Chìa khoá để đa dạng chuỗi cung ứng
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn kinh doanh 2024 “Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp”.
Với xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam trở thành một trong những điểm đến sản xuất của nhiều tập đoàn toàn cầu, việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất là cần thiết với doanh nghiệp Việt Nam.
>>26/06: Diễn đàn Kinh doanh: Đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp
Trao đổi với DĐDN, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhấn mạnh: hợp tác liên kết trong chuỗi cung ứng theo hướng nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ tiên tiến góp phần giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng hiệu quả, mở rộng thị trường xuất khẩu và khai thác tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
- Ông đánh giá thế nào về khả năng thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam trước cơ hội lớn này?
Xu hướng trong những năm gần đây cho thấy các doanh nghiệp, tập đoàn lớn ứng dụng công nghệ hiện ngày càng cao. Tại Việt Nam, trong giai đoạn từ 2021-2023, 63% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ ở mức độ trung bình. Trong những tới, 94% doanh nghiệp FDI dự định áp dụng công nghệ từ thấp đến rất cao. Do đó, khi tìm kiếm đối tác ở Việt Nam, mức độ đổi mới sáng tạo và sử dụng công nghệ hiện đại luôn là yếu tố hàng đầu. Chúng tôi cho rằng, việc tham gia vào chuỗi cung ứng, liên kết theo hướng R&D để tạo ra những công nghệ và giải pháp mới, chất lượng cao là cơ hội tốt giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng, mở rộng và phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu và khai thác tốt hơn lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tuy nhiên, để tận dụng được môi trường đầu tư cũng như xu thế coi Việt Nam là điểm đến sản xuất, xét ở cả hai góc độ vĩ mô và vi mô, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn.
- Cụ thể, đâu là những nội dung Việt Nam cần quan tâm đổi mới, thưa ông?
Nhìn ở góc độ các chỉ số so sánh, chúng ta thấy mức độ phức tạp của nền kinh tế Việt Nam chưa cao. Từ nền kinh tế có mức độ phức tạp được đánh giá là yếu từ 10 năm trước, đến nay, mức độ này được cải thiện, nâng lên xếp hạng trung bình. Tuy nhiên, mức độ đánh giá này vẫn còn chưa bằng các nước có trình độ tương đồng trong khu vực.
Mức độ phức tạp của nền kinh tế được quy định bởi trình độ công nghệ, đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nội địa nhưng hiện nay tỷ trọng này tại các doanh nghiệp còn thấp. Giá trị tăng thêm trong các ngành công nghiệp, đáng chú ý là ngành công nghiệp chế biến chế tạo đòi hỏi trình độ cao, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng còn thấp. Ví dụ, ngành dệt may phần giá trị tăng thêm có thể đạt được 50% nhưng ngành điện tử, máy móc thiết bị lại chưa đạt được con số như vậy. Những ngành sản xuất công nghệ cao, thiết bị thông minh chỉ đâu đó tham gia được khoảng 10%, đầu vào chủ yếu phải nhập khẩu từ các nước Đông Bắc Á, Trung Quốc phục vụ cho lắp ráp, chế tạo và xuất khẩu.
Thực trạng trên cho thấy dù có cơ hội nhưng việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng nhưng doanh nghiệp còn gặp không ít thách thức. Chúng ta có lợi thế về nguồn nhân lực nhưng chủ yếu bị hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chưa kể, cơ sở vật chất của các doanh nghiệp nội địa cần được nâng cấp để đáp ứng yêu cầu, bao gồm nhà xưởng, kho hàng, thiết bị máy móc, công nghệ cao và phương tiện vận chuyển. Một số doanh nghiệp gặp khó khăn với các tiêu chuẩn về xử lý chất thải môi trường, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô nhỏ không thể đầu tư vào hệ thống xử lý chất thải hiện đại.
- Từ góc độ doanh nghiệp, nguồn lực tài chính hạn chế là rào cản cho việc nâng cao năng lực đổi mới công nghệ, đầu tư hạ tầng, thưa ông?
Chúng ta đã có Quỹ hỗ trợ tín dụng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi công nghiệp phụ trợ nhưng quy mô tín dụng chưa lớn, khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp còn gặp không ít khó khăn. Theo phản ánh của doanh nghiệp, họ mất nhiều thời gian để thực hiện hồ sơ tiếp cận vốn tín dụng từ nguồn quỹ. Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy cần đổi mới để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi hiệu quả hơn; nguồn lực cần đủ “ra tấm ra món” để doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, đáp ứng các điều kiện của nhà sản xuất lớn thì mới có thể tham gia chuỗi cung ứng. Tiếp tục cải cách thủ tục, phê duyệt hồ sơ nhanh, kịp thời là cần thiết bởi đơn đặt hàng của doanh nghiệp nước ngoài yêu cầu đúng hạn, thời gian thực hiện từ 2-3 tháng để sản phẩm đáp ứng.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Thực hiện chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn kinh doanh 2024 “Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp”. Diễn đàn kinh doanh 2024 diễn ra từ 13h30 - 17h, thứ Tư, ngày 26/6/2024 tại Trung tâm hội nghị 37 Hùng Vương (Ba Đình, Hà Nội).
Có thể bạn quan tâm
Quản lý rủi ro chuỗi cung ứng bằng AI
10:00, 25/06/2024
Giải pháp tài chính chuỗi cung ứng dược bền vững
02:00, 23/06/2024
Xanh hóa chuỗi cung ứng - nên bắt đầu từ đâu?
10:40, 17/06/2024
Thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng xanh cho ngành logistics
00:37, 15/06/2024