Doanh nghiệp ngành đồ uống “đuối sức”

TUẤN VỸ 27/06/2024 00:20

Nhiều doanh nghiệp ngành đồ uống lâm cảnh đuối sức khi doanh thu liên tục sụt giảm từ những tác động tiêu cực của đại dịch chưa thuyên giảm cũng như các chính sách pháp luật.

>>Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, nước giải khát: Lợi bất cập hại

Mới đây nhất, Heineken Việt Nam đã có Công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam thông báo về việc dừng hoạt động nhà máy bia Heineken Quảng Nam từ ngày 12/6 để tìm giải pháp tối ưu cho tài sản. Theo báo cáo, những năm gần đây doanh thu liên tục sụt giảm, đồng thời trong 3 tháng đầu năm 2024 doanh nghiệp chỉ chỉ đóng cho ngân sách địa phương 33,4 tỷ đồng, đạt 5,8% dự toán.

Trong khi đó, giai đoạn trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, bình quân mỗi năm, nhà máy bia Heineken Quảng Nam đóng góp ngân sách địa phương từ 1.000 - 1.200 tỷ đồng. Về nguyên nhân, doanh nghiệp cho hay sau giai đoạn đại dịch, nền kinh tế nói chung, bao gồm ngành bia, đã đối mặt rất nhiều thách thức, dẫn đến sự sụt giảm niềm tin và nhu cầu của người tiêu dùng.

Cùng với đó là việc triển khai Nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng đã góp phần thay đổi hành vi, thói quen mới của người tiêu dùng. Theo ghi nhận chung,  thị trường bia Việt Nam đã sụt giảm liên tục doanh số. Vì vậy, doanh nghiệp này, quyết định tinh giản hoạt động, tạm dừng nhà máy tại Quảng Nam để tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh.

a

Heineken Việt Nam đã có thông báo về việc dừng hoạt động nhà máy bia Heineken Quảng Nam vào giữa tháng 6.

Không chỉ nhà máy Heineken tại Quảng Nam, hàng loạt doanh nghiệp ngành đồ uống cũng đã lâm cảnh “đuối sức” vì những khó khăn liền kề. Đến nay, các doanh nghiệp trong ngành đã cố gắng tìm mọi cách để vượt qua khó khăn bằng nhiều giải pháp để tăng sức chống chịu, ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động nhưng con số thiệt hại là quá lớn, .

Theo các số liệu, ngành đồ uống đã và đang ghi nhận sự giảm sụt mạnh từ doanh thu, lợi nhuận. Kéo theo đó là cả các hệ thống thương mại, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, vận tải, chuỗi cung ứng đầu vào,... đều ghi nhận chịu tác động gián tiếp cũng giảm khá cao từ 15-20%, một số chỉ tiêu thậm chí giảm tới 30-40%.

Sau hàng loạt khó khăn, thách thức, sức chống chịu của các doanh nghiệp đã ngày càng bị bào mòn. Nhiều đơn vị còn đưa ra nhận định sẽ khó tìm được cơ hội phục hồi và tăng trưởng trở lại như giai đoạn trước nếu không có những chính sách, giải pháp hỗ trợ mang tính đột phá của các cấp thẩm quyền để giải quyết được căn cơ những khó khăn ấy, tạo động lực để doanh nghiệp phục hồi.

Tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Bia –Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) trước đó, bà Nguyễn Thanh Thuỳ Linh - Giám đốc Pháp lý và Đối ngoại Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam đã cho rằng khi các doanh nghiệp khác đang được sự hỗ trợ của Chính phủ thì doanh nghiệp đồ uống lại nhận được chính sách định hướng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, định hướng điều chỉnh phát sinh thuế, phí bảo vệ môi trường,.. Cùng với đó, sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong việc siết chặt nồng độ cồn đã tạo ra một cú sốc rất lớn cho doanh nghiệp ngành bia.

Bà Linh cho rằng các việc trên đã dẫn đến hệ quả tất cả các doanh nghiệp ngành bia lâm cảnh hoang mang, không có sự phát triển vì không có sự ổn định. Cụ thể là không thể mở rộng nhà máy, phát triển sản phẩm mới,..

“Doanh nghiệp ngành bia là doanh nghiệp đóng thuế rất nhiều, trong lúc khó khăn nhất lại không nhận đc sự ủng hộ của chính sách. Cần có sự công bằng với tất cả các doanh nghiệp”, bà Linh nói.

Doanh nghiệp ngành đồ uống đang đối mặt với nhiều áp lực.

Doanh nghiệp ngành đồ uống đang đối mặt với nhiều áp lực.

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã công bố dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 5/2025. Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia theo lộ trình từ năm 2026 đến năm 2030, mức cao nhất có thể lên tới 100%.

Trong đó, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt  với mặt hàng bia. Phương án 1, tăng từ mức 65% của năm 2025 lên 70% năm 2026 và liên tiếp tăng thêm 5% mỗi năm lần lượt là 75%, 80%, 85%, 90% với các năm 2027, 2028, 2029 và 2030. Với phương án 2, đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia từ 65% năm 2025 lên thẳng 80% năm 2026, sau đó tiếp tục tăng 5% mỗi năm lên mức cao nhất là 100% vào năm 2030. Và mặt hàng rượu trên 20 độ cũng được đề xuất hai phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt giống với mặt hàng bia.

Dự thảo của Bộ Tài chính cũng đã khiến nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực lo lắng. Trước đó, các doanh nghiệp trong Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát đều mong muốn Quốc hội, Chính phủ các Bộ ngành lưu tâm, xem xét, cân nhắc và đánh giá các chính sách một cách hài hòa, phù hợp với điều kiện thực tế. 

Có thể bạn quan tâm

  • Có nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường?

    Có nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường?

    03:00, 15/06/2024

  • Thị trường ngành đồ uống Việt Nam và những dấu ấn trong công nghệ sản xuất

    Thị trường ngành đồ uống Việt Nam và những dấu ấn trong công nghệ sản xuất

    09:26, 17/04/2024

  • Kiểm soát đồ uống có đường - Chính sách thuế đóng vai trò quan trọng

    Kiểm soát đồ uống có đường - Chính sách thuế đóng vai trò quan trọng

    13:20, 05/04/2024

  • Áp lực lớn cho doanh nghiệp ngành đồ uống

    Áp lực lớn cho doanh nghiệp ngành đồ uống

    08:44, 19/03/2024

TUẤN VỸ