tế…
Ngoài ra, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là siêu nhỏ, rất ít doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên các doanh nghiệp trên địa bàn luôn trong tình trạng thiếu vốn sản xuất, kinh doanh do ngân hàng thắt chặt tín dụng… Tình trạng hạn hán kéo dài trong lịch sử vào cuối 2023 đến 10/5/2024 làm cho các công trình thủy lợi, ao hồ cạn trơ đáy, khiến năng suất cây trồng giảm hơn 35%.
“Vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, nông sản dính dư lượng hóa học… đã làm phá vỡ định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, cà phê tăng phi mã khiến cho nhiều doanh nghiệp vỡ nợ vì không hình dung ra được quy luật cung cầu. “Tháng 12 hàng năm giá cà phê chỉ khoảng 45.000 đồng/ kg và giảm dần cho đến tháng 6 năm sau xuống khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên trong năm nay, giá cà phê tăng liên tục đến 130.000 đồng/kg vào tháng 4 làm cho những đơn hàng chốt bán khi giá cà phê 60.000-70.000 đồng/kg phải trả nợ cho doanh nghiệp nước ngoài theo giá thị trường, mất bình quân 50-70 triệu đồng/tấn, khiến doanh nghiệp thua lỗ từ vài tỷ đồng đến vài trăm tỷ đồng”, ông Kỷ cho biết.
Một yếu tố nữa là, hiện Đắk Nông chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu chủ lực, chỉ dẫn địa lý và mã vùng trồng ở quy mô lớn… trong khi thực thi Hiệp định chống phá rừng EUDR giai đoạn 2020 - 2026, đến nay chưa chuyển biến tích cực. Nguy cơ kiểm soát dư lượng hóa học trong nông sản sẽ chậm hơn Thái Lan và các nước, thiệt hại cho nền nông nghiệp là không nhỏ, doanh nghiệp rất khó phát triển.
“Ngôi nhà chung” của doanh nghiệp
Để hoá giải những khó khăn thách thức của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, ông Kỷ chia sẻ: HHDN vẫn duy trì “ ngôi nhà chung “ qua các chương trình cà phê doanh nhân thứ bẩy 2 lần/tháng do HHDN kết hợp cùng sở KH&ĐT tổ chức. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, chương trình đã giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. HHDN cũng kết hợp cùng Sở KH&ĐT đầu tư trang thiết bị để trình chiếu, quảng bá hình ảnh và sản phẩm cho doanh nghiệp hội viên, triển khai các văn bản, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tập huấn, tư vấn pháp luật, kết nối cung cầu- xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, HHDN đã cử đại diện ban thường trực tham gia vào ủy viên các tổ chức đoàn thể như: Hội Nông dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh phong trào hổ trợ hội viên “người Việt ưu tiên dùng hàng việt, hội viên ưu tiên sử dụng sản phẩm Hội viên”; thường xuyên chia sẻ và tuyên truyền các văn bản pháp luật, về tình hình thế giới, luật pháp xuất khẩu sang các nước… để doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin.
Đáng chú ý, chính quyền địa phương đã có sự quyết liệt trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp như: ưu đãi thuế sử dụng đất, gia hạn thời gian nộp thuế; chương trình hóa đơn may mắn; hỗ trợ hộ kinh doanh nộp thuế trực tuyến; thanh kiểm tra vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất, kinh doanh, ổn định dân sinh; tổ chức nhiều diễn đàn về nông nghiệp: phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ làm mã vùng trồng…
Tuy nhiên, theo ông Kỷ, những khó khăn trước mắt của doanh nghiệp là quá lớn, nếu không có sự quyết liệt và đồng bộ hơn nữa của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thì sẽ rất khó làm nên những câu chuyện đột phá trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản sạch, ổn định và phát triển bền vững, nâng cao giá trị nông sản… phù hợp với quy luật và yêu cầu của thế giới.
Bên cạnh đó, để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, tỉnh các bộ ngành TƯ cần có những văn bản bổ sung ưu tiên chia nhỏ gói thầu… đối với các dự án ở các tỉnh đặc biệt khó khăn để các doanh nghiệp trong tỉnh có cơ hội tham gia.
“Bởi hiện nay phần lớn các doanh nghiệp trong tỉnh là siêu nhỏ nên khi Luật Đấu thầu yêu cầu hồ sơ năng lực hoặc các gói thầu lớn… thì doanh nghiệp trong tỉnh không có cơ hội tham dự”, ông Kỷ cho hay.
Đồng thời, các sở ngành cần có sự phối hợp đồng bộ, liên kết chặt chẽ hơn để rút ngắn hơn thời gian giải quyết TTHC; nâng cao chất lượng cán bộ công chức chuyên trách; hỗ trợ đào tạo, tập huấn giúp nâng cao trình độ, năng lực quản trị cho doanh nghiệp siêu nhỏ; chú trọng phát triển nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường…
Có thể bạn quan tâm