Tuyên Quang: Đồng bộ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử
Tỉnh Tuyên Quang xác định dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai Chính phủ điện tử.
Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử là bước quan trọng xây dựng chính quyền số mà Tuyên Quang đang quyết liệt triển khai, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận dịch vụ mọi lúc, mọi nơi.
Tỉnh Tuyên Quang xác định dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai Chính phủ điện tử.
Công nghệ đi trước
Trong thời gian quak, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Các đơn vị, địa phương đã không ngừng nâng cấp hệ thống dịch vụ công cũng như chất lượng phục vụ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Cổng dịch vụ công tỉnh, các phần mềm dịch vụ công của địa phương thường xuyên được hoàn thiện với nhiều chức năng đáp ứng nhu cầu sử dụng của các tổ chức, cá nhân. Trang thiết bị được cung cấp đầy đủ để cán bộ tiếp nhận và trả kết quả thực hiện, người dân giám sát, tra cứu quá trình giải quyết thủ tục hành chính và đánh giá sự hài lòng về chất lượng dịch vụ. Nhờ đó, trong thời gian qua, số lượng hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng.
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.944 dịch vụ hành chính công được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Tuyên Quang phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, có 1.088 thủ tục được cung cấp dịch vụ công toàn trình, 495 thủ tục được cung cấp dịch vụ công một phần, 361 thủ tục là dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến. Tỷ lệ số hóa hồ sơ 3 tháng đầu năm 2024 đạt 19.297 hồ sơ, chiếm 95,4%, kết quả này của năm 2023 là 71.884, chiếm 80,5%. Tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết 3 tháng đầu năm 2024 là 13.899 hồ sơ, chiếm 68,5%, kết quả năm 2023 là 38.146, chiếm 52,9%.
Với quan điểm xuyên suốt “lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo hiệu quả công việc”, thời gian qua, tỉnh đã kịp thời công bố, công khai đầy đủ, chính xác các thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Đồng thời, đẩy nhanh thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định, hướng tới xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại và thân thiện.
Hiện tại, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã triển khai thực hiện niêm yết, công khai danh mục thủ tục hành chính bằng hình thức mã QRCode của 20/20 cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh việc triển khai thu phí, lệ phí tập trung bằng các hình thức thanh toán trực tiếp, trực tuyến, thanh toán bằng mã QR Pay. Bên cạnh đó, Trung tâm đã triển khai áp dụng ứng dụng Zalo trong giải quyết thủ tục hành chính. Người dân, doanh nghiệp có thể cập nhật việc tiếp nhận, thẩm định, ký duyệt hồ sơ và trạng thái đã trả kết quả qua Zalo...
Nâng cao chỉ số xếp hạng
Để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, UBND xã, phường, thị trấn đã và đang cải tiến quy trình tiếp nhận, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tại Bộ phận Một cửa các cấp theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ. Nhiều cơ quan đã thực hiện hình thức như: không tiếp nhận một số hồ sơ thủ tục hành chính trong một số ngày bằng bản giấy để phấn đấu 100% người dân, tổ chức lựa chọn và thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến đối với các thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.
Đồng bộ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử là yếu tố quyết định trong việc xác định, chấm điểm xếp hạng của tỉnh trong thực hiện Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ngay trong những tháng đầu năm 2024, xếp hạng của tỉnh đã có những thay đổi đáng kể. Nếu như 6 tháng đầu năm 2023, Tuyên Quang xếp thứ 59/63 địa phương; 6 tháng cuối năm 2023 đứng thứ 39/63; tháng 5/2024 Tuyên Quang đứng thứ 19/63 tỉnh thành phố...
Để đảm bảo tính bền vững trong bộ chỉ số này, hằng tháng, UBND tỉnh ban hành các văn bản công khai kết quả thực hiện của tỉnh đối với Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử. Đồng thời, căn cứ kết quả đánh giá để xem xét, đánh giá, xếp loại chất lượng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tuyên Quang, để đáp ứng được yêu cầu của tổ chức và cá nhân trong thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Trung tâm đã không ngừng nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, đường truyền, cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; tích hợp toàn bộ dữ liệu về thủ tục hành chính công lên phần mềm một cửa điện tử liên thông Cổng dịch vụ công trực tuyến để đáp ứng yêu cầu phục vụ hoạt động và triển khai thực hiện các giao dịch điện tử. Qua đó, góp phần bảo đảm tính chuyên nghiệp, minh bạch trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, hướng tới xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại và thân thiện.
Đưa vào hoạt động từ tháng 11/2021, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tuyên Quang đã khẳng định vai trò quan trọng trong nền hành chính phục vụ, tạo sự hài lòng nhất cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp. |
Có thể bạn quan tâm