Petrodollars sụp đổ, USD sẽ suy yếu?
Khả năng không tiếp tục thoả thuận Petrodollars giữa Mỹ và Saudi Arabia sẽ là đòn giáng mạnh vào vị thế thống trị của USD trên thị trường dầu mỏ, đồng thời làm tăng tiến trình phi đô la hóa.
Petrodollars được ký ngày 8/6/1974, đã hết hạn, nhưng đến nay Mỹ và Saudi Arabia chưa có động thái nào tiến tới gia hạn thỏa thuận này.
>> "Hé lộ" kết cục bi thảm của làn sóng phi đô la hoá
Trật tự thế giới thay đổi
Cách đây đúng 50 năm, Mỹ và Saudi Arabia đã thỏa thuận Saudi Arabia - cường quốc dầu mỏ Tây Á, sẽ giao dịch dầu mỏ duy nhất bằng USD, và đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ. Đổi lại, Mỹ sẽ cung cấp các phương án an ninh, quốc phòng cho Saudi Arabia.
Vai trò lãnh đạo của Saudi Arabia trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trên thị trường dầu mỏ quốc tế, cộng với sức mạnh quân sự Mỹ đã tạo ra mạng lưới liên minh chi phối gần như mọi hoạt động kinh tế, thương mại toàn cầu trong suốt nửa thế kỷ qua.
Đặc trưng trong mối quan hệ này là sự thống trị tuyệt đối của USD trong hệ thống tiền tệ quốc tế. USD vừa đóng vai trò dự trữ, cho vay, vừa là đồng tiền giao dịch có hiệu lực mạnh nhất. Thuật ngữ “Petrodollars” ra đời từ đây.
Gần đây, nhiều quốc gia bắt đầu bất mãn với Petrodollars - không đơn thuần là giao dịch dầu mỏ. Việc nắm giữ đồng tiền quá mạnh là cơ sở để Mỹ thao túng toàn bộ hoạt động, dễ dàng áp đặt cấm vận với bất cứ quốc gia nào mà Mỹ cho là phương hại đến lợi ích của họ.
Sự phân cực hai hệ thống Đông - Tây, tình thế trỗi dậy của một số siêu cường mới đặt ra đòi hỏi phân chia lại trật tự quyền lực toàn cầu. Điều đó dĩ nhiên gắn với việc làm chủ hệ thống thanh toán, tài chính toàn cầu, ví dụ như đồng nhân dân tệ, đồng tiền chung khối BRICS.
>> Dầu mỏ đang lật đổ "đế chế" Petrodollars
Theo Chuyên gia kinh tế Pual Donovan của UBS, đang có một số thổi phồng trên thị trường. Những tiếng nói lo ngại chủ yếu được lan truyền để thu hút các nhà đầu tư tiền số, và trên thực tế thì quan hệ trao đổi tiền tệ giữa Saudi Arabia và Mỹ không có quá nhiều thay đổi.
Xu hướng phi đô la hóa
Trên thực tế, Mỹ và Saudi Arabia không còn mặn nồng như trước đây, rường cột mối quan hệ này đang bị sứt mẻ. Bằng chứng là Saudi Arabia đã bán dầu bằng đồng euro, ruble và nhân dân tệ. Nếu đồng tiền chung khối BRICS ra đời, thì mức độ phi đô la hóa trong giao dịch dầu mỏ có thể sẽ còn lớn hơn nữa.
Về tổng quan, sự thay đổi này gây ra xáo trộn không nhỏ cho hệ thống tài chính, tiền tệ, thương mại, đầu tư, nợ công, dự trữ,… trên phạm vi toàn cầu. Bởi vì, dầu mỏ vẫn là “mạch máu” kinh tế thế giới trong vài thập kỷ tới.
Ví dụ, các nước phải thay đổi cơ cấu dự trữ ngoại tệ, tăng tỷ trọng các đồng tiền khác như nhân dân tệ, euro… Dòng chảy thương mại, đầu tư toàn cầu cũng phải được điều chỉnh lại theo hướng hội tụ về quốc gia nắm đồng tiền được dùng giao dịch dầu mỏ.
Dĩ nhiên, thị trường dầu thế giới cũng biến thiên theo các nền kinh tế phát hành đồng tiền dùng trong mua bán năng lượng hóa thạch. Từ đó, quyền lực “mềm” sẽ quyết định phần lớn đến trật tự toàn cầu. Xu hướng này mạnh lên cũng có nghĩa giá trị đồng USD giảm xuống.
Tuy vậy, cũng có một hiện tượng khác đang hình thành. Đó là phong trào giảm và dần xóa bỏ việc sử dụng năng lượng hóa thạch trên phạm vi toàn thế giới. Có nghĩa rằng, đến khi đạt được “Netzero”, thì đồng tiền nào giao dịch dầu mỏ không còn quan trọng.
Vậy, bản vị mới sẽ là gì? Nhóm BRICS có ý định dùng đất hiếm và các khoáng sản chiến lược để làm “mỏ neo” cho đồng tiền chung của họ. Rõ ràng, những loại tài nguyên này đang quyết định đến sự thành bại trong kỷ nguyên kinh tế số, tiêu biểu là chip, chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).
Chúng ta có thể hình dung rằng, liên minh nào làm chủ chuỗi cung ứng bán dẫn, AI và hệ sinh thái kinh tế mới, sẽ có quyền đặt ra điều khoản giao dịch công nghệ này bằng đồng tiền của họ, y hệt như hệ thống Petrodollars. Vậy nên, không hẳn nhiên mà Mỹ và các đồng minh đang quyết liệt ngăn chặn Trung Quốc phát triển những công nghệ mới.
Song, sự sụp đổ của đế chế “đô la và dầu mỏ” không phải đơn giản. Những thỏa thuận mới ra đời hoặc mất đi luôn kèm theo cuộc chiến khốc liệt, có ý nghĩa minh định “thắng - thua” rõ ràng một cách thuyết phục.
Có thể bạn quan tâm
Nga- Trung "liên thủ" thách thức Petrodollars
02:30, 25/09/2022
Liên minh tài chính Nga - Trung: Thách thức “petrodollar”
05:28, 21/12/2021
BRICS tiến thêm "bước dài" thúc đẩy phi đô la hóa
04:00, 17/06/2024
Châu Á "loay hoay" tìm cách phi đô la hóa
04:00, 09/01/2024
Phong trào phi đô la hóa (Kỳ III): Ứng phó của Việt Nam
11:30, 03/07/2023
"Hé lộ" kết cục bi thảm của làn sóng phi đô la hoá
04:30, 02/07/2023
Phong trào phi đô la hóa (Kỳ II): Đồng USD sẽ ra sao?
03:30, 01/07/2023