Chuyển đổi số ngân hàng thúc đẩy phát triển doanh nghiệp
Thời gian qua, thanh toán không dùng tiền mặt tại Nam Định đã có bước phát triển vượt bậc nhờ sự mở rộng của dịch vụ ngân hàng số.
Tiếp tục thúc đẩy kết nối
Trước bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số (CĐS) không còn là xu hướng mà đã trở thành vấn đề “sống còn”, giúp doanh nghiệp vừa duy trì, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình này, tỉnh Nam Định chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp tạo động lực thúc đẩy CĐS trong doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế – xã hội bền vững để hoàn thành mục tiêu xây dựng nền kinh tế số và phát triển bền vững.
Với mục tiêu chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai cơ chế, chính sách thúc đẩy CĐS, trong đó, doanh nghiệp được xác định đóng vai trò quan trọng trong tiến trình CĐS. Để thúc đẩy doanh nghiệp CĐS, tham gia các hoạt động tài chính trên môi trường số, thời gian qua, các ngân hàng trong tỉnh Nam Định đã tích cực cung ứng các dịch vụ hiện đại trên nền tảng công nghệ số phục vụ riêng nhóm đối tượng doanh nghiệp.
Thời gian qua, với mục tiêu hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp giao dịch, thanh toán số thuận tiện hơn, hệ thống Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) trên địa bàn tỉnh Nam Định đã triển khai tính năng giải ngân và phát hành bảo lãnh trực tuyến ngay trên nền tảng ngân hàng số dành cho doanh nghiệp VietinBank eFAST.
Doanh nghiệp đã được cấp hạn mức cho vay/bảo lãnh và có chữ ký số, có thể thực hiện giao dịch giải ngân và phát hành bảo lãnh online ngay trên ứng dụng ngân hàng số VietinBank eFAST. Giấy nhận nợ và đề nghị phát hành bảo lãnh được khách hàng và ngân hàng ký số hoàn toàn trên hệ thống và đảm bảo đầy đủ tính pháp lý.
Hồ sơ mục đích giải ngân/phát hành bảo lãnh được doanh nghiệp tải lên trên hệ thống internet banking mà không cần bổ sung chứng từ giấy cho ngân hàng. Đặc biệt, tất cả hồ sơ được lưu trữ online 100% dễ dàng cho khách hàng trong việc tra cứu/quản lý. Khách hàng được cập nhật liên tục về trạng thái của giao dịch qua email đã đăng ký với ngân hàng.
Với tính năng này, doanh nghiệp có thể thực hiện giải ngân/phát hành bảo lãnh mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi lãnh đạo doanh nghiệp đang đi công tác. Nhờ đó, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí xử lý giao dịch, tiết giảm toàn bộ các khoản in ấn, vận chuyển và lưu trữ hồ sơ giấy. Việc phát triển tính năng giải ngân, phát hành bảo lãnh online trên VietinBank eFAST nằm trong lộ trình không ngừng gia tăng số hóa các sản phẩm, dịch vụ của VietinBank. Qua đó, VietinBank mong muốn tối ưu trải nghiệm khách hàng và đồng hành cùng DN trong hành trình số hóa.
Mở rộng dịch vụ
Theo Kế hoạch, đến năm 2025, sẽ có 100% các dịch vụ công của Ngân hàng Nhà nước đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4, 100% dịch vụ công mức độ 4 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, 90% hồ sơ công việc tại Ngân hàng Nhà nước được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước), ít nhất 50% hoạt động kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của Ngân hàng Nhà nước.
Thời gian qua, với những đổi mới, sáng tạo liên tục trong công cuộc CĐS, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Nam Định ngày càng mang đến nhiều sản phẩm, dịch vụ hiện đại cho khách hàng trên nền tảng ngân hàng điện tử được thiết kế chuyên biệt cho từng đối tượng khách hàng như: VCB Digibank dành cho khách hàng cá nhân, VCB DigiBiz dành cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đối với khách hàng doanh nghiệp và tổ chức, Vietcombank đã áp dụng thành công Hệ thống VCB CashUp - Hệ thống thanh toán và quản lý dòng tiền hiện đại, toàn diện đầu tiên tại Việt Nam. VCB CashUp được thiết lập với giao diện thông minh trên tất cả các thiết bị công nghệ, đem lại trải nghiệm đồng nhất cho khách hàng; đồng thời, đáp ứng nhu cầu quản lý đa tầng, đa phương, phục vụ tổng thể cho cả hệ sinh thái của doanh nghiệp. Vietcombank cũng đã đi đầu triển khai Dịch vụ tài trợ thương mại trực tuyến đảm bảo chất lượng cao và đạt chuẩn quốc tế nhằm hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp trong lĩnh vực tài trợ thương mại.
Ứng dụng Techcombank Business Mobile của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam giúp khách hàng doanh nghiệp chuyển tiền, thanh toán các dịch vụ hóa đơn (điện, nước, thuế, hải quan...), chuyển tiền theo lô, trả lương và quản lý tài chính, mua bán ngoại tệ trên đa nền tảng và bảo mật nhiều loại giao dịch khác nhau. Nhiều doanh nghiệp đã tích cực CĐS trong các hoạt động giao dịch, quản lý tài chính nhờ vào các dịch vụ ngành ngân hàng cung cấp như: trả lương, trả tiền điện, nước, cước viễn thông, thuế điện tử, giao dịch thanh toán đơn hàng, tiếp cận với các khoản vay ngắn hạn phục vụ các đơn hàng cuối năm, tiết giảm chi phí và nhân lực kế toán, tài chính, tăng cường hiệu suất làm việc, quản lý hồ sơ, mở rộng thị trường tiêu thụ qua thương mại điện tử, quản lý dòng tiền…
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) Chi nhánh Nam Định cũng đẩy mạnh mở rộng các dịch vụ ngân hàng số thanh toán quốc tế trực tuyến giúp doanh nghiệp chủ động giao dịch mọi lúc, mọi nơi như: quản lý và thanh toán các khoản thuế nội địa, thuế hải quan 24/7; chi lương, thanh toán theo lô, thanh toán phí dịch vụ cảng, chuyển tiền vào tài khoản chứng khoán…
Hay Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng đã cho ra đời BIZ MBBank là nền tảng dịch vụ tài chính - ngân hàng số thông minh nhằm giúp DN chủ động mọi nhu cầu tài chính mà không cần tới ngân hàng.
Theo nhận định của các chuyên gia, các ngân hàng đang nỗ lực “cân đo” những sản phẩm dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp trên kênh số hoá, vừa tạo sự thuận tiện vừa là trợ lực tích cực, đặc biệt là với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa có năng lực quản lý tài chính hạn chế, giúp doanh nghiệp dễ dàng quản lý dòng tiền, nguồn vốn của mình.
Được biết, Kế hoạch nhằm đổi mới toàn diện hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về chuyển đổi số của Chính phủ.
Đồng thời, cùng với phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng, Kế hoạch còn nhằm hướng tới mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.
Theo Kế hoạch, đến năm 2025, sẽ có 100% các dịch vụ công của Ngân hàng Nhà nước đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4, 100% dịch vụ công mức độ 4 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, 90% hồ sơ công việc tại Ngân hàng Nhà nước được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước), ít nhất 50% hoạt động kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của Ngân hàng Nhà nước.
Cùng với đó, để thu hút khách hàng, dịch vụ ngân hàng số cũng dành cho doanh nghiệp nhiều ưu đãi hấp dẫn, nhiều dịch vụ miễn phí hoàn toàn. Việc triển khai các sản phẩm số hóa, doanh thu từ lĩnh vực dịch vụ số của các ngân hàng sẽ tăng lên nhờ các khoản phí thu được.
Để thu hút doanh nghiệp ngày càng sử dụng nhiều dịch vụ ngân hàng trên môi trường số, thời gian tới, các ngân hàng đẩy mạnh thiết kế các sản phẩm vay phù hợp, ứng dụng công nghệ số hỗ trợ doanh nghiệp quản trị điều hành, tài chính - kế toán, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương mại điện tử tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ số giúp doanh nghiệp củng cố tài chính, số hóa hệ thống văn bản, số liệu, thu gọn mạng lưới phân phối truyền thống như cửa hàng và đại lý, từng bước chuyển dịch sang phương thức kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.
Cùng với đó, bản thân các doanh nghiệp cũng cần quan tâm tăng cường đầu tư công nghệ, lựa chọn chiến lược CĐS phù hợp với thực tiễn trong các khâu sản xuất, kinh doanh. Có như vậy, công cụ công nghệ số của ngân hàng cung cấp mới có thể phát huy hết hiệu quả giúp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong doanh nghiệp về CĐS, từng bước hình thành nền kinh tế số vững chắc, bền vững.