Thị trường chứng khoán sẽ phân hóa mạnh
Trong bối cảnh không có quá nhiều áp lực, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có thể sẽ phân hóa mạnh.
>>>Lạc quan về triển vọng của VN-Index trong trung hạn
Với mức 1.261 điểm, VN-Index chỉ tăng khoảng 11% so với đầu năm nay, nhưng điều đó không phản ánh đúng bản chất của thị trường. Có rất nhiều cổ phiếu tăng thực sự mạnh mẽ, thậm chí tăng gấp 2-3 lần chỉ trong vòng vài tháng, giúp không ít nhà đầu tư (NĐT) kiếm lợi nhuận lớn, như ACV, FOX, VGI...
Lực đẩy từ câu chuyện riêng
Nhìn lại xu hướng tăng năm ngoái, thị trường được dẫn dắt bởi môi trường lãi suất thấp khi NHNN liên tục hạ lãi suất cộng với nền giá rất thấp từ cú sụp mạnh của thị trường năm 2022. Thị trường đồng loạt tăng giá và rất nhiều nhóm cổ phiếu thi nhau dẫn dắt thị trường ngoại trừ nhóm ngân hàng. Chính vì thế, ở giai đoạn đầu năm 2024, dòng tiền nhanh chóng dịch chuyển sang nhóm này.
Tuy nhiên, sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng không kéo dài, khiến thị trường rơi vào nhịp điều chỉnh nhẹ cuối tháng 3. Có thời điểm chỉ số này xuyên thủng mốc 1.200 điểm nhưng cũng chính tại thời điểm này thị trường nhanh chóng hồi phục. Đà tăng lần này được hỗ trợ mạnh mẽ bởi kỳ vọng vào hệ thống KRX và nâng hạng thị trường dù rằng xu hướng tăng lãi suất bắt đầu xuất hiện, thị trường vàng bất ổn và tỷ giá tăng mạnh. Nhưng có lẽ nguyên nhân chính là NĐT không còn kênh đầu tư nào hấp dẫn hơn TTCK và lãi suất tăng chưa đủ hấp dẫn.
Dòng tiền kể từ đó liên tục lan tỏa, từ nhóm chứng khoán với câu chuyện KRX chuyển dần sang nhóm cổ phiếu Viettel, nhóm hàng không, nhóm công nghệ. Cổ phiếu FPT tăng vọt sau cú bắt tay giữa tập đoàn FPT với tập đoàn NVIDIA nhờ câu chuyện bán dẫn. Dòng tiền cũng ưu tiên lựa chọn cổ phiếu của những doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước như POW, VEA, DCM, BSR … và đặc biệt đang niêm yết trên sàn UPCoM. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngành vận tải biển, cảng biển vừa qua cũng tăng khá mạnh với những cổ phiếu như SGP, HAH, … do có thông tin về việc giá cước vận tải tăng. Thực chất của điều này là bởi các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc đang tận dụng thời gian giao hàng sang thị trường Mỹ trước thời hạn bị áp thuế mới.
Như vậy, nhóm cổ phiếu tăng giá mạnh trong năm 2024 hầu hết đến từ việc có câu chuyện nào được kể, thay vì kết quả kinh doanh nếu nhìn vào các cổ phiếu như VNM, PNJ… Những NĐT nào nắm bắt được xu thế trên, đồng thời mạo hiểm, gần như đều nhận được kết quả tích cực.
Tuy nhiên, bộ ba cổ phiếu: ngân hàng – chứng khoán - thép từng “làm mưa làm gió” năm 2023 hiện đang theo xu hướng thoái trào. Câu chuyện về hệ thống giao dịch KRX đang dần nguội và có tin đồn rằng hệ thống này không chắc đã được đưa vào sử dụng, khiến giá nhiều cổ phiếu chứng khoán đang giảm, như CTS, BSI, FTS… Nhóm cổ phiếu ngân hàng có lẽ đang chịu quá nhiều sức ép từ nợ xấu, tín dụng tăng trưởng thấp, lãi suất huy động tăng… khiến giá chững lại hoặc giảm nhẹ. Hay nhóm ngành thép gồm HPG, HSG, GDA… đang được kỳ vọng vào việc áp thuế chống bán phá giá nhưng điều này cho thấy sự cạnh tranh của thép nhập khẩu quá lớn. Chính vì vậy, nhóm ngành này cũng không còn thu hút được dòng tiền đủ mạnh. Tất cả điều này cho thấy sự tăng giá đều không bền vững và khi câu chuyện trở nên nhạt đi, giá cổ phiếu bắt đầu suy giảm.
>>>VN-Index sẽ theo kịch bản nào?
Tăng, giảm đan xen nhau
Kể từ khi VN-Index chạm đến mốc 1.300 điểm thì thị trường đã có 2 phiên giảm điểm mạnh, đặc biệt phiên 24/6 đẩy chỉ số VN-Index quay lại sát mốc 1.250 điểm. Mặc dù có 2 phiên hồi phục nhẹ khi chỉ số này chạm đến vùng hỗ trợ nhưng tín hiệu tích cực chưa đến. Nhìn vào đồ thị chỉ số này có vẻ như “cuộc vui” đã và đang dần thoái trào và mô hình 2 đỉnh đã xuất hiện.
Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện nay không có quá nhiều áp lực, thị trường sẽ phân hóa mạnh. Theo đó, các phiên sẽ tăng, giảm đan xen, thị trường nhiều khả năng sẽ đi ngang trong vùng 1.250 điểm (+/-10). NĐT sẽ ưu tiên “lướt sóng” ngắn hạn và mua khi thị trường giảm sâu hoặc giá cổ phiếu nào đó giảm mạnh và chờ cơ hội để bán lại với giá cao hơn. Điều này tương đối rõ ở phiên giao dịch 26/6 khi VN-Index rơi xuống mức thấp nhất 1.247,55 điểm, giảm hơn 9 điểm, đã thúc đẩy lực cầu mua gia tăng. Chốt phiên, chỉ số này đóng cửa mốc 1.261,24 điểm, tạo ra khoảng chênh lệch giá lên đến hơn 15 điểm. Về ngắn hạn, chiến lược này có vẻ là khả thi nhưng về dài hạn, chính chiến lược này có thể khiến nhiều NĐT mắc kẹt thêm cổ phiếu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu tăng mạnh trước đó.
Thật khó tìm kiếm ra nhóm ngành nào chưa được dòng tiền dẫn dắt cho đến thời điểm hiện tại khi 2 năm qua dòng tiền đã lướt qua. TTCK đầy tính đầu cơ kiểu như vừa qua có thể gây thiệt hại cho nhiều NĐT nếu như có cú sốc bất ngờ nào đó. NĐT cá nhân đang thể hiện sức mạnh khi đang ôm toàn bộ gần 50.000 tỷ đồng bán ròng của khối ngoại và các tổ chức trong nước. Nhưng sức mạnh này chưa bao giờ được đánh giá cao, bởi tính kỷ luật đầu tư quá yếu kém. Những NĐT thận trọng dù không kiếm lợi nhuận nhanh nhưng bền vững khi họ tiếp tục bám sát vào vĩ mô.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2024: Huy động vốn sẽ tăng kỉ lục
02:02, 15/06/2024
Thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2024: Đâu là động lực tăng trưởng?
04:00, 17/06/2024
Thị trường chứng khoán: Bảo toàn nguồn lực, chờ cơ hội
09:58, 25/06/2024
ĐIỂM BÁO NGÀY 14/6: Thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2024
04:14, 14/06/2024