Thêm một bước đi mới của Central Retail tại Việt Nam
Với việc khởi công xây dựng trung tâm thương mại thứ 43 tại Hưng Yên, nhá bán lẻ Thái Lan đang cho thấy những bước tiến mạnh mẽ trong tham vọng dẫn đầu tại Việt Nam.
>>>Chiến lược kinh doanh mới của Central Retail tại Việt Nam ra sao?
Theo đó, trung tâm thương mại của Central Retail rộng 1,6 ha mang tên GO! Hưng Yên, dự kiến sẽ khai trương vào năm 2025. Trung tâm thương mại này sẽ bán các đặc sản địa phương như nông sản, đồng thời bổ sung thêm hàng hóa từ Hưng Yên vào mạng lưới trung tâm mua sắm trên khắp Việt Nam, theo nhà bán lẻ Thái Lan.
Tính đến cuối năm 2023, Central Retail đang vận hành 133 cửa hàng và 39 trung tâm thương mại tại 42/63 địa phương của Việt Nam. Diện tích bán ròng tại Việt Nam đạt 354.913 m2, trong khi diện tích cho thuê ròng là 213.324 m2.
Cuối tháng 5 vừa qua, Central Retail đã công bố báo cáo tài chính Q1/2024. Theo đó, doanh thu của nhà bán lẻ Thái Lan đạt con số 400,6 triệu USD tại Việt Nam trong quý đầu tiên của năm 2024, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, con số này bao gồm 355,4 triệu USD từ sản phẩm thực phẩm, còn lại là doanh thu đến từ các sản phẩm thời trang, đồ gia dụng và điện tử.
Với kết quả này, Việt Nam đã trở thành thị trường lớn thứ hai của gã khổng lồ bán lẻ Thái Lan, chỉ sau thị trường nội địa với doanh thu 1,13 tỷ USD trong khoảng thời gian đầu năm 2024.
Như vậy, sau khoản đầu tư mới nhất với tổng trị giá 50 tỷ baht (34,6 nghìn tỷ đồng) trong quãng thời gian 5 năm, từ năm 2023 - 2027 để tăng tốc sự hiện diện của mình tại thị trường Việt Nam. Với việc khai trương ba chi nhánh trong năm nay và hoàn thành việc cải tạo các cửa hàng hàng đầu tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vào cuối năm 2025, Central Retail đã tiến thêm một bước trong kế hoạch tái khẳng định vị thế là nhà cung cấp trung tâm thương mại và đại siêu thị hàng đầu tại Việt Nam.
>>>Tham vọng của Central Pattana ở Việt Nam
>>>Có gì trong “kế hoạch 5 năm” của Central Retail ở Việt Nam?
Trong vài năm qua, những thay đổi trong hành vi của khách hàng đã làm thay đổi đáng kể môi trường bán lẻ tại Việt Nam. Sự chuyển đổi này được đẩy nhanh bởi đại dịch COVID-19, buộc các nhà kinh doanh bán lẻ phải thích nghi và đổi mới.
Những khoảng trống mà các cửa hàng bán lẻ nhỏ để lại do đại dịch, đã mang lại cho những người kinh doanh siêu thị một mảnh đất màu mỡ để phát triển kinh doanh và đẩy nhanh việc mở rộng. Với sự phát triển của các trung tâm mua sắm hiện đại và sự phổ biến ngày càng tăng của thương mại điện tử, các siêu thị đã có vị trí thuận lợi để tiếp cận các cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo các nghiên cứu cho thấy, ngành bán lẻ Việt Nam đang tăng trưởng nhanh. Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam được dự đoán sẽ tăng từ 246,65 tỷ USD vào năm 2023 lên 435,59 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 12,05%. Điều này thể hiện tiềm năng rất lớn của thị trường bán lẻ Việt Nam.
Trong đó, mảng siêu thị được coi là lựa chọn bán lẻ hấp dẫn tại Việt Nam với sản phẩm đa dạng, trải nghiệm khách hàng liền mạch và chất lượng sản phẩm được đảm bảo. Các siêu thị có một số lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ nhỏ hơn trên thị trường bán lẻ và liên tục đạt được hiệu quả bán hàng tích cực trong những năm gần đây.
Số liệu từ nhà nghiên cứu thị trường Euromonitor cho thấy, doanh số siêu thị năm 2023 ước đạt 110.234 tỷ đồng (4,5 tỷ USD), tăng 8,8% so với năm trước. Những số liệu này cũng cho thấy đã có sự thay đổi đáng kể trong hành vi của người tiêu dùng đối với việc mua hàng tạp hóa tại các nhà bán lẻ tạp hóa hiện đại.
Central Retail được biết đến là nhà bán lẻ lớn nhất của Thái Lan, họ đã từng bỏ ra hơn 1 tỷ USD để thâu tóm chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam nhiều trước đây. Ở thời điểm hiện tại, Central Retail là một trong những nhà bán lẻ đa lĩnh vực có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Kế hoạch và tham vọng của gã khổng lồ bán lẻ Thái Lan là trở thành nhà bán lẻ thực phẩm đa kênh số 1 và số 2 về số lượng trung tâm mua sắm tại Việt Nam vào năm 2027.
Tuy nhiên, “cuộc chơi” trung tâm thương mại và đại siêu thị tại Việt Nam không chỉ có Central Retail. Các tập đoàn lớn của nước ngoài và những nhà bán lẻ nội địa của Việt Nam cũng đang tập trung sức mạnh để mở rộng và chiếm lĩnh thị trường. Bên cạnh các nhà bán lẻ nước ngoài như Central Retail, AEON, còn có một số nhà bán lẻ nội địa có tiềm lực lớn của Việt Nam trong thời gian qua đang nổi lên như những thế lực đáng gờm bao gồm Saigon Co.op, WinCommerce, Nova Consumer.
Nhìn chung, Việt Nam với dân số gần 100 triệu dân, được xếp vào nhóm các quốc gia có tầng lớp trung lưu tăng trưởng mạnh và tốc độ đô thị hóa nhanh. Đây là thời điểm vàng để các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam, đặc biệt là mảng siêu thị. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu, người chơi nào có thể quản lý được những thách thức thực tế về hậu cần và phân phối, người đó có thể sẽ giành chiến thắng.
Có thể bạn quan tâm