Amazon “loay hoay” chống đỡ các đối thủ Trung Quốc

QUÂN BẢO 29/06/2024 02:00

“Nếu không thể đánh bại đối thủ, hãy bắt chước họ”, một chiến lược quen thuộc của các ông lớn, và lần này là Amazon thi triển với các đối thủ đến từ Trung Quốc.

>>Vì sao Amazon đầu tư 230 triệu USD cho các công ty khởi nghiệp AI trên toàn cầu?

Amazon cho phép người Mỹ mua hàng được giao thẳng từ Trung Quốc

Amazon cho phép người Mỹ mua hàng được giao thẳng từ Trung Quốc

Amazon đang chuẩn bị khai trương một cửa hàng mới cho phép người mua hàng ở Mỹ mua các mặt hàng giá rẻ, không có thương hiệu được giao thẳng từ Trung Quốc sang. Một mô hình tương đối giống với mô hình hoạt động của các nền tảng thương mại điện tử giá cực rẻ Temu và Shein của Trung Quốc. Đây được cho là đòn phòng thủ của Amazon trước sự cạnh tranh ngày càng mạnh của 2 đối thủ Trung Quốc này.

Chiến thuật mới của Amazon sẽ bám sát chiến lược của Temu và Shein bằng cách yêu cầu người bán gửi sản phẩm của họ đến một nhà kho ở Trung Quốc, từ đó sản phẩm sẽ được gửi trực tiếp đến người mua ở Hoa Kỳ. Một sự thay đổi so với quy trình hiện tại, người bán Trung Quốc phải gửi sản phẩm của họ đến các trung tâm xử lý đơn hàng của Amazon ở Mỹ trước khi các gói hàng được chuyển đến người tiêu dùng Mỹ.

Theo truyền thông Mỹ, giữa tuần này, Amazon đã tổ chức một cuộc họp với những người bán hàng lớn nhất Trung Quốc để trình bày chi tiết về kế hoạch. 

Việc sử dụng chiêu thức “giá rẻ” từ lâu đã là một phần trong chiến lược của Amazon.

Năm 2009, Amazon ra mắt doanh nghiệp nhãn hiệu riêng của mình, AmazonBasics. Công ty bắt đầu bằng việc bán các thiết bị điện tử như pin và dây nguồn với mức giá thấp hơn trước khi mở rộng nỗ lực sang các phân khúc sản phẩm khác như thức ăn và quần áo cho thú cưng.

Ngày nay, chiến lược này có thể còn phù hợp hơn nữa, do người tiêu dùng Mỹ có thể đang trở nên thận trọng hơn trong chi tiêu của mình.

Vào tháng 4, Giám đốc tài chính Amazon Brian Olsavsky nói với các nhà báo rằng công ty nhận thấy khách hàng của mình “mua nhiều hàng tiêu dùng và nhu yếu phẩm hàng ngày hơn” và có xu hướng rẻ hơn. Và hàng tiêu dùng chuyển trực tiếp từ Trung Quốc về là một nguồn cung giá rẻ khó cưỡng lại, cho dù nó là hàng không có thương hiệu nổi tiếng hay thương hiệu lâu đời.

Chiến lược này của Amazon rõ ràng đang để cố gắng chống lại sự cạnh tranh tương đối mới từ các nhà bán lẻ trực tuyến ở Trung Quốc như Temu và Shein, những công ty đã nổi lên trong những năm gần đây bằng cách đưa ra mức giá cực rẻ và vận chuyển trực tiếp. Chỉ cần nhìn con số 2 tỷ USD chi cho quảng cáo năm ngoái của Temu là cũng có thể thấy sự tấn công vào thị trường Mỹ của các nền tảng này mạnh mẽ như thế nào.

Các công ty thương mại điện tử giá rẻ của Trung Quốc được cho là đã được lợi từ chính sách “ngưỡng tối thiểu” của Mỹ. Theo đó, các mặt hàng có giá trị dưới 800USD (một mức khá cao) thì sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu. Các công ty Trung Quốc được cho là đã lợi dụng chính sách này để có thể bán hàng với giá cực thấp vào Mỹ.

Một ủy ban tuyển chọn của Hạ viện phát hiện ra rằng chỉ các lô hàng của Temu và Shein từ các kho hàng ở Trung Quốc của họ đã chiếm gần 1/3 trong số tỷ gói hàng vào Hoa Kỳ vào năm 2023 bằng cách sử dụng lỗ hổng này. Điều này khiến cho một ông lớn như Amazon cũng phải “loay hoay” tìm cách chống đỡ.

Việt Nam cũng tương tự như vậy, các gói hàng có giá trị dưới 1 triệu đồng thì sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu và các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới cũng đang bán rất nhiều hàng “không thương hiệu” từ Trung Quốc sang. Theo Bộ Công thương, 4 sàn TMĐT lớn nước ngoài đang khai thác ở Việt Nam mỗi tháng giao dịch khoảng trên dưới 1 tỷ USD với hàng nhập khẩu. Các nhà chức trách cũng đang đặt vấn đề điều chỉnh quy định cho hợp thời hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Amazon Global Selling hỗ trợ doanh nghiệp Việt “cất cánh toàn cầu

    Amazon Global Selling hỗ trợ doanh nghiệp Việt “cất cánh toàn cầu"

    16:14, 06/06/2024

  • Shein trên đường biến thành Amazon

    Shein trên đường biến thành Amazon

    02:00, 21/05/2024

  • AI giúp Amazon tiết kiệm bao bì ra sao?

    AI giúp Amazon tiết kiệm bao bì ra sao?

    03:30, 25/04/2024

QUÂN BẢO