Giải bài toán bảo vệ môi trường trong thương mại điện tử
Để thương mại điện tử phát triển bền vững, giảm tác động tiêu cực đến môi trường, theo chuyên gia, cần có sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghệp và người dân.
>> Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử
Thực tế trong những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16-30%. Mức tăng trưởng này được dự đoán sẽ tiếp tục bùng nổ trong những năm tới và sẽ cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên, sự phát triển của thương mại điện tử dẫn đến gia tăng nhanh chóng trong việc sản xuất, tiêu thụ các loại bao bì, gồm cả các sản phẩm nhựa, dẫn đến một lượng lớn chất thải nhựa ra môi trường.
Theo báo cáo chất thải nhựa bao bì từ thương mại điện tử tại Việt Nam, quy mô thị trường bán lẻ hàng hóa trực tuyến năm 2023 của Việt Nam ước tính khoảng 17,3 tỷ USD với tổng số gói, kiện hàng hoá là 1,84 tỷ USD. Đồng thời, quy mô của dịch vụ gọi đồ ăn công nghệ ước đạt trên 1,4 tỷ USD.
Hơn nữa, ước tính năm 2023, thương mại điện tử ở Việt Nam sử dụng 332 nghìn tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là 171 nghìn tấn. Như vậy, quy mô sử dụng bao bì với thành phần vật liệu, dụng cụ nhựa trong đóng gói rất cao. Với tốc độ tăng trưởng trên 25% mỗi năm thì đến năm 2030, lượng rác thải nhựa từ thương mại điện tử sẽ lên tới 800 nghìn tấn.
Có thể thấy, quy mô sử dụng bao bì với thành phần vật liệu, dụng cụ nhựa trong đóng gói rất cao. Các loại bao bì thường được sử dụng trong thương mại điện tử gồm hộp carton, bao bì nhựa, màng xốp hơi. Đây đều là những bao bì khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường.
Đáng nói, các nhà bán hàng trực tuyến thường đóng gói bao bì nhiều hơn mức cần thiết bởi tâm lý muốn hàng hóa đến tay người mua trong tình trạng hoàn hảo nhất. Vì thế, các hàng hóa thường được bọc hai đến ba lớp giấy và bao nilong, được chèn thêm màng xốp hơi trước khi đặt vào hộp. Với những sản phẩm dễ vỡ như thủy tinh, đồ sứ, người bán thường đóng gói rất nhiều lớp, chèn thêm xốp, càng làm tăng lượng rác thải.
>> Quản lý thương mại điện tử đối với hoạt động xuất nhập khẩu
Trước thực trạng nêu trên, để phát triển thương mại điện tử bền vững, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng, cần 6 nhóm đối tượng tham gia trực tiếp vào giảm rác thải nhựa: khối cơ quan quản lý Nhà nước; người tiêu dùng; doanh nghiệp thương mại điện tử, logistics, hoàn tất đơn hàng; cơ quan truyền thông, báo chí; hiệp hội, ngành hàng và các tổ chức xã hội nghề nghiệp cùng các đơn vị liên quan khác.
Về chính sách, theo ông Tuấn, cần ưu tiên và có chính sách hỗ trợ các giải pháp giảm thiểu rác thải và bảo vệ môi trường trong thương mại điện tử. Xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn đánh giá và nhận diện các doanh nghiệp thương mại điện tử xanh, mô hình thương mại điện tử bền vững. Xây dựng và khuyến khích áp dụng bộ tiêu chuẩn đóng gói hàng hoá cho thương mại điện tử theo hướng ưu tiên sử dụng vật liệu có thể tái chế, giảm rác thải nhựa.
“Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp thương mại điện tử, người bán hàng trong thương mại điện tử áp dụng các giải pháp thân thiện với môi trường; ưu tiên sử dụng nguyên liệu tái chế hoặc các sản phẩm đóng gói có thể phân huỷ sinh học, giảm thiểu lượng rác thải; khuyến khích doanh nghiệp vận chuyển sử dụng các phương tiện thân thiện môi trường...”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Trọng, Tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam nhận định, với việc tối ưu hoá quy trình kinh doanh, vận chuyển, thương mại điện tử sẽ giảm được lượng lớn khí thải của các phương tiện ra môi trường, đồng thời tiết kiệm được năng lượng tiêu thụ. Do đó, đây là nhiệm vụ không chỉ với cơ quan chức năng, doanh nghiệp mà với cả người tiêu dùng trong khuyến khích các doanh nghiệp thương mại điện tử kinh doanh các sản phẩm xanh, tiến hàng các hoạt động “xanh hoá” trong đóng gói, vận chuyển và tiếp nhận hàng hoá.
“Vấn đề trong trụ cột bền vững là môi trường. Ví dụ như: thích đồ ăn giao nhanh chẳng hạn, vô tình chúng ta tạo ra một lượng rác thải nhựa rất lớn ra môi trường, túi bóng đựng đủ các loại. Muốn tốt, hoàn thiện hơn nữa thì bên đóng gói họ càng ngày càng chuyên nghiệp hơn, thay vì một cái túi đựng rau họ chia các loại rau, rồi tăm, thìa, dĩa… đủ kiểu và vô hình trung là chúng ta đang làm hại môi trường. Nếu chúng ta không có định hướng sẽ tới một lúc nào đó toàn cộng đồng họ sẽ bắt đầu sợ vì quanh họ toàn rác thải nhựa thương mại điện tử. Chúng ta phải nghĩ cách để thay đổi cho phù hợp”, ông Trọng khẳng định.
Xoay quanh vấn đề này, từ phía hoạt động bưu chính, các chuyên gia đề xuất, cần liên kết giữa các bộ, ban, ngành; giữa hội, hiệp hội ngành nghề vận tải, hiệp hội logistics, thành lập hiệp hội doanh nghiệp bưu chính để tạo hiệu quả cao nhất trong chuyển đổi số kết hợp với chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp. Đồng thời, phát triển hạ tầng theo hướng số và xanh, kết nối và xử lý dữ liệu, giám sát và tối ưu về năng lượng, giảm thiểu phát thải, tích hợp từ khâu thiết kế, xây dựng...
Có thể bạn quan tâm
Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển thương mại điện tử
00:15, 26/06/2024
Tìm phương thức "hài hòa" trong quản lý thuế đối với thương mại điện tử
04:02, 22/06/2024
Làm gì để kiểm soát kinh doanh thuốc qua sàn thương mại điện tử?
04:30, 20/06/2024
Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử
12:53, 10/06/2024
Động lực tăng trưởng mới của thương mại điện tử
03:15, 08/06/2024