Lận đận danh phận condotel

DIỆU HOA 30/06/2024 03:25

Không như kỳ vọng, các chuyên gia cho biết số lượng condotel hiện nay đang rất lớn, song tại Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Đất đai năm 2024, danh phận của condotel vẫn rất mờ nhạt.

>>Làm rõ khái niệm mới về condotel

Từng là “gà đẻ trứng vàng”, phát triển ồ ạt trong giai đoạn 2015 – 2018, thế nhưng sau ồn ào từ việc thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, khó khăn trong cấp sổ hồng, đến vụ vỡ trận cam kết lợi nhuận Cocobay, phân khúc condotel rơi vào trầm lắng và chưa tìm thấy lối ra.

 Nguồn cung và lượng tiêu thụ condotel trong tháng 5/2024. Nguồn: DKRA

Nguồn cung và lượng tiêu thụ condotel trong tháng 5/2024. Nguồn: DKRA

Condotel “dò đáy”

Thực tế, theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), condotel xuất hiện ở nước ta từ năm 2014 và phát triển bùng nổ ở giai đoạn 2015 - 2018, hàng chục nghìn sản phẩm condotel với tổng giá trị khoảng 297.128 tỷ đồng được tung ra thị trường tại nhiều địa bàn có lợi thế du lịch như Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Nẵng...

Thế nhưng bắt đầu từ năm 2019, sau những “cú đấm bồi” từ pháp lý đến cam kết lợi nhuận, dịch bệnh… loại hình sản phẩm này mất điểm trong mắt các nhà đầu tư, rơi vào trầm lắng.

Đã có nhiều kỳ vọng rằng khi các “luật đinh” của thị trường bất động sản được sửa đổi, bổ sung, condotel sẽ có “danh phận”, sớm phục hồi và ổn định.

Song, báo cáo phân tích mới đây của DKRA cho thấy sức cầu condotel hồi quý I/2024 đã xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua, lượng tiêu thụ chỉ bằng 35% so với cùng kỳ, 90% dự án không ghi nhận phát sinh giao dịch trong quý. Trong khi đó, 2 tháng đầu của quý II, thị trường cũng chỉ ghi nhận 1 dự án ở giai đoạn tiếp theo và tiêu thụ được 1 căn.

Theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS, lượng giao dịch kém do nguồn cung yếu, hàng tồn kho chủ yếu là sản phẩm giá trị cao, phải cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm đã cắt lỗ từ trước của các chủ đầu tư. Trong khi, niềm tin nhà đầu tư chưa được phục hồi do hành lang pháp lý chưa rõ ràng, chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết, thanh khoản kém.

"Một số dự án condotel vẫn "đóng" giỏ hàng, không phát sinh giao dịch do vướng mắc pháp lý. Để "hồi sinh" loại hình condotel, Nhà nước cần sớm "lấp đầy" khoảng trống pháp lý cho người mua, quy định ràng buộc quyền lợi, trách nhiệm rõ ràng của chủ đầu tư, khách mua, đơn vị quản lý...", ông Đính chia sẻ.

>>Khơi thông pháp lý cho condotel

Mờ nhạt danh phận condotel

Cũng theo đánh giá của nhiều chuyên gia "mùa đông condotel" sẽ tiếp tục kéo dài. Sức cầu chung tiếp tục giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn.

Bởi lẽ, dù đã được nhắc đến tại Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024 nhưng nội dung của 2 bộ luật quan trọng trên cho thấy, bóng dáng của loại hình condotel vẫn còn khá mờ nhạt.

Cụ thể, tại Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có 6 lần cụm từ “du lịch” được nhắc đến, tuy nhiên cụ thể loại hình căn hộ du lịch (condotel) là gì, định nghĩa, chức năng, quyền sở hữu,…. dường như vẫn chưa được thể hiện một cách rõ ràng.

Hay tại Luật Đất đai 2024 nội dung liên quan đến đất đai gắn với loại hình căn hộ du lịch, nghỉ dưỡng cũng chưa thật sự xuất hiện một cách rõ ràng, tường minh.

Tại điều 9 quy định về phân loại đất hiện không xuất hiện cụm từ “du lịch, nghỉ dưỡng” nào và loại hình condotel được cho là nằm trong phạm trù điều chỉnh của khoản đ, điểm 2 điều 9 “ Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản”.

Tại điều 143 quy định về Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với đất xây dựng khu đô thị, khu dân cư nông thôn, dự án sản xuất kinh doanh có nhiều mục đích sử dụng đất khác nhau, loại hình condotel có thể nằm trong phạm trù của khoản C, điểm 1.

Song, khái niệm về căn hộ du lịch, nghỉ dưỡng (condotel) liên quan đến xác định mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,… vẫn chưa được tách bạch một cách rõ ràng, tường minh.

Trao đổi riêng với DĐDN, ông Đỗ Viết Chiến – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng condotel là loại sản phẩm mới so, thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, thế nhưng nhiều địa phương lại cấp phép cho phát triển ồ ạt, số lượng condotel trên cả nước hiện nay là rất lớn và khó để “xử lý”.

Việc định danh cho phân khúc này đã được tính toán nhiều lần, thế nhưng rất khó. Bởi xét trên khía cạnh quy hoạch, xác định đơn vị ở sẽ làm gia tăng dân số, và đặt ra những yêu cầu nhiều hơn về hạ tầng xã hội như y tế, trường học…Cũng từ đó, để xác định loại đất thực hiện dự án là gì cũng khó khăn.

Theo ông Chiến, khung pháp lý vẫn tiếp tục là trở ngại lớn cho condotel, ngay cả Luật Đất đai 2024 hay trước đó là Nghị định 10/2023/NĐ-CP cũng khó cởi trói vấn đề cấp sổ hồng. Muốn giải phóng hàng tồn kho lớn không phải là câu chuyện một sớm một chiều mà đòi hỏi phải có thời gian triển khai dài và có sự kết hợp chặt chẽ giữa các bên, từ Chính phủ, các ban ngành cho đến các chủ đầu tư và nhà đầu tư.

Có thể bạn quan tâm

  • Làm rõ khái niệm mới về condotel

    03:00, 19/06/2024

  • Khơi thông pháp lý cho condotel

    03:00, 22/05/2024

  • Condotel không phát sinh giao dịch

    11:29, 08/05/2024

  • Khôi phục tiềm năng cho thị trường Condotel

    15:37, 19/03/2024

  • Condotel ảm đạm nhưng giá vẫn neo cao

    20:00, 31/01/2024

DIỆU HOA