TP.HCM: Đề nghị có cơ chế thưởng cho các dự án đầu tư công vượt tiến độ
TP.HCM đề xuất Thủ tướng cho phép TP áp dụng cơ chế thưởng cho các hợp đồng, dự án đầu tư công vượt tiến độ nhằm khuyến khích nhà thầu thi công 3 ca, 4 kíp để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
>>TP.HCM: Dự án Vành đai 2 tiếp tục lùi tiến độ
Đề nghị cơ chế thưởng
Cụ thể, ngày 27/6/2024, UBND TP.HCM có văn bản đề xuất Thủ tướng cho áp dụng cơ chế thưởng hợp đồng đối với các công trình trọng điểm trên địa bàn nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công.
Theo UBND TP.HCM, cơ chế thưởng hợp đồng là cần thiết để kết hợp với việc phạt hợp đồng, phạt chậm tiến độ nhằm thúc đẩy tiến độ thi công, giải ngân các dự án. Cơ chế thưởng hợp đồng tuy đã được pháp luật về xây dựng quy định, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể, đồng thời chưa xác định rõ nguồn tiền chi thưởng trong cơ cấu chi phí đầu tư xây dựng nên khó triển khai trong thực tế.
Nhằm khuyến khích các nhà thầu nâng cao tinh thần trách nhiệm, có giải pháp thúc đẩy, chủ động rút ngắn tiến độ thực hiện hợp đồng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15 năm 2023 quy định về thí điểm thưởng hợp đồng đối với gói thầu xây lắp thuộc các dự án giao thông trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, TP.HCM cho rằng, nghị định này chỉ quy định áp dụng thí điểm thưởng hợp đồng đối với gói thầu xây lắp thuộc các dự án giao thông trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Vì vậy, UBND TP.HCM cho rằng cần có cơ chế thưởng phù hợp đối với phần tiến độ thi công vượt kế hoạch đã được duyệt để tiếp tục khuyến khích các nhà thầu tích cực, chủ động tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp nhằm rút ngắn tiến độ thi công các dự án trọng điểm.
Đáng chú ý, trong văn bản kiến nghị, UBND TP.HCM cũng viện dẫn điểm d khoản 1 Điều 11 Nghị quyết số 98 năm 2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Theo đó, Thủ tướng xem xét ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thẩm quyền nhằm điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp giải quyết những bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý, phát triển thành phố.
>>Gỡ “nút thắt” VLXD cho các dự án đầu tư công trọng điểm phía Nam
Áp dụng cơ chế đặc thù để khuyến khích
Liên quan tới đề xuất của TP về chính sách khuyến khích các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thông qua cơ chế thưởng, chia sẻ với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lương Minh Phúc – Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (TCIP), cho rằng trong năm 2024, TP.HCM cần giải ngân 79.263 tỉ đồng vốn đầu tư công. Do đó, TP.HCM đặt mục tiêu đến quý 2 giải ngân đầu tư công từ 30% trở lên, quý 3 giải ngân từ 70% trở lên và quý 4 giải ngân trên 95%.
Và đây là một áp lực rất lớn cho chủ đầu tư cũng như các nhà thầu thi công trước bối cảnh nguồn VLXD khan hiếm và có khả năng chậm tiến độ do chính nguyên nhân này.
Theo ông Phúc, Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã quyết nghị: 05 quan điểm, 03 mục tiêu, chỉ tiêu, các chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách khác để hỗ trợ thực hiện Chương trình, phương án huy động nguồn lực, các cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án đầu tư thuộc Chương trình. Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm triển khai, cụ thể hóa các quyết sách tại Nghị quyết số 43/2022/QH15. Nghị quyết 11 quy định 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, phương án huy động và bố trí nguồn lực thực hiện từng nhiệm vụ, đồng thời đã xác định nhiệm vụ thực hiện theo lộ trình, thời hạn cụ thể. Như vậy, nếu áp dụng theo nghị quyết 43 thì không đủ điều kiện để thực hiện cơ chế khuyến khích nhà thầu đối với các dự án đầu tư công.
Vì vậy, nếu đề xuất của TP được Thủ tướng cho phép áp dụng chính sách đặc thù, đặc biệt là được áp dụng Nghị quyết 98 để khuyến khích các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ là rất khả thi.
Sở dĩ, theo ông Phúc, nếu như trước đây chỉ đơn thuần là áp lực của nhà thầu là phải đảm bảo tiến độ theo hợp đồng để giải ngân, thì việc có cơ chế khuyến khích thưởng vượt tiến độ sẽ tạo được động lực cho nhà thầu trong việc tăng cường nhân lực, ca kip, thậm chí là chủ động được nguồn VLXD dự trữ sẵn để đẩy nhanh tiến độ.
Cũng theo ông Phúc, nếu được Thủ tướng cho phép, trước tiên TP sẽ áp dụng thí điểm một số dự án trọng điểm, như: dự án đường vành đai 2 TP.HCM (đoạn 1 và đoạn 2), dự án đường vành đai 3, đường vành đai 4 trên địa bàn TP.HCM, cầu đường Nguyễn Khoái, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), rạch Xuyên Tâm, kênh Đôi, chỉnh trang chung cư Ngô Gia Tự và dự án trang thiết bị 3 bệnh viện cửa ngõ.
Có thể bạn quan tâm
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Không chuyển người dân vào khu tái định cư sân bay Long Thành
03:00, 25/04/2024
Tiến độ dự án bồi thường, tái định cư Sân bay Long Thành đã đạt gần 98,7%
12:23, 09/11/2023
Bộ GTVT: Giai đoạn khó khăn nhất của Dự án Sân bay Long Thành đã qua
12:04, 09/11/2023
Khơi thông nguồn vốn cho dự án sân bay Long Thành
08:49, 09/11/2023
Đề xuất kéo dài thời gian thực hiện dự án thu hồi đất, tái định cư sân bay Long Thành
09:10, 26/10/2023