Sửa Nghị định 132/2020: Cần nâng tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, góp ý Dự thảo sửa đổi Nghị định 132/2020, các chuyên gia cho rằng, cần xem xét đến giải pháp tăng tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay lên mức cao hơn.
>> Sửa đổi Nghị định 132 về giao dịch liên kết: Góc nhìn từ thông lệ quốc tế
Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 132/2020/NĐ-CP (Nghị định 132) quy định về Quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhằm chống chuyển giá đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Tuy nhiên, sau ba năm thực thi, Nghị định này đã bộc lộ nhiều bất cập. Trong đó phải kể đến quy định khống chế chi phí lãi vay chỉ ở mức 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ.
Cụ thể, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã vượt mức khống chế vay theo quy định này nên không thể mở rộng khả năng tiếp cận được vốn; hoặc nếu có thì phải cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế theo quy định tại Nghị định 132. Hệ quả, các doanh nghiệp bị giảm chi phí được trừ khi tính thuế và phải nộp thêm thuế.
Vì vậy, tại Nghị quyết 105 của Chính phủ vào tháng 7/2023, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi Nghị định 132. Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản lấy ý kiến các bộ, ban, ngành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định 132.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp thay vì gây thêm rào cản, góp ý Dự thảo sửa đổi Nghị định 132, các chuyên gia cho rằng, cần xem xét đến giải pháp tăng tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay lên mức cao hơn.
>> Bất cập Nghị định 132/2020: Cần sớm đẩy nhanh lộ trình sửa đổi
Nêu quan điểm về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy, CEO khoa Tài chính Ngân hàng, trường Đại học Nguyễn Trãi đề nghị, cần nâng mức khống chế chi phí lãi vay EBITDA (chỉ số phản ánh thu nhập trước khi trừ đi các khoản chi phí lãi vay, thuế và khấu hao) để hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo ông Huy, việc nâng tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay sẽ phù hợp hơn với tình hình thực tế của các doanh nghiệp trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay. Điều này giúp các doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính và có thêm cơ hội tái đầu tư.
“Nâng từ 30% lên 40% hoặc có thể lên 50%, việc này phụ thuộc vào mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường từng thời kỳ và tùy vào lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước cần thu hút vốn đầu tư trọng điểm”, ông Huy bày tỏ.
Đồng quan điểm, đại biểu Hà Sĩ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị cho rằng, mức khống chế trần lãi vay 30% chỉ hợp lý trong tình hình mặt bằng lãi suất ổn định ở mức trung bình thấp. Từ sau COVID-19, lãi suất cho vay cao khiến chi phí lãi vay của doanh nghiệp đã vượt mức khống chế này. Hệ quả là doanh nghiệp bị giảm chi phí được trừ khi tính thuế và phải nộp thêm thuế thu nhập doanh nghiệp, khiến khó chồng thêm khó.
"Do đó, cần xem xét đến giải pháp tăng tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay lên mức cao hơn để phù hợp với tình hình thực tế của các doanh nghiệp trong giai đoạn kinh tế hiện nay. Điều này giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính và có thêm cơ hội tái đầu tư", đại biểu Đồng chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề đã nêu, tại văn bản góp ý Dự thảo sửa đổi Nghị định 132 của Bộ Tài chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong trường hợp hai bên ngân hàng và doanh nghiệp đi vay có quan hệ điều hành, kiểm soát, góp vốn nhưng giao dịch cho vay với lãi suất phù hợp với mặt bằng chung của thị trường vẫn sẽ bị khống chế bởi ngưỡng 30%, điều này chưa phù hợp với mục tiêu cơ bản của Nghị định 132 là chống hành vi chuyển giá.
Với trường hợp trên, hai bên không hề có hành vi thay đổi “bóp méo” lãi suất (giá của giao dịch cho vay) nhằm mục đích chuyển giá mà giao dịch này vẫn tuân theo nguyên tắc giao dịch độc lập. Việc không cho tính phần chi phí lãi vay vượt quá 30% trong một giao dịch thỏa mãn nguyên tắc giao dịch độc lập là bất hợp lý.
“Do đó, cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi theo hướng cho phép các doanh nghiệp chứng minh giao dịch cho vay theo nguyên tắc giao dịch độc lập bằng cách kê khai và lập hồ sơ so sánh với các giao dịch cho vay khác và/hoặc với mặt bằng lãi suất trên thị trường. Trong trường hợp giao dịch này đúng nguyên tắc giao dịch độc lập thì doanh nghiệp được trừ toàn bộ chi phí tính thuế, kể cả trường hợp chi phí đó vượt mức trần 30%”, VCCI đề nghị
Có thể bạn quan tâm
Sửa đổi Nghị định 132 về giao dịch liên kết: Góc nhìn từ thông lệ quốc tế
12:35, 03/01/2024
Rút ngắn lộ trình sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP
01:00, 11/12/2023
Bất cập Nghị định 132/2020: Cần sớm đẩy nhanh lộ trình sửa đổi
04:00, 01/12/2023
Sửa Nghị định 132/2020: Cần lắng nghe và tháo gỡ kịp thời
04:00, 18/11/2023
Doanh nghiệp "đỏ mắt" chờ sửa Nghị định 132
03:00, 10/11/2023